Một bệnh nhân bị bỏng điện phải cắt tay đang được điều trị tại bệnh viện Chợ Rẫy |
Chiều 23/8, bác sĩ Ngô Đức Hiệp - Trưởng khoa phỏng - phẫu thuật tạo hình, Bệnh viện Chợ Rẫy, TP HCM cho biết tình trạng phỏng điện ngày càng gia tăng tại khu vực phía Nam và một nửa nạn nhân bị bỏng phải cắt bỏ chân, tay.
Theo bác sĩ Hiệp, hiện khoa của ông có khoảng 70 bệnh nhân và số trường hợp bị bỏng điện chiếm khoảng 10-15%. Trong số đó, có đến một nửa bệnh nhân phải cắt chi. Đa số nạn nhân trong độ tuổi lao động và là trụ cột chính trong gia đình.
Nếu không tháo, chi hoại tử, gắn với cơ thể, toàn bộ khu vực đó sẽ gây ra nhiễm trùng, thấm ngược vào máu gây nhiễm độc, gây nhiễm trùng máu, bệnh nhân dễ tử vong. Ngoài ra bỏng điện mà không tháo chi thì khả năng hồi phục kém, trong trường hợp giữu được chi, khả năng sinh hoạt, lao động cũng bị ảnh hưởng.
“Nhiều bệnh nhân cắt cụt chi có ý định tự tử, chúng tôi phải làm tâm lý trước khi thực hiện. Ngoài ra, nạn nhân có thể bị chấn thương cột sống thắt lưng, gãy xương, vỡ xương chậu…”, bác sĩ Hiệp nói.
Cũng theo bác sĩ Hiêp thì nguyên nhân dẫn đến bỏng điện chủ yếu là do làm việc gần đường điện, treo bảng quảng cáo, lắp ăng ten tivi, lái máy cẩu đi qua dòng điện, câu cá gần đường dây điện… Đặc biệt mùa mưa, độ ẩm không khí tăng cao nên khả năng dẫn điện giữa dây điện và người là rất lớn, điện trở khi trời mưa gần như bằng 0 nên phóng điện rất dễ dàng.
Đại diện bệnh viện Chợ Rẫy khuyến cáo khi bệnh nhân bị bỏng điện cần lập tức cách ly nguồn điện, di chuyển bệnh nhân tới khô ráo, hô hấp nhân tạo nếu bệnh nhân ngưng thở…sau đó đưa đến cơ sở y tế gần nhất.