Bị cáo Trịnh Văn Quyết ước tính tài sản cá nhân tới 5.000 tỷ đồng

Trả lời phương án bồi thường cho thiệt hại 4.300 tỷ đồng, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết cho rằng tài sản cá nhân bị kê biên khoảng 4.800-5.000 tỷ đồng, mong được tòa tạo điều kiện khắc phục.

Chiều 23/7 tại TAND Hà Nội, khi trả lời câu hỏi của luật sư Vũ Đặng Hải Yến, một trong bốn người bào chữa cho mình, cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết chia sẻ tâm huyết dành cho Công ty Faros và phương án bồi thường 4.300 tỷ đồng được xác định là thiệt hại của vụ án.

Ông Quyết khai có tham vọng phát triển Faros thành công ty lớn mạnh trong lĩnh vực xây dựng, đủ sức thực hiện các dự án nội bộ tập đoàn FLC và bên ngoài. Thực tế, đến thời điểm ông bị bắt, tháng 3/2022, Faros đã dần thành hình so với kỳ vọng khi tham gia dự án nghỉ dưỡng, công trình của FLC ở Hà Nội, Bình Định, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc...

Điểm lại quá trình tăng giá của cổ phiếu ROS trên sàn HoSE, có thời điểm tới hơn 200.000 đồng/cổ phiếu, luật sư Yến hỏi tại sao không bán khi cổ phiếu ở đỉnh giá, lại để khi ROS ở mức 2.000 đồng mới thực hiện.

Cựu chủ tịch Quyết đáp Faros là tâm huyết, chỉ muốn có thêm cổ phần, chưa bao giờ muốn bán. Do năm 2020 dịch Covid khiến tài chính khó khăn, ông "bán với tâm thế nhất định sẽ mua lại" nhưng chưa kịp thực hiện thì bị bắt.

Trả lời HĐXX, đại diện Faros khẳng định, trước và sau giai đoạn ông Quyết bị bắt, công ty vẫn hoạt động bình thường, hiện vẫn là tổng thầu các công trình cho FLC, sẵn sàng cho cuộc họp cổ đông. Song mã ROS của công ty đã bị đình chỉ niêm yết trên sàn chứng khoán từ tháng 8/2022 do vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin.

Ông Quyết khai dù bán cổ phiếu ROS với giá 2.000 đồng nhưng tin tưởng công ty đang rất tốt, "cả hệ thống vận hành tốt, làm chủ các dự án quy mô lớn" nên thực tế giá trị mỗi cổ phiếu nhiều hơn số tiền trên.

Minh chứng cho sự tin tưởng này, ông Quyết cho hay đã dùng toàn bộ tài sản cá nhân, tài sản chung vợ chồng, làm tài sản đảm bảo cho các khoản vay của công ty này để đảm bảo công ty được vận hành tốt.

"Tài sản của bị cáo vẫn đang được thế chấp cho các khoản vay của Faros, chưa tất toán. Faros là tâm huyết, cũng là trách nhiệm", cựu chủ tịch FLC nói và khai ngoài các tài sản này không còn gì khác.

"Toàn bộ tài sản tích lũy sau hơn 20 năm lập nghiệp đều đang bị cơ quan tố tụng ra lệnh phong tỏa", bị cáo trình bày.

Cựu chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết tại phiên tòa ngày 23/7. Ảnh: Danh Lam

Trong vụ án, với cả hai tội danh Lừa đảo chiếm đoạt tài sản Thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết bị quy buộc trách nhiệm với khoản tiền lên tới 4.300 tỷ đồng.

Cựu chủ tịch FLC cho hay nếu sau phiên tòa bị tuyên buộc bồi thường toàn bộ 4.300 tỷ đồng thì xin được tạo điều kiện xử lý toàn bộ số tài sản này để có tiền nộp lại. Ông ước tính số tài sản bị kê biên phong tỏa lên tới 4.800-5.000 tỷ đồng, đủ để thực hiện nghĩa vụ dân sự trong vụ án.

Về gần 200 tỷ đồng nộp trong giai đoạn bị truy tố, ông nói là số tiền được đối tác tạm trả khi bán đi một tâm huyết khác của mình là hãng hàng không Bamboo Airways.

Ông hy vọng thời gian tới, nếu người mua Bamboo Airways trả nốt 500 tỷ đồng sẽ nộp toàn bộ để khắc phục hậu quả.

Bị cáo Nguyễn Tiến Dũng, cựu tổng giám đốc Công ty CP Xây dựng Faros. Ảnh: Ngọc Thành

Tại phiên toà hôm nay, vợ của ông Quyết cho hay sáng hôm qua, 22/7, đã thay chồng nộp khắc phục thêm 25,1 tỷ đồng. Hiện số tiền bị cáo Quyết đã nộp là hơn 237 tỷ đồng, là người khắc phục nhiều nhất trong 50 bị cáo. Bà nói ngoài các tài sản bị kê biên, vợ chồng bà không có tài sản gì khác.

"Vậy bà lấy 25,1 tỷ đồng ở đâu ra?", luật sư hỏi. Vợ ông Quyết nói vay mượn nhiều nơi để "làm theo mong muốn và nguyện vọng của chồng".

Theo cáo trạng, ông Quyết và các em gái hiện đang bị kê biên hơn 2.200 m2 nhà đất tại quận Nam Từ Liêm và Cầu Giấy (Hà Nội).

Theo đề nghị của Bộ Công an, 500 tài khoản chứng khoán của em gái út, bị cáo Huế, với tổng số dư 7,6 tỷ đồng cùng 243 triệu cổ phiếu (thuộc các mã GAB, FLC và ART) cũng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phong tỏa. Các mã cổ phiếu này đều đã bị đình chỉ giao dịch.

Ngoài các tài sản này, ông Quyết xin được bán các cổ phần của mình tại tập đoàn FLC để khắc phục tối đa nhưng chưa được chấp thuận. Nếu tất cả tài sản này vẫn chưa đủ, ông Quyết khai chỉ biết "xin khoan hồng" để được tiếp tục tìm các biện pháp khác khắc phục hậu quả.

Bà Trịnh Thị Thúy Nga, cựu phó tổng giám đốc Công ty Chứng khoán BOS (áo đen) và Hương Trần Kiều Dung, cựu phó chủ tịch thường trực HĐQT tập đoàn FLC. Ảnh: Ngọc Thành

Sáng nay, trong lời khai kéo dài 7 phút, ông Quyết nhận hết tội và hành vi như cáo trạng truy tố, chấp nhận phán quyết của tòa, song khẳng định, chưa từng có ý định lừa đảo.

VKS cáo buộc ông Quyết thành lập và chỉ đạo mọi hoạt động của tập đoàn FLC và 82 công ty thuộc hệ sinh thái, trong đó có Faros, là công ty dược ông mua lại năm 2011, vốn ban đầu 1,5 tỷ đồng.

Anh em ông Quyết cùng đồng phạm sau đó dùng thủ đoạn gian dối, quay vòng dòng tiền, đùng chứng từ góp vốn giả để nâng khống vốn. Kết quả sau 2 năm, 2014-2016, Faros có 4.300 tỷ vốn điều lệ, song hơn 3.600 tỷ trong số này là "ảo".

Ông Quyết sau đó tiếp tục chỉ đạo lo lót để Faros vượt qua ba vòng xét duyệt của Ủy ban chứng khoán Nhà nước, Trung tâm lưu ký chứng khoán và Sở giao dịch chứng khoán TP HCM, đưa mã ROS lên sàn, bán cho hơn 30.000 nhà đầu tư, thu lợi hơn 3.600 tỷ đồng.

Ngoài ra, để thao túng thị trường chứng khoán, ông Quyết cũng chỉ đạo dùng 5 mã chứng khoán họ FLC, dùng 500 tài khoản chứng khoán đứng tên bạn bè họ hàng, để mua đi bán lại số lượng lớn, tạo cung cầu ảo, chi phối thị trường. Song tất cả các giao dịch đều được thực hiện bằng tiền cấp khống bởi BOS - công ty chứng khoán thuộc hệ sinh thái FLC.

Sau 5 năm "tạo sóng", úp sọt hơn 60.000 nhà đầu tư, ông Quyết bị cáo buộc thu lợi hơn 700 tỷ đồng.

chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.