Bất chấp COVID-19 cùng nhiều thách thức, ngành nông nghiệp vẫn giữ mục tiêu xuất khẩu trên 41 tỉ USD

Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều mặt hàng nông sản của Việt Nam như cà phê, gạo, rau quả, quế... vẫn tăng trưởng tốt. Đây được xem là một trong những động lực giúp ngành nông nghiệp giữ vững mục tiêu xuất khẩu của năm nay.

Số liệu của Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho biết 5 tháng đầu năm 2020, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu nông, lâm, thủy sản đạt khoảng 27,7 tỉ USD. Trong đó, xuất khẩu đạt hơn 15,5 tỉ USD. Giá trị xuất siêu đạt gần 3,3 tỉ USD.

Trong bối cảnh dịch COVID-19 ảnh hưởng lớn đến thị trường, một số mặt hàng nông sản vẫn có giá trị xuất khẩu tăng. Điển hình như cà phê đạt 1,36 tỉ USD, tăng 2,2%; gạo đạt 1,4 tỉ USD, tăng gần 19%; rau đạt 310 triệu USD, tăng 17,5%; quế đạt 66 triệu USD, tăng 16,6%; mây, tre, cói thảm đạt 197 triệu USD, tăng 4,7%, lâm sản chính đạt 4,2 tỉ USD...

Cũng theo Bộ NN&PTNT chỉ tiêu cơ bản năm 2020 của ngành NN&PTNT là tốc độ tăng trưởng GDP từ 2,8 - 3%. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản khoảng 2,9 - 3,05%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 41 tỉ USD.

Năm nay, ngành NN&PTNT triển khai thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện hết sức khó khăn và nhiều thách thức, như dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng và tác động trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội nói chung, làm đứt gãy các chuỗi cung ứng - tiêu thụ nông sản toàn cầu và sản xuất, xuất khẩu nông sản của nước ta nói riêng.

Bên cạnh đó, chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng các biện pháp bảo hộ, hàng rào kĩ thuật… gây khó khăn cho sản xuất, xuất nhập khẩu nông sản

Đồng thời biến đổi khí hậu dẫn đến các hình thái thời tiết cực đoan, bất thường chưa từng có như hạn hán xảy ra ở cả 3 miền; xâm nhập mặn nghiêm trọng kéo dài từ cuối năm 2019 tại ĐBSCL, vượt lịch sử 2015-2016; dông, lốc, mưa đá ở trung du, miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng...

Tuy nhiên, ngành nông nghiệp vẫn quyết tâm giữ vững mục tiêu tăng trưởng, tạo động lực phát triển. Cụ thể, để thực hiện mục tiêu xuất khẩu nông sản, ngành hàng sẽ tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành, nâng cao năng suất, chất lượng hàng nông sản và hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Phát triển và mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch các sản phẩm chủ lực.

Tích cực đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, giữ ổn định các thị trường truyền thống, tìm kiếm và mở rộng các thị trường tiềm năng; hạn chế thấp nhất sự phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Triển khai tích cực, khai thác hiệu quả cơ hội của các Hiệp định tự do thương mại đem lại, tăng cường các hoạt động phát triển thị trường.

Cùng với đó, đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh trong nông nghiệp; trọng tâm là phát triển doanh nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị, kết nối hệ thống tiêu thụ toàn cầu. 

Đồng thời, chuẩn bị tốt các điều kiện để đẩy mạnh xuất khẩu khi các Hiệp định CPTPP và EVFTA có hiệu lực. Đàm phán tháo gỡ các rào cản thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu. Nắm bắt tình hình, dự báo diễn biến quốc tế, điều chỉnh chính sách của các nước lớn để có đối sách phù hợp trước tình hình mới.


chọn
Vinaconex: Bán một phần Cát Bà Amatina nếu giá tốt, lãi thêm 275 tỷ từ dự án 93 Láng Hạ
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, ban lãnh đạo Vinaconex đã cập nhật tiến độ, tình hình kinh doanh tại một số dự án bất động sản như Cát Bà Amatina, KCN Đông Anh và Green Diamond.