Câu chuyện về cậu bé Trung Quốc vừa sinh ra đã mọc răng khiến các bác sỹ "giật mình" đang xôn xao dư luận.
Ảnh minh họa. |
Theo Trí thức trẻ, sau 4 năm mong ngóng, tin chị Chu (Trung Quốc) đậu thai đã khiến cả hai bên nội ngoại vô cùng phấn khởi, đặc biệt là mẹ chồng chị.
Thế nhưng, niềm vui kéo dài chưa được một tháng, cả gia đình chị Chu lại rơi vào trạng thái lo lắng bởi chị Chu cứ ăn thứ gì là lại nôn ra thứ đó, thậm chí nhiều khi chỉ ngửi mùi chị đã vội vã chạy vào nhà vệ sinh. Hiện tượng này xảy ra liên tiếp vài tối khiến chị Chu vô cùng mệt mỏi, hai bắp chân co quắp, đau đớn.
Lo lắng, mẹ chồng chị liền đưa con dâu đến bệnh viện kiểm tra nhưng kết quả đều bình thường. Bác sĩ cho biết, hiện tượng co cơ có thể là do thai phụ thiếu can xi, và đã kê cho chị Chu một lọ thuốc canxi. Tuy nhiên mẹ chồng chị Chu cho rằng lọ canxi kia không thể bổ sung đầy đủ dinh dưỡng cho cháu bà nên đã tự mua vài lọ canxi "xịn" và ngày nào cũng cần mẫn chế biến cho con dâu những món giàu canxi.
Đến ngày chị Chu đi sinh, ngôi thai không thuận, lại bị vỡ ối sớm nên người nhà phải quyết định chọn phương pháp sinh mổ.
Em bé được đưa ra từ bụng mẹ, vừa cất tiếng khóc chào đời đã khiến các bác sĩ thực hiện ca mổ đẻ "giật bắn mình" vì trong miệng bé, răng đã mọc.
Sau khi kết thúc ca phẫu thuật, y tá đưa chị Chu và con về phòng chăm sóc tự nguyện. Đồng thời, bác sĩ điều trị chính cũng liên hệ với bác sĩ chuyên khoa răng hàm mặt đến hội chẩn.
Bác sĩ kết luận phải nhổ chiếc răng này ngay lập tức vì răng mọc không chắc, phải đề phòng nó rụng và rơi vào thực quản. Cùng ngày hôm đó, bệnh nhi đặc biệt này đã được bác sĩ đưa đi nhổ răng.
Đây không phải là lần đầu tiên có trường hợp này. Trước đó, tờ Daily Mail đăng tải về trường hợp con gái chị Chloe Pullen (25 tuổi, ở Anh), vừa chào đời đã khiến các bác sĩ ngỡ ngàng vì đã mọc răng, Đời sống & Pháp luật đưa tin.
Những chiếc răng của bé cũng giống như của đứa trẻ bình thường, chỉ có điều nhỏ hơn một chút. Ba ngày sau khi chào đời, những chiếc răng mọc dưới hàm dưới của bé Rose đã được nhổ phòng khi chúng có thể gây tổn thương cho bé.
Ba ngày sau khi chào đời, những chiếc răng của bé Rose đã được nhổ. (Ảnh: Dailymail) |
Vào năm 2015, một em bé ở bang Missouri, Mỹ có tên Alyssa cũng khiến gia đình và bác sĩ bất ngờ khi vừa chào đời đã có tới 2 chiếc răng hoàn thiện ở hàm dưới. Em bé sau đó cũng đã được đưa đi nhổ răng.
Hiện tượng răng ngựa là gì?
Theo Khám phá, thông thường, trẻ mới sinh ra chưa có răng. Chiếc răng đầu tiên thường mọc vào lúc trẻ khoảng 6 tháng tuổi. Tuy nhiên, có một số ít trường hợp trẻ mới sinh ra đã có răng, răng này được gọi là răng ngựa hoặc có trường hợp răng mọc qua nướu trong tháng đầu tiên sau khi sinh.
Răng ngựa là hiện tượng hiếm gặp, xác suất chỉ vào khoảng 1/3.000 - 1/2.000 nên khiến cha mẹ có trẻ sơ sinh mọc răng bất thường này khá lo lắng. Răng ngựa thường là răng cửa hàm dưới. Chân răng thường nông, gắn với lợi bằng một mô mềm nên rất dễ lung lay.
Răng ngựa không giống răng thường nhưng cũng đủ chắc để khiến bé khó chịu hoặc khiến lưỡi bé bị tổn thương khi bú. Bà mẹ có con mọc răng mới sinh cũng cảm thấy khó chịu mỗi lần cho con bú.Thông thường, răng mới sinh sẽ được nhổ trước khi bác sĩ cho em bé về nhà, nhất là trong trường hợp răng lung lay hoặc bé có nguy cơ đẩy răng đó vào trong.
Nếu răng ngựa chưa được nhổ trước khi mẹ và bé được xuất viện sau sinh, gia đình nên chăm sóc răng miệng cho bé bằng cách dùng khăn ẩm sạch lau nhẹ lợi và răng của bé. Thường xuyên kiểm tra lợi và lưỡi của bé xem có bị răng làm tổn thương không. Ngoài ra, bạn cũng nên tư vấn bác sĩ nếu răng mới sinh khiến lưỡi bé bị đau hoặc mẹ thấy xuất hiện thêm bất kỳ triệu chứng nào khác.
Răng ngựa thường được phát hiện khi bác sĩ làm xét nghiệm sơ sinh. Lúc này, bé sẽ được chụp X-quang nha khoa. Nếu có bất kỳ dấu hiệu bệnh nào liên quan đến răng mới sinh, các bác sĩ sẽ tiến hành thêm các xét nghiệm và kiểm tra chuyên sâu.
Cẩn trọng khi dùng canxi trong thời kỳ mang thai
Cũng theo Trí thức trẻ, các bác sĩ khoa sản khuyến cáo, thời kỳ mang thai, nếu muốn bổ sung canxi, thai phụ nên bổ sung qua đường thực phẩm, ăn uống thức ăn giàu canxi như các chế phẩm từ sữa, đậu, vỏ tôm, hải sâm, rau bắp cải tím, canh cá, sườn...
Nếu cần phải dùng thuốc bổ sung canxi, nhất định cần phải được bác sĩ kê đơn, hướng dẫn, tuyệt đối không được tự ý uống thuốc bởi dùng canxi quá liều sẽ gây hại cho quá trình phát dục của trẻ.
Huyền Anh (tổng hợp)