Bánh trung thu \"lạ\" giá rẻ: Cứ ăn đi rồi rước họa vào người

Bên cạnh các cơ sở bảo đảm được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh trung thu thì vẫn còn một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý sử dụng các loại phẩm mầu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không bảo đảm

Phát hiện 20 cơ sở làm bánh trung thu vi phạm vệ sinh thực phẩm

Theo tin tức trên báo Hà Nội Mới, các sở, ngành TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 195 cơ sở sản xuất bánh trung thu qua đó phát hiện 20 cơ sở vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đây là thông tin được cho biết tại buổi làm việc giữa Sở Công Thương Thành phố Hồ Chí Minh với Đoàn kiểm tra liên ngành về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2016 do ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương chủ trì, ngày 7/9.

Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó chi Cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh (TP HCM) cho biết, hiện tại, cơ quan chức năng thành phố đã xử phạt 7 cơ sở với tổng số tiền là 42,35 triệu đồng, riêng các cơ sở còn lại đang tiến hành xử lý đúng theo quy định pháp luật.

Theo bà Mai, trong mùa Trung thu năm nay, TP HCM thành lập hai đoàn liên ngành, thực hiện kiểm tra thực tế, lấy mẫu bánh Trung thu để kiểm nghiệm... Bên cạnh đó, 24 quận - huyện thuộc thành phố cũng thành lập các đoàn kiểm tra những cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh bánh trung thu.

Qua công tác kiểm tra, đa số các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu lớn đều trang bị máy móc hiện đại, đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên, các cơ sở nhỏ và hộ kinh doanh cá thể có mặt bằng nhỏ, điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất còn kém, trang thiết bị lạc hậu, kiến thức và ý thức chấp hành quy định về an toàn thực phẩm còn hạn chế.

tin nhap 20160908062114
Phát hiện hơn 20 cơ sở làm bánh trung thu vi phạm an toàn vệ sinh. Ảnh: TTXVN

Đại diện Chi cục Quản lý thị trường TP HCM nhấn mạnh, các hành vi vi phạm chủ yếu của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố là quy trình sơ chế, chế biến thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chứa đựng thực phẩm không đảm bảo an toàn hoặc thực phẩm tiếp xúc với các yếu tố gây ô nhiễm cũng như chất độc hại.

Đặc biệt, là các vi phạm về không đảm bảo an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm vẫn chiếm tỷ lệ cao trong các đợt kiểm tra.

Trước kết quả kiểm tra về an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu 2016 tại TP HCM, ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục quản lý thị trường, Bộ Công Thương cho rằng, công tác quản lý, kiểm tra và giám sát hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP HCM trong năm nay đã thực hiện đúng quy định của pháp luật và được quan tâm, góp phần đảm bảo an toàn thực phẩm mặt hàng bánh Trung thu lưu thông trên địa trường.

Song song đó, hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn thành phố cũng đã từng bước được quy hoạch tốt hơn, từ đó giảm thiểu nguy cơ về an toàn thực phẩm trong mùa Trung thu 2016.

Cẩn thận với bánh trung thu "lạ"

Báo Nhân Dân Online đưa tin, bên cạnh các sản phẩm bánh của những thương hiệu tên tuổi, trên thị trường vẫn xuất hiện nhiều loại bánh không rõ nguồn gốc, sản xuất theo thời vụ. Phong trào tự làm bánh (bánh handmade) ngày càng nở rộ với nguồn nguyên liệu trôi nổi cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe...

Qua khảo sát thực tế, tại các cửa hàng thực phẩm, tạp hóa ở nhiều vùng nông thôn ngoại thành Hà Nội, vẫn xuất hiện các loại bánh dẻo, bánh nướng, bánh đậu xanh trôi nổi, tem mác đơn giản, ngày sản xuất, hạn sử dụng không rõ ràng. Thậm chí, một số loại bánh còn không có ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Sở dĩ những loại bánh này xuất hiện và được tiêu thụ mạnh ở các vùng nông thôn bởi giá thành rẻ. Hơn nữa, hiểu biết của người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm còn khá mơ hồ. Đây chính là “mảnh đất” béo bở để các loại bánh kém chất lượng đội lốt bánh gia truyền, thương hiệu nổi tiếng thâm nhập thị trường.

tin nhap 20160908062114
Phát hiện hơn 4.000 bánh trung thu bị mốc đang chuẩn bị được tái chế. Ảnh: Dân Trí

Ngày 16/8 vừa qua, Đoàn kiểm tra do Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long làm Trưởng đoàn đã kiểm tra đột xuất tại một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu trên địa bàn xã La Phù (Hoài Đức, Hà Nội), đã phát hiện cơ sở sản xuất bánh trung thu Ngọc Khánh, sử dụng chất phụ gia thực phẩm không có nhãn mác, không có nguồn gốc rõ ràng. Còn ở cơ sở sản xuất bánh kẹo Tân Hoàng Gia, tại thời điểm kiểm tra, nhân viên đóng bánh không mặc đồng phục, đeo khẩu trang, sử dụng găng tay, quy trình đóng gói sản phẩm thực hiện trực tiếp xuống mặt đất, nguyên liệu làm bánh (kem trộn) được đựng trong thùng đựng sơn cáu bẩn. Điều đáng nói, đây không phải là lần đầu tiên, cơ sở này vi phạm.

Theo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), việc sản xuất, kinh doanh bánh trung thu mang tính thời vụ, cho nên vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều đáng lo ngại không chỉ đối với người tiêu dùng, mà còn cả cơ quan chức năng.

Nguyên nhân do sản xuất các loại bánh nướng, bánh dẻo đem lại lợi nhuận rất cao, nên vào dịp Tết Trung thu, năm nào cũng xuất hiện hàng loạt các cơ sở chế biến, sản xuất loại bánh này.

Bên cạnh các cơ sở bảo đảm được quy định sản xuất an toàn cho các loại bánh thì vẫn còn một số cơ sở nhỏ, thủ công đã cố ý sử dụng các loại phẩm mầu, chất bảo quản độc hại, nguyên liệu không bảo đảm, trong khi nhân viên không được khám sức khỏe, các công đoạn sản xuất không bảo đảm vệ sinh. Nhiều cơ sở sản xuất các loại bánh hình các con vật, nhân vật hoạt hình nhiều mầu sắc từ các loại phẩm mầu ngoài danh mục cho phép của Bộ Y tế, gây độc hại cho người sử dụng. Cùng với đó, nguyên liệu làm nhân bánh trung thu thường có trứng, thịt, hoa quả, xúc xích, lạp xường... là những thứ dễ bị ô nhiễm và cũng là môi trường thuận lợi cho vi sinh vật sinh sôi phát triển.

Mặt khác, tình trạng sản xuất bánh trung thu giả về nhãn mác, chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, kiểu dáng công nghiệp vẫn ngang nhiên tồn tại. Với bánh dẻo, hạn dùng trung bình chỉ từ tám đến 10 ngày, với bánh nướng có thể tới 20 ngày đến 30 ngày, song nhãn sản phẩm của nhiều cơ sở, trong đó có cả những doanh nghiệp có tên tuổi cũng chưa bảo đảm quy định. Chưa kể bánh bị hư hỏng trong quá trình bày bán, lưu thông phân phối khi các loại giấy gói, bao bì chưa bảo đảm yêu cầu vệ sinh...

Để kiểm soát an toàn thực phẩm đối với bánh trung thu, Cục An toàn thực phẩm mới đây đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố xây dựng và triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu. Trong đó, tập trung kiểm tra nguồn gốc, xuất xứ của phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu, vệ sinh khu sản xuất. Ngoài ra, kiểm tra các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, nguyên liệu, bao bì bánh trung thu…

Đối với các trường hợp có vi phạm thuộc diện phải thông báo rộng rãi, Cục An toàn thực phẩm yêu cầu các đoàn thanh tra, kiểm tra, các địa phương phải kịp thời thông báo trên những phương tiện thông tin đại chúng theo đúng quy định, tuyệt đối không được che giấu thông tin hoặc thông báo sai quy định gây hoang mang, mất lòng tin của người tiêu dùng.

Việc công bố thông tin công khai sẽ giúp người tiêu dùng nắm bắt thông tin, tẩy chay sản phẩm của các cơ sở sản xuất không đáp ứng tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Sở Y tế các tỉnh, thành phố, cần tăng cường tuyên truyền, đào tạo để các cơ sở sản xuất bánh trung thu nhỏ, lẻ nâng cao hiểu biết và ý thức tự giác bảo đảm vệ sinh trong sản xuất, chế biến các loại bánh, nói không với các loại nguyên liệu, phụ gia, chất bảo quản, chất chống mốc, phẩm mầu độc hại.

Để tự bảo vệ mình, người tiêu dùng cũng cần trang bị kiến thức, biết cách chọn mua và sử dụng bánh trung thu an toàn cho sức khỏe, nên mua bánh trung thu ở các cơ sở có uy tín đã có sự giám sát, kiểm tra của cơ quan y tế; kiểm tra kỹ ngày sản xuất, thời hạn sử dụng của sản phẩm; tuyệt đối không mua, không sử dụng bánh trung thu không nhãn mác.

Đối với các loại bánh gia truyền cũng cần mua tại các địa chỉ uy tín, khi mua yêu cầu người bán cung cấp các loại giấy tờ chứng minh cơ sở sản xuất bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

An Yên (Tổng hợp)

chọn
'Đất huyện ven trúng đấu giá gấp nhiều lần khởi điểm là đúng thực tế'
Thứ trưởng Tài nguyên & Môi trường cho rằng các địa phương đã kiểm soát chặt công tác đấu giá nhưng thời điểm giao thoa giữa luật cũ và mới phần nào khiến giá trúng tăng cao.