Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, trước thời điểm bão số 6 đang đi vào đất liền, tỉnh này có hơn 2.400 bè, tương đương hơn 54.000 ô lồng, với gần 6.0000 lao động.
Khánh Hòa sẽ cưỡng chế nếu người dân không rời khỏi bè nuôi trong thủy sản khi bão đến. (Ảnh: Khải An)
Ngoài ra, số hộ dân tại các khu vực xung yếu, nguy hiểm dự kiến sơ tán là khoảng 33.700 dân, với gần 8.000 hộ. Bên cạnh đó trên địa bàn Khánh Hòa có 174 điểm ngầm, cầu, tràn nguy hiểm cần huy động lực lượng chốt chặn khi có tình huống mưa lũ xảy ra.
Ông Lê Tấn Bản, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, hiện nay các địa phương đang thực hiện các biện pháp sơ tán dân tại những khu vực xung yếu, nguy hiểm đến nơi an toàn. Đặc biệt, đối với các lồng bè nuôi trồng hải sản trên biển thì vận động người dân chằng chống kiên cố, lao động phải lên bờ trước khi cơn bão số 6 đi vào đất liền.
"Đến 15h ngày 10/11, nếu người dân không chịu vào bờ thì Ban chỉ huy PCTT&TKCN các huyện, thị xã, thành phố phải cưỡng chế, đưa những hộ nuôi trồng thủy sản lên bờ", ông Bản khẳng định.
Ông Lê Văn Sửu cho biết sẽ rời khỏi nhà đến nơi an toàn khi có mưa lớn. (Ảnh: Khải An)
Ông Lê Văn Sửu - người dân thôn Thành Phát vùng sạt lở tại xã Phước Đồng, TP Nha Trang chia sẻ, người dân đã biết sợ sau những trận mưa bão năm qua. "Giờ nghe bão là mọi người lo di dời chứ không dám ở lại khu này nữa. Chúng tôi chỉ chằng chống nhà để tránh gió lốc chứ sạt lở thì xác định mất trắng", ông Sửu nói.
Theo báo cáo từ Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Khánh Hòa, tính đến sáng 8/11, tỉnh Khánh Hòa có 588 tàu với gần 3.000 thuyền viên đang hoạt động đánh bắt tại các vùng biển.
Cụ thể, vùng biển tỉnh Khánh Hòa là 277 tàu với 937 thuyền viên; vùng biển Ninh Thuận – Bình Thuận 30 tàu với 242 thuyền viên; vùng biển Trường Sa 35 tàu với 250 thuyền viên; vùng biển Vũng Tàu đến Kiên Giang 246 tàu với 1.539 thuyền viên.
Hiện nay các tàu thuyền đã nắm được thông tin về cơn bão số 6 và có kế hoạch chủ động phòng tránh an toàn. Tuy nhiên hiện nay có tàu KH-98177-TS đang bị mất liên lạc khi hoạt động tại vùng biển Trường Sa và các cơ quan chức năng đang tìm cách liên lạc.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng đã phát đi Công điện khẩn yêu cầu các tàu đánh bắt thủy sản, tàu du lịch và các phương tiện đường thủy khác không được ra khơi kể từ 12h ngày 10/11; ngưng hoạt động cáp treo Vinperland kể từ 18h ngày 10/11. Đối với các ngư dân, các hộ đang nuôi trồng thủy sản trên các lồng, bè trên biển phải trở vào bờ (bắt buộc) trước 15h ngày 10/11 cho đến khi hết bão.
Khánh Hòa chỉ đạo các trường cho khoảng 280.000 học sinh nghỉ học hai ngày 10 và 11/11. (Ảnh: Khải An)
Sở Giáo dục và Đào tạo Khánh Hòa chỉ đạo các trường cho khoảng 280.000 học sinh, sinh viên nghỉ học hai ngày 10 và 11/11. Sau bão, các trường phải tổ chức dạy bù.
Nakri được dự báo là cơn bão mạnh nhất từ đầu năm trên Biển Đông. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, bão sẽ đổ bộ vào vùng biển Khánh Hòa - Quảng Ngãi vào đêm 10 rạng sáng 11/11 với sức gió cấp 9, 10. Năm cơn bão trước đó có sức gió cấp 9 trở xuống.
Ngày 8/11, tại cuộc họp trực tuyến triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 6, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đã yêu cầu kiên quyết sơ tán người dân ra khỏi những khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển, trong đó lưu ý đến việc cưỡng chế.
Phó Thủ tướng nhắc lại sự kiện cơn bão Damrey năm 2017 làm nhiều người bị thiệt mạng tại tỉnh Khánh Hòa, trong đó có nguyên nhân là thiếu kinh nghiệm, thiếu cương quyết sơ tán dân từ trên lồng bè nuôi trồng thủy hải vào bờ trước khi bão đổ bộ.