Bầu Đức viết gì gửi cổ đông trước ngày Hoàng Anh Gia Lai đại hội cổ đông năm 2019?

Không phải là những chủ đề “kêu” như Ánh bình minh hay Vận hội mới của năm 2016, 2017, báo cáo thường niên năm 2018 của Hoàng Anh Gia Lai được gọi tên Phát triển nông nghiệp bền vững, sát sườn với phần việc mang lại doanh thu chính của tập đoàn bầu Đức hiện giờ.

Bầu Đức chỉ còn nói đến trái cây, không nhắc tới bất động sản, bò

Lần đầu tiên trong bức thư gửi cổ đông quen thuộc trước kì đại hội, ông Đoàn Nguyên Đức, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai không đề cập đến bất động sản, lĩnh vực chiếm tỉ trọng chính, mang lại doanh thu hàng nghìn tỉ đồng cho Hoàng Anh Gia Lai trước đây.

Bầu Đức viết gì gửi cổ đông trước ngày Hoàng Anh Gia Lai đại hội cổ đông năm 2019? - Ảnh 1.

Bầu Đức sẽ chia tay mảng bất động sản, tập trung vào cây ăn trái.

Cao su vẫn chưa thoát khỏi khó khăn là điều đầu tiên bầu Đức giải trình. "Kính thưa Quý cổ đông và nhà đầu tư, trong năm 2018, nền kinh tế thế giới vẫn còn nhiều khó khăn và biến động khó lường. Nhu cầu đối với phần lớn các nguyên liệu sản xuất, trong đó có mủ cao su, vẫn ở mức thấp, giá cả chưa thể phục hồi ổn định. Vì vậy, ngành cao su của Hoàng Anh Gia Lai vẫn còn đối mặt với vô vàn khó khăn. Áp lực thanh khoản vẫn là bài toán khó mà HAGL cần sớm tìm ra lời giải", bầu Đức mở đầu thông điệp gửi cổ đông.

Tuy nhiên, Chủ tịch HAGL nói thờ vào thành quả của ngành cây ăn trái đầu tư từ năm 2016, HAGL đã duy trì ổn định mức doanh thu, tạo ra một phần nguồn thanh khoản để trang trải chi phí hoạt động và đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái.Trong năm 2018, ngành cây ăn trái đã mang lại nguồn doanh thu 2.897 tỉ đồng, đóng góp 53,8% trong tổng doanh thu của HAGL. Đến cuối năm 2018, tổng diện tích cây ăn trái Hoàng Anh Gia Lai đã trồng là 18.675 ha, với các sản phẩm chủ lực là chuối, thanh long, xoài, mít, bưởi da xanh, và hơn 10 loại cây ăn trái khác.

Bầu Đức cho biết diện tích cây ăn trái này sẽ mang lại nguồn doanh thu chủ lực cho năm 2019, khẳng định chiến lược tái cơ cấu kinh doanh đang đi đúng hướng. Đây là tiền đề và động lực quan trọng, tạo đà cho chiến lược phát triển nông nghiệp bền vững của tập đoàn.

Bầu Đức viết gì gửi cổ đông trước ngày Hoàng Anh Gia Lai đại hội cổ đông năm 2019? - Ảnh 2.

Bầu Đức đang dồn toàn lực phát triển trái cây, tạo đà phát triển nông nghiệp bền vững, đưa Hoàng Anh Gia Lai trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025. (Ảnh: HAGL)

Năm 2019 được xác định là năm bản lề quan trọng để Hoang Anh Gia Lai đi vào giai đoạn 2020 - 2025, phát triển bền vững, từ đó làm đòn bẩy đưa Hoàng Anh Gia Lai trở thành tập đoàn nông nghiệp hàng đầu châu Á vào năm 2025.

"Với nguồn sức mạnh được cộng hưởng, nội lực hiện tại đang được củng cố, tôi tin rằng Hoang Anh Gia Lai sẽ sớm vượt qua khó khăn, để bước vào giai đoạn phát triển bền vững, vươn xa tầm châu lục", thông điệp của bầu Đức khẳng định.

Thông điệp của người sáng lập Hoàng Anh Gia Lai gửi cổ đông cũng nói việc kí kết thỏa thuận hợp tác chiến lược với Tập đoàn Trường Hải có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của Hoang Anh Gia Lai. Trường Hải đã hỗ trợ nguồn vốn cho mảng nông nghiệp của tập đoàn, đầu tư mở rộng diện tích cây ăn trái và thanh toán các khoản nợ đến hạn; giúp cải tiến công tác quản trị sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa vào nông nghiệp và sắp xếp lại công tác kho vận, giúp nâng cao năng suất lao động và hạ giá thành sản phẩm.

Hoàng Anh Gia Lai gần 10 năm loay hoay tìm chỗ đứng với nông nghiệp

Thông điệp gửi cổ đông trong báo cáo thường niên năm 2017 có tên Vận hội mới, bầu Đức nhấn Hoàng Anh Gia Lai đã xác định được các cơ hội kinh doanh phù hợp với lợi thế cạnh tranh của mình, đó là ngành nông nghiệp.

Khi đó, bầu Đức cũng nhấn mạnh với cổ đông những lợi thế của Hoàng Anh Gia Lai, như quỹ đất rộng lớn thuộc vùng khí hậu nhiệt đới với nguồn lao động dồi dào, là nền tảng vững chắc để Hoàng Anh Gia Lai tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với các sản phẩm cây ăn trái và cao su.

Bầu Đức viết gì gửi cổ đông trước ngày Hoàng Anh Gia Lai đại hội cổ đông năm 2019? - Ảnh 3.

Dự án bất động sản cuối cùng của Hoàng Anh tại Myanmar. (Ảnh: HAGL)

Việc sản xuất và cung ứng sản phẩm trái cây nhiệt đới sạch cho thế giới là phương châm mà tập đoàn sẽ theo đuổi trong tương lai dài và bền vững.

Ông Đức khẳng định từ năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai đã chuyển đổi chiến lược kinh doanh, khẳng định lĩnh vực kinh doanh cốt lõi là ngành trồng trọt mà trọng tâm là sản xuất trái cây, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu với quy mô thị trường tiêu thụ lớn và tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ, hiệu quả kinh tế trên diện tích khai thác cao.

Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai duy trì vườn cao su cho tương lai dài hạn và ngành chăn nuôi bò thịt để hỗ trợ nguồn phân bón cho trồng trọt.

Thời điểm này, bầu Đức thông tin các dự án thuộc ngành thủy điện, khoáng sản và bất động sản tại Myanmar đã và đang xúc tiến chuyển nhượng cổ phần cho đối tác chiến lược, nhằm giải quyết nhu cầu thanh khoản và tập trung nguồn lực triển khai các hoạt động kinh doanh cốt lõi.

Trong năm nay, bầu Đức nói với cổ đông điều đặc biệt đáng khích lệ là dự án Myanmar giai đoạn 1 có lãi trên 4,7 triệu USD, đã có khả năng tự chủ về tài chính. Bước sang năm 2018, năm thứ 3 trong tiến trình thực hiện đề án tái cấu trúc giai đoạn 2016 - 2026, tập đoàn vẫn kiên trì triển khai chiến lược đã đặt ra.

Bầu Đức viết gì gửi cổ đông trước ngày Hoàng Anh Gia Lai đại hội cổ đông năm 2019? - Ảnh 4.

Bầu Đức từng rất kì vọng vào chăn nuôi bò khi tổng đàn bò doanh nghiệp này tuyên bố nuôi lên đến 250.000 con. (Ảnh: HAGL)

Các mục tiêu chiến lược trọng yếu năm 2018 mà bầu Đức chia sẻ với cổ đông ngoài việc xác định quan trọng nhất là nâng diện tích cây ăn trái để nâng doanh số đảm bảo hoạt động trái cây có lãi, thu hoạch vườn cây cao su, kiểm soát năng suất và chất lượng sản phẩm trái cây… còn có việc triển khai giai đoạn 2 dự án Myanmar như cam kết và hoàn thành tái cơ cấu toàn bộ dự án, để chào bán dự án hiệu quả nhất.

Cũng vậy, báo cáo thường niên 2016 với tên Ánh Bình Minh, bầu Đức đưa ra thông điệp với cổ đông định hướng năm 2017 vẫn sẽ tập trung vào các ngành nghề cốt lõi như chăn nuôi bò, thu hoạch cao su và cọ dầu, tận dụng những lợi thế về đất đai và hạ tầng cho nông nghiệp để trồng cây ăn trái.

Với bất động sản là tiếp tục duy trì tốt hoạt động cho thuê trung tâm thương mại Myanmar giai đoạn 1 đã lấp đầy diện tích cho thuê; nâng diện tích cho thuê văn phòng lên 80% và công suất cho thuê phòng khách sạn lên 70%; xây dựng giai đoạn 2 linh hoạt, phù hợp với nguồn tiền thu từ giai đoạn 1 và khả năng huy động vốn cho giai đoạn 2.

Tuy nhiên, chỉ 2 năm sau, báo cáo thường niên năm 2018 bầu Đức thể hiện ý định thoái vốn khỏi dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar, dự án bất động sản lớn cuối cùng bấu Đức từng rất kì vọng.

Giai đoạn 2008-2012, lĩnh vực bất động sản và xây dựng đóng góp khoảng 3.000 tỉ doanh thu mỗi năm cho Hoàng Anh Gia Lai, với danh mục trên 20 dự án, chủ yếu tại khu vực TP HCM. 

Ở thời điểm từ sau 2010 đến nay, khi bước chân vào nông nghiệp, tập đoàn của bầu Đức liên tục tìm kiếm, thay thế sản phẩm từ cao su, mía, cọ dầu, bò thịt và nay là cây ăn trái.

Theo báo cáo tài chính năm 2018, doanh thu bất động sản của chỉ còn 58 tỉ đồng, chiếm 1,1% tổng doanh thu, phần lớn mảng kinh doanh này chỉ còn xuất hiện ở phần dịch vụ cho thuê, chủ yếu từ khu phức hợp Hoàng Anh - Myanmar.

"Không có bò thì chúng tôi cũng... bò luôn"

Tháng 6/2014, Hoàng Anh Gia Lai nhảy vào lĩnh vực chăn nuôi, xây dựng chiến lược nuôi bò ở cả 3 nước Việt Nam, Lào và Campuchia.

Khi đó, bầu Ðức cho biết đàn bò chủ yếu nhập từ Australia. Năm 2015, Hoàng Anh Gia Lai đã nhập về trên 120.000 con bò, trong đó tới 110.000 bò thịt, còn lại là bò sữa. Đến năm 2016, Hoàng Anh Gia Lai nâng tổng số đàn bò lên khoảng 250.000 con.

Trong kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2015 với doanh thu đạt 5.347 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.680 tỉ đồng, có điểm đáng chú ý là trong quý III, doanh thu từ bán bò chiếm 63%, vượt qua mía đường, trở thành lĩnh vực đóng góp chính cho doanh nghiệp.

Đến 2016, HAGL rơi vào khủng hoảng tài chính nghiêm trọng, doanh thu từ đàn bò vẫn giúp bầu Đức thoát khỏi khủng hoảng. Trong năm này, doanh thu từ đàn bò đạt hơn 6.000 tỷ đồng

Vai trò của đàn bò lớn đến mức khiến bầu Đức bày tỏ thẳng thắn: "Năm nay (2016), không có bò thì chúng tôi cũng… bò luôn".

Tuy nhiên, tại đại hội cổ đông năm 2018, thông điệp bầu Đức đưa ra với cổ đông khẳng định dồn toàn lực cho lĩnh vực trái cây. Chủ tịch Đoàn Nguyên Đức tuyên bố cắt giảm quy mô đàn bò gần 250.000 con xuống còn 13.000 con và đến năm 2019 không còn được nhắc đến.


chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến quy hoạch cầu vượt sông Uông nối TP Uông Bí - TX Quảng Yên, Quảng Ninh
Một cầu vượt sông Uông dự kiến được xây dựng kết nối TP Uông Bí với - TX Quảng Yên, Quảng Ninh trên tuyến đường từ QL18 đi đường 338.