Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam vừa công bố thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản trên địa bàn trong năm 2024.
Trong quý IV/2024, tỉnh này có 2.081 giao dịch (gồm 2.066 lô đất nền và 15 căn nhà ở riêng lẻ, không ghi nhận giao dịch chung cư). Tổng giá trị giao dịch đạt hơn 4.235 tỷ đồng.
Trong số này, dự án của Tập đoàn CEO có 990 giao dịch đất nền (tổng giá trị giao dịch hơn 1.499 tỷ đồng), Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành có 374 giao dịch đất nền (gần 296 tỷ đồng), liên danh CTCP Đầu tư xây dựng dầu khí IDICO - CTCP có 62 giao dịch đất nền (hơn 410 tỷ đồng) và 15 giao dịch nhà ở riêng lẻ (gần 277 tỷ đồng),...
Trước đó vào quý III, địa phương ghi nhận tổng cộng 518 giao dịch bất động sản với tổng giá trị giao dịch hơn 915 tỷ đồng. Quý II có 4.314 giao dịch căn hộ chung cư, nhà ở riêng lẻ, đất nền chuyển nhượng, tổng giá trị gần 2.563 tỷ đồng. Quý I có 1.820 giao dịch, tổng giá trị gần 776 tỷ đồng.
Như vậy trong năm 2024, toàn tỉnh Hà Nam ghi nhận 8.733 giao dịch bất động sản với tổng giá trị giao dịch khoảng 8.489 tỷ đồng, tăng lần lượt khoảng 32% và 77% so với năm 2023.
Quý IV/2024, Hà Nam có 6 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư; 2 dự án được cấp phép; 149 dự án đang triển khai; 3 dự án đủ điều kiện bán nhà ở hình thành trong tương lai (trong đó có 127 căn nhà ở thương mại thấp tầng và 2 căn nhà ở xã hội).
Bên cạnh đó, tồn kho bất động sản có 733 sản phẩm. Gồm 731 lô đất nền và 2 căn nhà ở riêng lẻ.
Liên quan đến tình hình phát triển nhà ở xã hội (NOXH) trên địa bàn, đến quý IV/2024, UBND tỉnh Hà Nam đã chấp thuận chủ trương đầu tư 6 dự án.
Trong đó có 4 dự án về NOXH cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị. Thứ nhất là NOXH thuộc Khu đô thị Đồng Văn Xanh do liên danh CTCP Doanh nghiệp Hà Nam - Công ty TNHH Thi Sơn làm chủ đầu tư (đã cơ bản hoàn thành, quy mô 372 căn hộ). Thứ hai là Khu NOXH tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên do Tổng công ty Đầu tư phát triển Nhà và Đô thị (HUD) làm chủ đầu tư (đang triển khai thi công xây dựng, có 564 căn hộ).
Thứ ba là NOXH và nhà ở công nhân tại xã Lê Hồ, huyện Kim Bảng của liên danh Công ty TNHH Flanmingo Hải Tiến - CTCP Hồng Hạc Đại Lải (đã phê duyệt quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, diện tích đất hơn 12 ha, có khoảng 587 căn liền kề và 504 căn hộ chung cư). Thứ tư là Khu nhà ở công nhân và NOXH tại các xã Đồng Hoá, Nhật Tân, Đại Cương, huyện Kim Bảng.
2 dự án còn lại được chấp thuận chủ trương là NOXH cho công nhân, người lao động làm việc tại Khu công nghiệp. Gồm Khu dịch vụ nhà công nhân KCN Đồng Văn IV huyện Kim Bảng do Tổng công ty Viglacera - CTCP làm chủ đầu tư (đã cơ bản hoàn thành 4 khối nhà cao 7 tầng tại ô đất KTX4 và KTX3, quy mô 720 căn hộ) và Khu NOXH thuộc quy hoạch tổng mặt bằng Khu thiết chế công đoàn của CTCP Arita (đang triển khai thi công xây dựng, gồm 4 toà 14 tầng, quy mô 910 căn).
Ngoài ra còn một số dự án khác đang được UBND tỉnh giao Sở Xây dựng nghiên cứu lập báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư xây dựng. Gồm Khu NOXH Phố Cà, huyện Thanh Liêm; Khu NOXH tại phía Đông Khu công nghiệp Châu Giang II (vị trí 1); tuyến đường kết nối và giải phóng mặt bằng Khu NOXH tại phường Châu Giang, thị xã Duy Tiên; tuyến đường kết nối và giải phóng mặt bằng Khu NOXH Đồng Hoá, thị xã Kim Bảng; tuyến đường kết nối và giải phóng mặt bằng Khu NOXH Thái Hà, huyện Lý Nhân; tuyến đường kết nối và giải phóng mặt bằng Khu NOXH tại xã Tiên Sơn, thị xã Duy Tiên.
Về tình hình vay gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, chủ đầu tư dự án xây dựng Khu NOXH tại phường Đồng Văn, thị xã Duy Tiên đã ký kết hợp đồng tín dụng với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (ngoài địa bàn tỉnh Hà Nam) với hạn mức tín dụng 170 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng đến ngày 15/11/2024 là 79,7 tỷ đồng.
Về vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản trên địa bàn, Sở Xây dựng tỉnh Hà Nam cho biết đa số dự án gặp khó khăn liên quan đến công tác giải phóng được mặt bằng.
Lý do bởi người dân có đất trong phạm vi dự án không nhận tiền bồi thường, đòi hỏi mức giá bồi thường cao hơn quy định. Một số dự án gặp khó khăn trong công tác di chuyển mộ. Một số doanh nghiệp gặp khó khăn về nguồn vốn nên tiến độ thực hiện dự án bị chậm.
Mặt khác, Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 mới có hiệu lực thi hành làm kéo dài thời gian triển khai thực hiện các dự án và phát sinh thủ tục hành chính.
Đơn cử như thu hồi đất, thoả thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định của Luật đất đai trong việc thực hiện dự án. Hoặc việc xin ý kiến Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đối với các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh để thực hiện các dự án nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản (do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chưa ban hành thông báo các khu vực cần bảo đảm quốc phòng, an ninh).
Bên cạnh đó, sự chồng chéo và thiếu đồng bộ giữa các quy định pháp luật đang gây ra nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình chấp thuận và phê duyệt các dự án đầu tư.
Hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường bất động sản chưa được cập nhật theo các biểu mẫu tại Nghị định 94/2024/NĐ-CP Chính phủ, dẫn đến việc tổng hợp, cập nhật dữ liệu các dự án đang triển khai gặp nhiều khó khăn