Báo cáo tổng kết năm 2023, Bộ Xây dựng nhận định, thị trường bất động sản nửa đầu năm tiếp tục tình trạng trầm lắng kéo dài của 2022. 6 tháng cuối năm, thị trường có những tín hiệu tích cực hơn, biểu hiệu rõ ràng nhất ở các phân khúc đất nền, chung cư có thanh khoản hơn.
Tuy nhiên, nếu tính đến hết quý III, có khoảng hơn 320.000 giao dịch thành công, ước đạt hơn 41% của năm 2022. Như vậy, lượng giao dịch sau ba quý vẫn chưa bằng nửa của năm ngoái. Chủ yếu giao dịch thành công trong phân khúc đất nền và chung cư, nhưng cũng chỉ bằng hơn 35% của năm 2022. Trong đó, lượng giao dịch chung cư, nhà ở riêng lẻ chỉ bằng hơn 63% so với năm 2022.
Tổng hợp từ các địa phương, tổ chức nghiên cứu thị trường, Bộ chủ quản về thị trường bất động sản ghi nhận chỉ có giá nhà ở thấp tầng giảm khoảng 10-20. Giá căn hộ chung cư liên tục tăng cao vì nguồn cung khan hiếm gây khó khăn cho người mua có nhu cầu ở thực.
Nguồn cung bất động sản hạn chế ở tất cả phân khúc, đặc biệt thiếu ở nhà xã hội, nhà thương mại. Cả năm, chỉ có 42 dự án nhà ở thương mại với khoảng gần 16.000 căn hộ hoàn thành, đạt hơn 46% của năm 2022; dự án du lịch nghỉ dưỡng, văn phòng kết hợp lưu trú có 17 dự án hoàn thành, bằng gần 57% năm 2022; chỉ có 5 dự án nhà ở xã hội hoàn thành với 850 căn hộ... Nguyên nhân chính là vướng mắc pháp lý chưa được giải quyết.
Số liệu thống kê từ 53/63 địa phương cho thấy, tồn kho bất động sản còn khoảng hơn 18.800 căn, chủ yếu là nhà ở riêng lẻ và đất nền tại các dự án.
Đến hết tháng 8, tổng giá trị phát hành trái phiếu của bất động sản khoảng hơn 46.700 tỷ đồng trong tổng số trên 132.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chiếm hơn 35%). Đến cuối tháng 12, thị trường có 455 mã trái phiếu niêm yết, doanh nghiệp chiếm 46% giá trị phát hành lên đến gần 57.000 tỷ đồng.
Nguồn vốn FDI đầu tư vào bất động sản trong 9 tháng đầu năm ước đạt 1,94 tỷ USD, chiếm hơn 9,6% tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tại Việt Nam, đứng thứ hai trong các nhóm ngành.