Face ID trên iPhone X được Apple quảng bá là tính năng bảo mật tiên tiến, giúp thiết bị di động cá nhân an toàn hơn nhiều so với công nghệ phổ biến hiện nay là Touch ID (quét vân tay).
Tuy nhiên, từ khi máy chính thức bán ra, đã có không ít trường hợp mở được máy dù không phải chính chủ thiết bị (người nhập nhận dạng khuôn mặt vào bộ nhớ máy). Đa phần các trường hợp do nhầm lẫn giữa các cặp song sinh, hoặc anh chị em sinh ba..., những người có khuôn mặt giống nhau.
Có trường hợp ghi nhận một vụ nhầm lẫn giữa hai anh em cách nhau tới 5 tuổi vẫn mở được iPhone X bằng Face ID, nhưng mới đây, một sự nhầm lẫn khác nghiêm trọng hơn khi công nghệ này mở khóa điện thoại cho hai mẹ con, trong đó cậu con trai mới 10 tuổi.
Cụ thể, chủ chiếc điện thoại là người mẹ và cô sử dụng khuôn mặt mình để nhận dạng Face ID. Tuy nhiên khi cậu con trai cầm điện thoại, máy vẫn chấp nhận khuôn mặt cậu bé và mở khóa.
Sau khi người mẹ ghi lại khuôn mặt ở các điều kiện ánh sáng khác nhau, chú bé không thể mở máy của mẹ được nữa. Tuy nhiên trong một lần thử ghi lại hình ảnh trong điều kiện ánh sáng kém, cậu con trai lại mở được máy của mẹ sau khi quét mặt mình.
Dù Apple khẳng định Face ID là phương pháp bảo mật an toàn và tiên tiến, công nghệ này đang cho thấy những vấn đề trong việc bảo vệ thông tin.
Mới đây, tại Việt Nam, công ty bảo mật Bkav đã đánh lừa thành công Face ID để mở khóa iPhone X bằng một chiếc mặt nạ in 3D, dù trước đó Táo Khuyết khẳng định không thể sử dụng mặt nạ để mở máy.