Đối với nhiều bệnh nhân COVID-19, việc loại bỏ virus chỉ là một phần chiến thắng trong “cuộc chiến toàn cầu” này. Nhiều người vẫn phải chịu những hậu quả do virus để lại trên các cơ quan quan trọng của cơ thể, đặc biệt là phổi. Trong đó, những tình trạng thường gặp nhất là khó thở, suy giảm chức năng phổi, viêm phổi, xơ phổi và suy phổi mãn tính. Nghiêm trọng hơn, những người có vấn đề về hô hấp mãn tính và khả năng miễn dịch yếu có thể đối mặt với tỷ lệ tử vong cao, theo Times Of India.
Ngoài ra, các yếu tố môi trường, chẳng hạn như chất lượng không khí hay mức độ ô nhiễm ở nơi sinh sống, cũng sẽ khiến cho các tình trạng nêu trên trở nên tồi tệ hơn. Do đó, việc chăm sóc phổi là điều cần được quan tâm hàng đầu trong bước phục hồi sau quá trình điều trị COVID-19. Dưới đây là một số cách cải thiện sức khỏe cho người nhiễm COVID mà bạn có thể tham khảo:
Khó thở là một triệu chứng phổ biến của người mắc COVID-19 khi virus bắt đầu tấn công phổi. Bệnh nhân nhiễm COVID thường được yêu cầu thực hành các bài tập thở sâu đơn giản và các tư thế thiền định để quá trình hít thở dễ dàng hơn cũng như cải thiện lưu lượng máu đến phổi và các đường dẫn lưu trong ngực.
Trong đó, việc thở bằng cơ hoành sẽ thúc đẩy quá trình hít vào được sâu hơn, giúp các cơ ở phổi và lồng ngực chuyển động cùng một thời điểm. Đồng thời, việc hít thở sâu khi nằm sấp cũng có thể giúp tăng cường lưu lượng oxy lên phổi một cách hiệu quả. Ngoài ra, bạn cũng có thể tham khảo bài tập điều hòa hơi thở Pranayama, một phần chính trong yoga và được xem là bài tập tuyệt vời để thúc đẩy hoạt động của phổi.
Một chế độ ăn uống giàu vitamin và khoáng chất sẽ giúp tăng cường khả năng miễn dịch, đồng thời còn có khả năng loại bỏ độc tố và giúp bạn hít thở dễ dàng hơn. Đây là một cách đơn giản để bạn có thể dễ dàng quản lý và tăng cường sức khỏe phổi tại nhà.
Theo nguyên tắc, người đang trong quá trình phục hồi sau COVID nên tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm chế biến và tinh chế. Thay vào đó, hãy bổ sung các thực phẩm có khả năng tăng dung tích phổi như cá hồi, củ cải đường, trà xanh, việt quất, cà chua, đường thốt nốt, các loại hạt và các loại thực phẩm họ cam quýt. Đặc biệt, tỏi và nghệ là hai thực phẩm giàu chất chống oxy hóa, được cho là có đặc tính chống virus, cũng nên được bổ sung vào thực đơn hàng ngày.
Các chuyên gia khuyến cáo rằng, mọi người nên tuân theo một chế độ ăn uống giàu chất dinh dưỡng và bỏ qua các chế độ ăn kiêng hỗ trợ giảm cân trong giai đoạn này. Việc cắt giảm một số loại thực phẩm có thể khiến cơ thể của bạn mất đi các chất dinh dưỡng cần thiết trong thời gian phục hồi.
Thói quen hút thuốc không chỉ khiến bạn có nguy cơ mắc và lây nhiễm COVID cao hơn mà còn là một trong những nguyên nhân khiến phổi bị tổn thương nghiêm trọng. Hút thuốc lá gây ra căng thẳng cho cơ thể, làm tăng khả năng phát triển các vấn đề về phổi và nhiễm trùng khác về lâu dài. Chính vì vậy, trong giai đoạn sau khi được điều trị COVID, bạn cần tuyệt đối không được hút thuốc lá để đảm bảo sự phục hồi một cách tốt nhất cho cơ thể.
Các chuyên gia đề nghị rằng, người mắc COVID nên tập một số bài tập thể dục hoặc thể thao để giúp nâng cao nhịp tim và thúc đẩy lưu lượng máu. Bất kỳ hoạt động nào làm tăng nhịp thở cũng là một cách vô cùng hiệu quả để phục hồi dung tích và chức năng của phổi. Các bài tập liên quan đến tim mạch thường thấy như đạp xe đạp, đi bộ, chạy bộ, nhảy dây, leo cầu thang,... Đồng thời, các tư thế yoga cũng có thể giúp phục hồi chức năng và tăng cường khả năng miễn dịch.
Khi chọn luyện tập, bạn hãy thực hiện từ từ và duy trì đều đặn các bài tập theo tần suất phù hợp với bản thân. Trước hết, bạn cần bắt đầu hồi phục bằng các bài tập chức năng có lợi cho sức khỏe của phổi, sau đó mới chuyển sang các chuyển động có nhịp độ nhanh và cường độ cao hơn.
Những người vừa hồi phục sau COVID-19, hoặc bị tổn thương chức năng phổi, nên tránh tiếp xúc với khói thuốc lá hay đến những môi trường bị ô nhiễm không khí. Các hình thức tiếp xúc dù trực tiếp hay gián tiếp đều có thể làm tăng nguy cơ tái nhiễm, đồng thời khiến cơ thể tiếp xúc với bụi mịn, chất gây ung thư và các chất kích ứng có hại tiềm ẩn khác, có khả năng lắng đọng trong các khoang phổi và gây khó thở. Trong trường hợp bạn cần đi ra ngoài, hãy đảm bảo tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa cần thiết để hạn chế các tác động nêu trên.
Tiêm phòng cúm được xem là một trong những cách để hạn chế nguy cơ tái nhiễm COVID-19 sau khi đã phục hồi, góp phần làm giảm các vấn đề về suy hô hấp mãn tính thường gặp hiện nay. Trong nhiều trường hợp, tiêm phòng cúm có thể giúp tăng tốc độ phục hồi, giảm thiểu các biến chứng hô hấp ở các nhóm tuổi có nguy cơ cao. Thêm vào đó, việc tiêm phòng cúm sẽ bảo vệ bạn khỏi các căn bệnh khác có thể xảy ra ở thời điểm giao mùa hay trong điều kiện môi trường ô nhiễm.