Công ty CP Tập đoàn FLC vừa công bố báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo hợp nhất toàn tập đoàn trong quý I/2019. Điểm đáng lưu ý của báo cáo tài chính hợp nhất là lợi nhuận sau thuế mà FLC thu được chỉ vỏn vẹn 8 tỉ đồng, giảm hơn 12 lần so với cùng kì năm ngoái.
Đây cũng là mức lợi nhuận thấp nhất của FLC kể từ quý II/2017. Chốt báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2017, doanh nghiệp của đại gia Trịnh Văn Quyết chỉ lãi 5 tỉ đồng.
3 tháng đầu năm, Tập đoàn FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết chỉ lãi vỏn vẹn 8 tỉ đồng. (Đồ hoạ: Phúc Huy).
Cụ thể, trong 3 tháng đầu năm 2019, doanh thu thuần của FLC đạt 2.980 tỉ đồng, tăng trưởng 35% so với cùng kì. Trong khi đó, giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ tăng tới 46%, với 2.895 tỉ đồng, khiến lợi nhuận gộp từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vụ chỉ đạt 84 tỷ đồng, giảm 63%.
Chi phí bán hàng và chi phí quản lí doanh nghiệp cũng tăng từ 1,6-2 lần so với cùng kì năm ngoái.
Vì vậy, lợi nhuận sau thuế của Tập đoàn FLC chỉ còn khoảng 8 tỉ đồng, trong khi cùng kì năm ngoái đạt gần 100 tỉ đồng.
Giải thích về lợi nhuận sau thuế hợp nhất giảm hơn 12 lần, lãnh đạo FLC cho biết nguyên nhân chủ yếu do chi phí bán hàng, chi phí quản lí doanh nghiệp tăng, trong khi đó, lợi nhuận gộp hợp nhất về bán hàng, cung cấp dịch vụ giảm.
Nguyên nhân chủ yếu khiến giá vốn hợp nhất tăng mạnh trong quý I/2019 của FLC đến từ mảng cung cấp dịch vụ do đang phải kinh doanh dưới giá vốn.
Cụ thể, đóng góp chính vào tổng doanh thu quý I vẫn là hoạt động bán hàng hóa, đạt 1.403 tỉ đồng, chiếm 47%. Mảng kinh doanh bất động sản mang lại 971 tỉ đồng doanh thu, chiếm 32,2%. Còn lại là hoạt động cung cấp dịch vụ góp 644 tỉ đồng.
Ông Trịnh Văn Quyết - Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tập đoàn FLC. (Ảnh: FLC).
Mảng bán hàng hoá tuy mang lại doanh thu lớn nhưng lợi nhuận chỉ 45 tỉ đồng, trong khi kinh doanh bất động sản mang lại cho FLC 245 tỉ đồng lãi gộp. Riêng mảng cung cấp dịch vụ, FLC đang kinh doanh dưới giá vốn, khiến doanh nghiệp lỗ 176 tỉ đồng, cao gần 4 lần số tiền lãi từ hoạt động bán hàng hoá.
Một điểm đáng chú ý là cùng kì năm ngoái, mảng cung cấp dịch vụ của FLC mang lại lãi gộp hơn 71 tỉ, dù doanh thu chỉ đạt hơn 150 tỉ, tức thấp hơn doanh thu dịch vụ năm nay hơn 4 lần.
Trong báo cáo tài chính công ty mẹ của FLC, lợi nhuận sau thuế đạt 249 tỉ đồng, tăng đột biến 185% so với cùng kì 2018. Giải trình với Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP HCM, lãnh đạo FLC cho hay lợi nhuận sau thuế riêng tăng mạnh chủ yếu do tăng doanh thu bất động sản và doanh thu từ hoạt động tài chính.
Như vậy, theo kết quả kinh doanh trái ngược từ báo cáo tài chính công ty mẹ và báo cáo tài chính hợp nhất của FLC, phần lỗ ròng khiến lợi nhuận hợp nhất sụt giảm hơn 241 tỉ đồng so với riêng công ty mẹ đến từ một hoặc vài công ty con.
Trong quý I/2019, trước thời điểm Tết Nguyên đán, hãng bay của đại gia Trịnh Văn Quyết - Bamboo Airways, có chuyến bay thương mại đầu tiên và chính thức gia nhập thị trường hàng không Việt Nam.
Theo thống kê của Cục Hàng không dân dụng, trong 3 tháng đầu năm, Bamboo Airways khai thác tổng cộng 2.024 chuyến bay. Hãng khai thác 17 tuyến bay nội địa và đang có kế hoạch nâng lên thành 40 tuyến trong năm nay, trong đó, có các các tuyến quốc tế.
Hãng bay của đại gia Trịnh Văn Quyết - Bamboo Airways, đã có chuyến bay thương mại đầu tiên vào đầu năm nay, chính thức gia nhập thị trường hàng không Việt Nam. (Ảnh: Reuters).
Theo kế hoạch, đến cuối năm, Bamboo sẽ nâng số lượng đội tàu bay của mình lên 40 chiếc.
Tuy nhiên, Giấy phép Kinh doanh Vận chuyển hàng không cấp ngày 12/11/2018 của Bamboo Airways chỉ cho phép khai thác tối đa 10 tàu bay.
Để chuẩn bị cho mục tiêu, tay chơi mới trong thị trường hàng không đã có hồ sơ đề nghị cấp lại giấy phép, sửa đổi nội dung về vốn điều lệ, người đại diện theo pháp luật, bổ sung danh sách chi nhánh và nâng phạm vi hoạt động lên trên 30 tàu bay.
Tuy nhiên, Cục Hàng không cho rằng cần phải xem xét và cân nhắc kĩ lưỡng, bởi việc nâng số lượng máy bay khai thác lên hơn 30 chiếc phải dựa trên quy định của pháp luật, nhu cầu thị trường, phù hợp của hạ tầng cảng hàng không và phải đảm bảo giám sát an toàn hàng không của Cục. Ngoài ra, còn phải đảm bảo năng lực khai thác của hãng.
Ở thời điểm thành lập, vốn điều lệ của hãng hàng không Bamboo Airways là 700 tỉ đồng. Với mức vốn điều lệ này, theo quy định hiện hành, hãng chỉ được khai thác tối đa 10 tàu bay. Tuy nhiên, sau khi tăng vốn lên 1.300 tỉ đồng, thì Bamboo đã đủ điều kiện khai thác tối đa 30 máy bay.
Hiện Tập đoàn FLC của đại gia Trịnh Văn Quyết cũng có kế hoạch huy động khoảng 3.000 tỉ đồng, từ việc phát hành gần 300 triệu cổ phiếu. FLC dự kiến dùng 700 tỉ đồng trong số huy động được để tăng vốn điều lệ cho Bamboo Airways từ 1.300 tỉ lên 2.000 tỉ đồng, chuẩn bị cho các mục tiêu xa hơn.