Thạc sĩ, bác sĩ Lê Thị Việt Hà, Trưởng khoa Bệnh lý Tuyến giáp, Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Hà Nội) cho hay từ đầu năm đến nay tại khoa tiếp nhận khoảng 200 ca bệnh bướu giáp nhân. Điều đó cho thấy số lượng bệnh nhân mắc u nang giáp, bướu nhân tuyến giáp khá cao và đang có xu hướng gia tăng.
Nhiều trường hợp khi nhập viện khối u đã quá lớn và bắt buộc phải tiến hành thủ thuật hút dịch kèm điều trị hỗ trợ nhiều lần để làm giảm sự phát triển của khối u nang.
Bác sĩ tiến hành tiêm cồn Ethanol cho anh H. sau khi được hút dịch. Ảnh: Bệnh viện cung cấp. |
Trường hợp gần nhất là bệnh nhân Pòong V. H. (42 tuổi, sinh sống tại huyện Nậm Bồ, tỉnh Điện Biên), đang được xử trí bằng phương pháp hút dịch và tiêm Ethanol tuyệt đối qua da dưới hướng dẫn siêu âm.
Trước đó, kết quả khám cho thấy tuyến giáp bên trái của bệnh nhân to, có nhân di động, mật độ mềm, không đau; siêu âm thấy nhân lớn thùy trái, trong đó phần dịch chiếm ưu thế, kích thước nhân 63x35 mm.
Theo bác sĩ Hà, trường hợp bệnh nhân H. được gọi là nang giáp (nang có dịch, nhân đặc), do đó, việc dùng phương pháp điều trị tốt nhất là tiêm cồn hoặc điều trị bằng sóng cao tần. Đối với nang giáp, sử dụng phương pháp tiêm cồn, còn đối với nhân đặc trong quá trình điều trị cần sử dụng sóng cao tần sẽ cho hiệu quả cao hơn.
Phương pháp tiêm cồn Ethanol tuyệt đối qua da dưới hướng dẫn siêu âm sẽ giúp khối u nang xẹp dần và tự tiêu trong 2-3 lần hút dịch.
Về tác dụng của việc tiêm cồn, chuyên gia cho biết thêm sau khi tiêm cồn Ethanol, khối u sẽ nhỏ lại mà không cần phải phẫu thuật. Thông qua màn hình siêu âm, các kỹ thuật viên sẽ hút dịch sạch trong khoang khối u và sử dụng biện pháp tiêm cồn. Tuyến giáp sẽ hoàn toàn xẹp lại mà không cần phẫu thuật, giảm quá trình chảy máu, giảm chi phí điều trị.
Sau 3 tháng điều trị bằng phương pháp tiêm cồn, hiện tại khối nang giáp của bệnh nhân H. đã giảm từ 60 mm xuống còn 28 mm. Bệnh nhân cũng không còn cảm giác tức vướng, nuốt nghẹn, cơn đau đầu cũng giảm, đặc biệt cơ thể không còn mệt mỏi.
Hiện nay, Bệnh viện Nội tiết Trung ương là một trong những bệnh viện đầu tiên thực hiện phương pháp điều trị này. Đối với những bệnh nhân thể tích dịch 20-30 ml, chỉ cần dùng thủ thuật hút một lần và tiêm cồn, còn đối với bệnh nhân có thể tích dịch lớn hơn, số lần hút dịch và tiêm cồn sẽ tăng lên 2-3 lần tùy theo mức độ bệnh của từng người.
Bác sĩ Hà khuyến cáo các bệnh lý liên quan đến tuyến giáp đang được coi là “cơn dịch” không phải do lây lan mà vì ngày càng nhiều người mắc bệnh được phát hiện.
Để phát hiện sớm và kịp thời điều trị nang giáp, người dân nên đi khám sàng lọc sớm, đặc biệt trong gia đình nếu có người mắc bệnh nên tới cơ sở y tế gần nhất để thăm khám. Nếu phát hiện ra nhân tuyến giáp cần tới ngay bệnh viện chuyên khoa nội tiết và rối loạn chuyển hóa để được điều trị triệt để.
XEM THÊM
5 dấu hiệu cần để ý của bệnh ung thư tuyến giáp nhiều phụ nữ mắc phải
Không kể độ tuổi, ung thư luôn là một nỗi sợ với tất cả mọi người. Đặc biệt, ung thư tuyến giáp thường xảy ra ... |
10 dấu hiệu tuyến giáp của bạn không hoạt động đúng
Tuyến giáp có vấn đề làm da khô có vảy, vùng cổ sưng, cân nặng thay đổi đột ngột, kinh nguyệt bất thường, theo Brightside. |
Trưởng khoa Ung bướu BV Tai Mũi Họng TƯ: Triệu chứng sớm của K tuyến giáp cần lưu ý
Nói đến hai từ ung thư ai bị mắc cũng nghĩ mình nằm trong “án tử”, tuy nhiên theo các bác sĩ với ung thư ... |
Thấy tức nặng vùng cổ, ngỡ ngàng phát hiện ung thư tuyến giáp di căn
ThS.BS Nguyễn Thái Hoàng – Khoa điều trị kỹ thuật cao, BV Nội tiết Trung ương cho biết, do chủ quan, rất nhiều người bị ... |