Bí quyết 4T kỳ diệu của PGS tim mạch chiến thắng ung thư phổi

Chia sẻ về căn bệnh hiểm nghèo mình mắc phải, PGS. BS Đỗ Quốc Hùng vẫn vui vẻ nói: “Đời người sinh lão bệnh tử không ai tránh được. Điều quan trọng là bình tĩnh phối hợp với các đồng nghiệp để chữa bệnh cho mình, lo lắng chỉ làm bệnh càng thêm nặng mà thôi”.

Niềm tin tạo ra ý chí “chiến đấu” với bệnh tật

Là một thầy thuốc chữa bệnh cho rất nhiều người, nhưng chính PGS.BS Đỗ Quốc Hùng (Nguyên trưởng phòng C7, Viện Tim mạch Quốc gia) cũng bị tử thần "gõ cửa" với căn bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối.

Tuy nhiên, bằng nghị lực phi thường, trí tuệ của một bác sĩ và sự giúp đỡ của các đồng nghiệp, ông đã chiến thắng căn bệnh nan y với bài học từ 4 chữ T, và sau 5 năm ông vẫn dồi dào sức khỏe để tiếp tục chữa bệnh giúp đời.

Dù đã nghỉ hưu, nhưng PGS Hùng vẫn miệt mài làm việc chuyên môn tại Viện. Với ông, được sống, được làm việc, chữa bệnh cứu người là thấy cuộc đời của mình trọn vẹn.

Khi chúng tôi đến phòng làm việc của PGS Hùng , ông vẫn đang miệt mài với công việc của mình. Dù đã có lịch hẹn trước, tuy nhiên khi có bệnh nhân ông vẫn ưu tiên khám cho người bệnh trước. “Bệnh liên quan đến tim mạch nó phức tạp lắm, một phút chậm trễ cũng là nguy hiểm tới tính mạng cho người bệnh, vậy nên mong anh chị phóng viên thông cảm”.

Cũng tại đây, chúng tôi gặp những bệnh nhân đã được PGS Hùng khám và chữa bệnh suốt nhiều năm nay. Cuối buổi ra về, có người gửi quà cảm ơn ân nhân cân hồng ngâm, chục trứng gà mà họ xách từ quê ra, những món quà ấy tuy giản dị mà nặng nghĩa ân tình.

pgs tim mach chia se bi quyet 4t ky dieu chien thang ung thu phoi

Đối với PGS Đỗ Quốc Hùng ,được sống, được làm việc, chữa bệnh cứu người là ông thấy cuộc đời mình trọn vẹn.

Tuy nhiên, điều khiến chúng tôi ngạc nhiên là chính những bệnh nhân của PGS Hùng, đến bây giờ họ mới biết thầy thuốc của mình cũng mắc phải căn bệnh hiểm nghèo.

“Tôi bị bệnh hẹp động mạch vành tim và trở thành bệnh nhân “trung thành” được bác sĩ Hùng khám từ năm 2008 tới nay. Bác sĩ Hùng là người nhiệt tình, trách nhiệm, khiến tôi và gia đình rất cảm kích. Thật không ngờ dù mắc bệnh nan y, nhưng bác sĩ vẫn tận tâm và giúp đỡ chúng tôi nhiều tới vậy”, cô Phạm Thị Ngọc Hạnh (Nam Định) cho biết.

Chia sẻ về quãng thời gian bị bệnh, PGS Hùng cho biết, ông không bao giờ nghĩ đến căn bệnh của mình là ung thư, mà chỉ coi đó là một khối u lành bình thường. Trong quá trình chữa bệnh, ông không muốn cho nhiều người biết đến căn bệnh của mình.

Để quên đi bệnh ung thư, có lúc ông không cho ai đến thăm mình. Ông bảo “Người đến thăm rất quý, nhưng hầu như ai cũng thế đến thăm là hỏi han bệnh tật, thậm chí có người còn thương xót như thế khiến ông nghĩ đến bệnh nhiều hơn”.

Nhắc tới thời gian bị bệnh, PGS Hùng cho biết cuối năm 2012, ông ho kéo dài dến 3-4 tuần không đỡ.

Vì nghĩ ho chuyển mùa, ông chủ quan uống thuốc kháng sinh nhưng hơn tháng trời tình trạng ho vẫn thế. Ông tự mình đi chụp tim phổi. Sau khi chụp, các bác sĩ phát hiện ra khối u rốn phổi và khuyên bác sĩ Hùng đi khám chuyên khoa hô hấp. PGS. Hùng đã đi kiểm tra các xét nghiệm lâm sàng tất cả đều dương tính hết.

“Khi biết tin, tôi rất bình tĩnh. Dù là bệnh nhân nhưng chính tôi là người động viên tinh thần cho mọi người trong gia đình. Vì chỉ nghe tới bệnh ung thư phổi, là cả gia đình tôi đã đứng ngồi không yên vì lo lắng”, PGS Hùng kể lại.

Bí quyết 4 chữ T nâng cao thể trạng

GS Mai Trọng Khoa – Giám đốc Trung tâm Ung bướu và Y học hạt nhân Bệnh viện Bạch Mai cho biết, GS tiếp nhận hồ sơ bệnh án của PGS Hùng bệnh ở giai đoạn muộn, ung thư phổi tế bào nhỏ di căn từ trên xuống dưới từ xương.

Từ tháng 5/2012, bác sĩ Hùng bắt đầu được đưa vào điều trị hóa chất. Sau hai đợt điều trị hóa chất, bệnh đã được đẩy lùi, các khối u trong phổi biến mất, sức khỏe của ông lại trở lại bình thường.

Tuy nhiên 2 năm sau bệnh lại tái phát, các tế bào di căn vào xương di căn vào não. PGS. Hùng lại điều trị cùng với các kỹ thuật tiên tiến nhất của y học, sau 7-8 tháng các tổn thương đã hoàn toàn biến mất trên chụp CT.

PGS Đỗ Quốc Hùng cho biết, để chiến đấu với bệnh ung thư, đến nay ông đã đúc kết được lại kinh nghiệm cho mình đó là 4 chữ T: Tâm lý, Thuốc, Thức ăn và Thể dục thể thao.

pgs tim mach chia se bi quyet 4t ky dieu chien thang ung thu phoi
Niềm tin tạo nên ý chí là những yếu tố tiên quyết để chiến thắng bệnh tật.

PGS Hùng kể lại, Tâm lý là 50% điều kiện để ông có thể chiến thắng ung thư. Điều đầu tiên là bình tĩnh, tin vào đồng nghiệp cùng đồng nghiệp chiến đấu bệnh tật.

Phải có niềm tin thì mới có ý chí chống chọi với căn bệnh hiểm nghèo này. Trước nay, cứ bị ung thư là người ta nghĩ ngay đến “án tử hình” và tâm lý lo sợ. Theo phân tích của PGS Hùng, lo lắng trong bệnh lý được gọi là “cảm xúc âm tính” nó khiến bệnh nhân ăn không ngon, ngủ không yên, dễ sinh stress và khiến bệnh càng thêm nặng.

Trong thời gian bị bệnh, để tâm lý thoải mái bác sĩ Hùng đã tìm đến Phật pháp. “Thời điểm khó khăn nhất trong suốt quá trình điều trị ung thư của tôi là khi xạ trị, nó khiến tôi rất mệt mỏi, đau đớn, có lúc tôi cảm giác không thể sống nổi. Nhưng những lúc đó tôi chưa từng nghĩ tới bỏ cuộc, tôi tự tạo niềm tin cho mình, tôi tụng kinh, tôi đọc thuộc những bài kinh dài như “Chú đại bi”, nghe các sư thầy giảng về phật pháp trên mạng. Lúc ấy tâm lý của tôi thoải mái, giúp tôi vượt qua đau đớn của bệnh tật”.

Chữ T thứ hai đó là Thuốc. PGS Hùng cho rằng thuốc cực kỳ quan trọng và ông dùng cả tây y và đông y. Ông tuân thủ phác đồ điều trị của Tây y. Hoá chất, xạ trị, nhắm đích đều tiêu diệt ung thư nhanh gọn nhưng khiến con người ta suy kiệt vì tác dụng phụ.

Những lúc đó, PGS Hùng sử dụng kết hợp đông y như nấm ngọc linh ngâm mật ong, “Tam thất uống với mật ong là một bài thuốc để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể. Nhờ đó mà tôi ăn khoẻ, ngủ được và đủ sức để chiến đấu với bệnh tật”, PGS Hùng chia sẻ.

Chữ T thứ ba là Thức ăn. Một trong những bí quyết của ông để chiến thắng ung thư là chế độ ăn uống khoa học. Ông ăn rất nhiều rau và hoa quả, đặc biệt các loại rau họ cải.

Hoa quả thì ăn rất nhiều mãng cầu xiêm, quả bơ, cam, chanh. PGS Hùng nói: “Tôi ăn quả mãng cầu xiêm nhiều lắm. Tôi ăn nguyên hoặc xay sinh tố, ăn cùng với bơ”.

Đối với thịt, ông chỉ sử dụng thịt gia cầm, thịt có màu trắng, không ăn thịt có màu đỏ như thịt bò, thịt chó. Và quan trọng nhất, PGS Hùng nhấn mạnh là nguồn gốc của sản phẩm phải rõ ràng.

Chữ T thứ 4 chính là Thể dục thể thao. Song hành với yếu tố tâm lý, uống thuốc theo chỉ định, PGS Hùng cho biết ông còn dành thời gian để tập thể dục từ khi còn điều trị hoá chất. Đến nay bài thể dục ông vẫn tập đều đặn hàng ngày là đạt ma dịch cân kinh (vẫy tay cho đúng cách) và khí công.

Với những kinh nghiệm quý báu và ý chí chiến thắng bệnh tật, chắc chắn bài học 4 chữ T của PGS Đỗ Quốc Hùng sẽ là động lực để những bệnh nhân mang trong người căn bệnh ung thư có thể vượt lên số phận.

chọn
Cầu vượt thép Mai Dịch chờ thông xe
Cầu vượt thép Mai Dịch nằm trên nút giao Vành đai 3 - Xuân Thủy - Hồ Tùng Mậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã hoàn thành, không còn hoạt động thi công từ lâu nhưng chưa thông xe.