Bé 13 tuổi lái xe khách gây tai nạn liên hoàn, ai bồi thường?

Trong trường hợp xe khách là phương tiện giao thông cơ giới, thì trường hợp này thiệt hại được pháp luật xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Mới đây tôi có đọc trên Việt Nam Mới đưa tin vào khoảng 13h30 ngày 20/10, tại khu vực thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang 1 bé trai 13 tuổi có biểu hiện bị tâm thần đang đi bộ bên đường thì thấy 1 chiếc xe khách 29 chỗ không có người, ngay sau đó em đã tự ý mở cửa và lẻn vào khoang lái chiếc xe khách chơi. Do tài xế vẫn cắm chiếc chìa khóa điện ở ổ khóa điện nên em nhỏ này đã nổ máy và lái chiếc xe lao thẳng sang phần đường ngược chiều.

Hậu quả chiếc xe đâm thẳng vào xe ô tô 4 chỗ khiến chiếc xe bị hư hỏng nặng. Chưa dừng lại ở đó, chiếc “xe điên” đã đâm vào 1 em gái đang đi xe đạp bên đường khiến nạn nhân bị thương nhẹ, chỉ khi lao vào ngôi nhà nằm đối diện chiếc ô tô khách mới dừng lại.

Từ vụ việc tôi có một thắc mắc, trách nhiệm bồi thường cho ô tô 4 chỗ và em bé bị thương trong vụ việc thuộc về ai?

Độc giả: Nguyễn Thị Nhung

Chiếc xe khách sau khi gây ra tai nạn liên hoàn - Ảnh: Chí Hiếu

Cám ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến VietNamMoi. Vấn đề này xin được đưa ra ý kiến như sau:

Về nguyên tắc thì người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

Tuy nhiên, vụ việc bạn trình bày có liên quan đến phương tiện giao thông. Do đó, cần xác định phương tiện giao thông trong vụ việc có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không vì pháp luật có các quy định riêng về trường hợp thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Cụ thể, có các quy định tại Điều 623 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra và mục III của Nghị quyết số 03/2006/NQ-HĐTP ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Để xác định phương tiện giao thông vận tải nào là nguồn nguy hiểm cao độ cần dựa vào các quy định của pháp luật về giao thông. Trong trường hợp này, cần dựa vào khoản 18, Điều 3 Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để xác định xe trong vụ việc này có phải là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ hay không.

Theo quy định tại Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự.

Trong trường hợp xe khách là phương tiện giao thông cơ giới, thì trường hợp này thiệt hại được pháp luật xác định là do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra.

Theo quy định, bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau: Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì những người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ các trường hợp sau đây:

- Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại.

- Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trong trường hợp nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì người đang chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ trái pháp luật phải bồi thường thiệt hại.

Khi chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ cũng có lỗi trong việc để nguồn nguy hiểm cao độ bị chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật thì phải liên đới bồi thường thiệt hại.

Còn trong trường hợp này, người lái xe đỗ xe ngoài đường và đã không tuân thủ hoặc tuân thủ không đầy đủ các quy định về bảo quản, trông giữ, vận chuyển, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ theo quy định của pháp luật thì phải liên đới cùng với người chiếm hữu, sử dụng trái pháp luật bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra. Trong trường hợp này bé 13 tuổi và bị bệnh tâm thần do đó bố, mẹ bé là người có trách nhiệm bồi thường.

Độc giả có vướng mắc về pháp lý xin gửi yêu cầu hoặc đề nghị tư vấn qua Email: thuandx@vietnammoi.vn

Ngoài ra độc giả tham khảo kiến thức luật tại: vietnammoi.vn

Lưu ý: Những tư vấn theo đề nghị của người gửi câu hỏi qua Email, nội dung trả lời có giá trị tham khảo, phổ biến kiến thức, không dùng làm tài liệu tố tụng.

Luật gia Đồng Xuân Thuận

chọn
Hình ảnh cầu vượt sông Đào ở TP Nam Định đã hoàn thành hơn 56%
Dự án xây dựng cầu qua sông Đào nối từ đường Song Hào đến đường Vũ Hữu Lợi do UBND thành phố Nam Định làm chủ đầu tư khởi công ngày 15/10/2022.