1. Nằm trên sườn phía Bắc của Núi Lớn, Thích Ca Phật Đài khánh thành năm 1963, là một quần thể kiến trúc Phật giáo đặc sắc ở thành phố biển Vũng Tàu.
Vẻ đẹp của Thích Ca Phật Đài là sự kết hợp hài hòa giữa kiến trúc tôn giáo và phong cảnh thiên nhiên. Toàn bộ khuôn viên ngôi chùa như một vầng trăng khuyết chia thành ba cấp theo hình tháp, cao dần từ 3 m đến 29 m so với mực nước biển.
Công trình thờ tự chính trong quần thể Thích Ca Phật Đài là Thiền Lâm Tự, ngôi chùa nhỏ đã tồn tại từ thập niên 1950.
Điểm nhấn đặc sắc nhất của Thích Ca Phật Đài là tượng đức Phật thành đạo cao 11,6 m, là nơi đặt ba viên ngọc xá lợi Phật. Tượng được khánh thành ngày 10/3/1963, do nhà điêu khắc - kiến trúc sư Nguyễn Lân đúc tại chỗ.
Các công trình đáng chú ý khác ở nơi đây là bảo tháp Xá lợi Phật, nhà Bát giác, tượng Phật nhập Niết bàn, tượng Đức Phật đản sanh...
2. Niết Bàn Tịnh Xá là một ngôi chùa nằm bên triền Núi Nhỏ, hướng về bờ biển phía Tây của thành phố Vũng Tàu. Chùa được Thượng tọa Thích Thiện Tuệ cho xây từ năm 1969 đến năm 1974 bằng tiền quyên góp của Phật tử.
Tên gọi của chùa Niết Bàn Tịnh Xá nghĩa là cảnh giới thanh cao nhất của đạo Phật. Đây được coi là một trong những ngôi chùa đẹp nhất ở Vũng Tàu với những đường nét kiến trúc truyền thống kết hợp hài hòa với hiện đại.
Không gian trong chính điện của chùa bài trí thành một vườn hoa Sala bao quanh bức tượng Đức Phật nhập Niết Bàn dài 12m, được đặt lên bệ thờ cao 2,5m. Mặt ngoài của bệ thờ có đắp hình tượng các đồ đệ của Phật Thích Ca đang chứng kiến lúc Ngài nhập diệt.
Từ sân trước chính điện, có thể phóng tầm mắt bao quát khung cảnh biển trời tuyệt đẹp của thành phố biển Vũng Tàu.
3. Tọa lạc bên bờ biển của thị trấn Long Hải, cách trung tâm thành phố Vũng Tàu khoảng 10 km, Dinh Cô Long Hải là một khu đền hoành tráng và nổi tiếng linh thiêng của khu vực Đông Nam Bộ.
Theo các sử liệu, ban đầu, Dinh chỉ là một ngôi miếu nhỏ đơn sơ, được lập ra vào cuối thế kỷ 18 để thờ một cô gái trẻ tên là Lê Thị Hồng (tục là Thị Cách), người tử nạn trên vùng biển Long Hải khi 16 tuổi. Do cô luôn hiển linh độ trì bá tánh, dân trong vùng tôn xưng cô là nữ thần.
Năm 1930, ngư dân Long Hải đã dời miếu thờ lên đồi Kỳ Vân (địa điểm hiện tại). Năm 1987, Dinh Cô được xây dựng và trùng tu lớn sau khi bị hỏa hoạn. Năm 2006 - 2007, Dinh tiếp tục được trùng tu. Ngày nay, công trình có tổng diện tích trên 1.000 m2, lối kiến trúc cổ pha lẫn hiện đại.
Hằng năm, vào ngày 10, 11 và 12 tháng 2 Âm lịch, người dân Long Hải mở lễ hội Nghinh Cô long trọng theo nghi thức cổ truyền, để cầu cho quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa... Đây là một trong những lễ hội lớn ở Nam Bộ thu hút rất nhiều người đến tham quan và chiêm bái.
4. Hòn Bà là một đảo nhỏ nằm ở vùng biển Bãi Sau của TP Vũng Tàu. Trên Hòn Bà có miếu Hòn Bà, một ngôi miếu được dựng năm 1781, thờ bà Thủy Long thần nữ với mong muốn bà phù hộ cho những người làm nghề đánh cá trên biển.
Vào năm 1971, một người quê Trà Vinh tên là Thanh Phong đến Vũng Tàu lập nghiệp đã đứng ra quyên góp tiền của để sửa chữa ngôi miếu. Trải qua nhiều lần trùng tu sửa chữa, miếu Hòn Bà mới có hiện trạng như ngày nay.
Điều lý thú nhất của miếu Hòn Bà là cách đi ra miếu. Phần lớn thời gian ban ngày, khi thủy triều lên chỉ có thể ra đảo bằng thuyền. Nhưng khi thủy triều rút, một con đường độc đạo dẫn ra đảo sẽ hiện ra. Đây là con đường nhân tạo được làm để phục vụ nhu cầu của người hành hương.
Nếu chưa quen, việc đi trên con đường này là một thách thức không nhỏ. Do con đường được đắp bằng đá lớm chởm, lại có nhiều hà, nếu bước đi không cẩn thận, rất dễ bị trượt ngã hoặc đứt chân vì hà cứa. Nhưng chính điều này lại làm cho chuyến thăm miếu Hòn Bà trở nên hấp dẫn...
Du lịch 19:13 | 10/02/2020
Du lịch 08:10 | 08/02/2020
Du lịch 10:49 | 06/02/2020
Du lịch 16:09 | 13/01/2020
Du lịch 18:16 | 27/12/2019
Du lịch 09:42 | 24/12/2019
Du lịch 13:05 | 15/12/2019
Du lịch 10:00 | 05/12/2019