Báo động về “karaoke... tặc” (kỳ 1)

Ô nhiễm tiếng ồn là hình thức phổ biến, gây ảnh hưởng lớn đến đời sống, sức khỏe người dân, hoạt động của cơ quan nhà nước. Tuy nhiên, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm, có giải pháp quyết liệt. Vì vậy, vẫn để xảy ra nhiều hậu quả, mà đặc biệt nghiêm trọng là vụ án mạng do hát karaoke gây ồn tại Hà Tĩnh mới đây.
bao dong ve karaoke tac ky 1
Một chiếc loa karaoke kẹo kéo được chủ nhân đưa đến ở quán nhậu đường Tố Hữu (TP.Huế) chuẩn bị cho màn “tra tấn” tiếng ồn. Ảnh: P.V

Đâm chết hàng xóm do bị karaoke gây ồn

Lâu nay, tình trạng các hộ gia đình tự sắm dàn loa, đầu đĩa để hát karaoke, gọi là karaoke gia đình gần như đã phổ biến, ngay cả ở nông thôn, miền núi. Do tâm lý “của nhà nên hát tẹt ga” nên nhiều khi đã quá khuya, hay giữa trưa vẫn vô tư hát với âm thanh rất lớn, ảnh hưởng đến sự nghỉ ngơi, giấc ngủ của hàng xóm. Dẫu vậy, họ cũng không ý thức được dù đã có một số lần được hàng xóm có lời nhắc nhở. Đến lúc quá bức xúc, mất kiểm soát thì án mạng đã xảy ra.

Cụ thể, tại xã Thái Yên, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) vừa xảy ra án mạng vì hàng xóm hát karaoke vào buổi trưa, âm thanh quá lớn. Theo đó, vào khoảng 11h45 ngày 28.2, ông Nguyễn Minh Phước cùng vài người bạn sau khi nhậu xong đã kéo nhau về nhà ông Thành ở cùng thôn Bình Tiến A để hát karaoke. Lúc này, ông Nguyễn Viết Lộc (SN 1959) nhà cạnh ông Thành, đang nghỉ trưa, thấy nhà ông Thành hát quá lớn, ông Lộc đi qua đề nghị giảm âm lượng. Thế nhưng, hàng xóm vẫn không thực hiện mà vô tư hát inh ỏi. Bức xúc, ông Lộc đã cầm dao sang đâm chết ông Phước, khi ông này vừa bước ra sân.

Vụ án mạng trên là hồi chuông cảnh báo tình trạng lạm dụng hát karaoke quá giờ, âm thanh quá lớn ảnh hưởng đến sinh hoạt của hàng xóm.

“Karaoke kẹo kéo” hoành hành

Hiện người dân đang khốn khổ, bất an với loại hình “sinh hoạt âm nhạc” mang tên “karaoke kẹo kéo”.

Đó là loại dàn loa di động, nhóm nhậu có thể kéo đi hát khắp đường làng, ngõ xóm. Chị Trần Thị Yến (trú thôn Bộc Nguyên, xã Cẩm Thạch, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) bức xúc cho biết, ở thôn chị đã có quy định đến 22h là dừng tụ tập, ngắt loa máy, dừng tiệc tùng ồn ào. Tín hiệu thông báo đã có kẻng của công an viên đánh lên mỗi đêm. Thế nhưng, có hôm đến gần 24h, một nhóm thanh niên sau khi uống rượu còn kéo loa đi cùng làng vừa hát vừa nhảy khiến cả làng mất ngủ, chó sủa vang. “Em đang nuôi con nhỏ, những lúc họ kéo loa đi hát như thế, con đang ngủ say bỗng tỉnh giấc, thấy bức xúc lắm” - chị Yến nói.

Nằm ở khu vực hồ Kiểm Huệ, phía đông thành phố, nơi được xem là trung tâm ăn nhậu của TP.Huế, quán nhậu của anh Trung Hải luôn luôn tấp nập khách khi xế chiều. Khách đến với quán nhờ vào sự nhiệt tình của nhân viên và ông chủ, cùng với đó là những món nhậu giá bình dân, hợp túi tiền. Tuy nhiên, điều mà anh Hải lo lắng là sự phát triển như vũ bão của loại hình karaoke kẹo kéo khiến người nhậu cảm giác bị làm phiền.

“Nếu người hát hay thì còn đỡ, chứ người nào mà hát giọng dở thì như bị cưỡng ép. Quán tôi thì luôn đông khách, nhất là vào cuối tuần và các dịp lễ. Thế nhưng, những cái loa kẹo kéo đó là điều mà tôi lo lắng, khách họ rất phiền lòng, nhiều lần họ nhờ tôi ra đuổi khéo những chiếc loa đó đi, nhưng đuổi người này thì người khác đến. Có khi trong quán hai chiếc loa đến cùng lần, đầu này mở nhạc trữ tình, đầu kia mở nhạc trẻ rồi cả hai hòa chung vào tạo ra thứ âm thanh rất khó chịu” - anh Hải cho hay.

Là người làm thợ xây dựng, cứ chiều đến anh Nguyễn Quang cùng với nhóm thợ hay nhậu lai rai để “giải mỏi”, thế nhưng sự phiền phức của những chiếc loa khiến anh không hài lòng. “Tôi và mấy anh em chiều nào cũng có đôi ba chai như để giải mỏi sau giờ làm việc nặng nhọc. Thế nhưng cứ vào quán nhậu là nghe những chiếc loa kẹo kéo đó phát nhạc là không chịu được. Không biết từ lúc nào mà loại hình đó nó phát triển nhanh quá. Ngồi quán nhậu cỡ 1 giờ đồng hồ là có 2-3 cái loa được kéo đến để hát. Người thì vừa hát vừa bán kẹo, người thì vừa mở nhạc vừa làm ảo thuật. Sự náo nhiệt quá mức làm mất đi không gian cho anh em, nhiều lúc muốn bàn việc gì cũng không được vì những tiếng hát” - anh Quang bực bội.

Trước than phiền của khách hàng về việc bị karaoke kẹo kéo làm phiền, nhà hàng Chân Cầu tại thị trấn Cửa Việt (huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị) đã có hình thức ngăn chặn bằng cách dán dòng chữ “Quán không nhận loa kẹo kéo và ca nhạc các loại”. Theo nhân viên ở nhà hàng này, nhiều khách hàng đến ăn uống, rồi gọi loa kẹo kéo về hát rình rang, ảnh hưởng đến những khách hàng khác và khu dân cư, nên chủ nhà hàng mới nghĩ ra cách để từ chối khéo.

Tại TP.Đông Hà (Quảng Trị), tình trạng karaoke kẹo kéo “tra tấn” các nhà hàng, quán nhậu, nhưng vì chiều khách hàng, nên ít nơi có động thái ngăn cản. Thông thường, các nhà hàng, quán nhậu dọc bờ sông, bờ hồ thường có người kéo theo loa kẹo kéo, vừa đi vừa bán hàng. Lúc đó, khách hàng chỉ cần bỏ ra ít tiền rồi cứ thế cầm mic hát, loa được kéo hẳn vào trong hàng quán với âm lượng lớn, khiến người bên cạnh rất khó chịu.

Anh Trương Văn Cường (trú tại TP.Đông Hà) kể rằng, cũng xuất phát từ việc nghe loa kẹo kéo ở quán nhậu dọc bờ sông Hiếu, mà anh và nhóm bạn không đến quán đó nữa. Có lần, cũng vì loa kẹo kéo hát to quá, mà anh xảy ra ẩu đả với khách hàng bàn bên cạnh.

bao dong ve karaoke tac ky 1 Ông Đinh La Thăng sợ 'không còn đủ thời gian để thực hiện hết bản án tuyên của tòa'

Sau phần bào chữa của các luật sư, ông Đinh La Thăng nói rằng: "Bị cáo không còn đủ thời gian để thực hiện hết ...

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.