Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu các ca bệnh nặng

Ngoài việc bảo đảm không để dịch lây lan, Bệnh viện Bạch Mai có nhiệm vụ không kém phần quan trọng là tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng không thể chuyển sang bệnh viện khác.

Ngày 30/3, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia về phòng, chống dịch Covid-19. Vấn đề ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai được đặc biệt quan tâm, bàn bạc tại cuộc họp này.

Lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia nhận định kết quả bước đầu cho thấy, dịch Covid-19 ở Bệnh viện Bạch Mai lây chủ yếu từ người lao động của Công ty Trường Sinh (cung cấp thực phẩm, dịch vụ hậu cần cho bệnh viện) chứ không phải lây lan từ nhân viên y tế.

Hiện tất cả bệnh nhân ở Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang được điều trị bình thường, nhưng nếu bệnh viện bị phong toả dài ngày sẽ dẫn đến nhiều bệnh nhân nặng từ tuyến dưới chuyển lên mất cơ hội được cứu sống.

Cần điều chỉnh khái niệm cách li toàn bộ Bệnh viện Bạch Mai

Theo ước tính, mỗi ngày vẫn còn hàng chục bệnh nhân nặng (cấp cứu, hồi sức tích cực, chống độc, ECMO…) cần chuyển đến Bệnh viện Bạch Mai, nếu không tiếp nhận, cấp cứu, điều trị thì có khoảng 80% bệnh nhân trong số này sẽ tử vong.

Vì thế, lãnh đạo Bộ Y tế và các chuyên gia cho rằng Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu, điều trị các bệnh nhân nặng, nguy kịch tính mạng. Ngoài việc bảo đảm an toàn tuyệt đối, không để dịch bệnh lây lan từ Bệnh viện Bạch Mai thì nhiệm vụ không kém phần quan trọng là yêu cầu bệnh viện phải tiếp tục tiếp nhận các bệnh nhân nặng không thể chuyển sang các bệnh viện tuyến Trung ương khác hay bệnh viện ở Hà Nội để cứu chữa.

Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu các ca bệnh nặng - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 sáng 30/3 (Ảnh: VGP).

Vì vậy, khái niệm cách li toàn bộ “nội bất xuất, ngoại bất nhập” đang áp dụng đối với Bệnh viện Bạch Mai cần phải điều chỉnh lại cho phù hợp.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết với một số bệnh nhân không nguy kịch đến tính mạng có thể chuyển sang một số cơ sở y tế tuyến Trung ương như Bệnh viện Việt Đức hay của Hà Nội như Bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh Pôn và một số bệnh viện quân đội...

Những ca bệnh nặng, nguy kịch sẽ được Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận theo quy trình cụ thể. Trước hết, các trường hợp này sẽ được hội chẩn trực tuyến, trao đổi, thống nhất giữa Bệnh viện Bạch Mai và bệnh viện địa phương.

Việc vận chuyển bệnh nhân phải bảo đảm tuyệt đối an toàn về dịch tễ. Bệnh nhân được coi như một trường hợp nghi nhiễm SARS-CoV-2 và được chuyển thẳng đến các khu tiếp nhận, điều trị riêng lấy mẫu, xét nghiệm ngay sau đó. Quá trình điều trị được thực hiện ngay lập tức, nhân viên y tế phải sử dụng đồ bảo hộ và tuân thủ các quy định chống nhiễm khuẩn, lây nhiễm chéo như đối với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2.

Đối với các y bác sĩ làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai, các chuyên gia cho rằng, không thể cách li bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai làm liên tục 14 ngày như các cơ sở điều trị khác. Do đó, cần khẩn trương, làm thủ tục, bố trí khu cách li riêng coi như một phần của Bệnh viện Bạch Mai, chuẩn bị phương tiện đưa đón riêng, bảo đảm an toàn dịch tễ cho lực lượng y bác sĩ luân phiên làm công tác điều trị.

"Tất cả các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai đã được xét nghiệm lần đầu âm tính với SARS-CoV-2 và đang chuẩn bị xét nghiệm lần 2. Đây không phải là nguồn lây. Chúng tôi đề xuất tất cả các cán bộ y tế theo yêu cầu, đề xuất của Bệnh viện Bạch Mai sẽ vào bệnh viện tham gia công tác điều trị người bệnh”, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói.

Tuy nhiên, việc hầu hết cán bộ y tế của Bệnh viện Bạch Mai tập trung hết trong 14 ngày thì các yêu cầu về cách li không được đảm bảo, vì vậy, ông Sơn đề nghị cần chuẩn bị một số cơ sở lưu trú, khách sạn cho các y bác sĩ của Bệnh viện Bạch Mai nghỉ ngơi, bảo đảm sức khoẻ, luân phiên thực hiện nhiệm vụ trong bệnh viện.

Chủ động sản xuất thiết bị bảo hộ, nghiên cứu sản xuất máy thở

Tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam và các đại biểu cũng bàn bạc về việc chủ động bảo đảm trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng chống dịch.

Về sản xuất khẩu trang y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết hiện các doanh nghiệp trong nước có thể sản xuất được 5 triệu khẩu trang y tế/ngày; chủ động được nguồn nguyên liệu.

Bệnh viện Bạch Mai không thể không tiếp nhận cấp cứu các ca bệnh nặng - Ảnh 2.

Các bệnh nhân được công bố khỏi bệnh tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 (Ảnh: Việt Hùng).

Lãnh đạo Bộ Y tế đề nghị các doanh nghiệp tiến hành sản xuất khẩu trang với công suất tối đa. Doanh nghiệp nào có năng lực thì tiến hành mở rộng dây chuyền.

Về trang phục bảo hộ y tế, Thứ trưởng Trương Quốc Cường cho biết Việt Nam đang sản xuất bộ quần áo bảo hộ với chất lượng tương đương nhập khẩu.

Bên cạnh đó, các cơ quan khoa học, y tế cũng đang phối hợp với chuyên gia nước ngoài và một số doanh nghiệp lớn tập trung nghiên cứu, sản xuất máy thở để phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19.

Thông tin mới nhất từ Bộ Y tế cho biết trong hôm nay, có 30 bệnh nhân mắc Covid-19 đã được điều trị khỏi, chuyển theo dõi sức khoẻ tại cơ sở khác. Các nhân viên y tế mắc Covid-19 tình hình sức khoẻ ổn định.

Như vậy, cùng với 25 bệnh nhân đã khỏi bệnh từ trước, Việt Nam sẽ có 55 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện.

Tính đến 6h sáng 30/3, cả nước đã ghi nhận 194 ca mắc bệnh Covid-19, 25 ca đã khỏi bệnh và ra viện. 169 ca bệnh còn lại đang được điều trị tại 22 cơ sở y tế trên cả nước, trong đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương cơ sở 2 đang tiếp nhận và điều trị nhiều bệnh nhân nhất với 80 trường hợp (66 người Việt và 14 người nước ngoài).

Với 3 ca bệnh nhân nặng, sức khoẻ cũng đang tiến triển tốt.

chọn
'Quy hoạch NOXH ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi là không khả thi'
Theo đại diện Ban Quản lý các Khu chế xuất và công nghiệp TP HCM, so với các dự án nhà ở thông thường, việc xây dựng NOXH phức tạp hơn. Chẳng hạn như việc chọn địa điểm xây dựng, nếu NOXH được quy hoạch ở những khu vực quá xa trung tâm như Củ Chi thì sẽ không khả thi do di chuyển hàng ngày bất tiện.