Chăm sóc phụ nữ sau khi sinh mổ là một việc rất quan trọng vì việc hồi phục sau sinh của sản phụ sinh mổ lâu và khó khăn hơn phụ nữ sinh thường, ngoài ra nguy cơ bị hậu sản, nhiễm trùng cũng cao hơn.
Vì vậy người nhà sản phụ cần chú ý và cẩn trọng hơn trong cách chăm sóc phụ nữ sau khi sinh mổ từ việc vệ sinh vết mổ, sinh hoạt và thực phẩm dành cho bà mẹ sau khi sinh mổ để sản phụ nhanh hồi phục sau sinh.
Chăm sóc vết mổ
Trong tuần đầu tiên sau sinh, vết mổ vẫn chưa khô nên các bác sĩ sản phụ khoa và nữ hộ sinh sẽ chăm sóc sản phụ, chăm sóc vệ sinh vết mổ, cho các thuốc giảm đau, thuốc kháng sinh hay thuốc co hồi tử cung để tránh các biến chứng, nhiễm trùng. Việc dùng thuốc giảm đau sau sinh mổ là hoàn toàn bình thường, những thuốc này không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa, vì vậy các bà mẹ đừng ngại yêu cầu bác sĩ cung cấp thuốc nếu các cơn đau đã vượt quá ngưỡng chịu đựng. Các vết mổ đang trong quá trình lành gây đau đớn, kết hợp với tử cung đang co thắt để trở về trạng thái ban đầu có thể gây ra cảm giác choáng váng và kiệt sức.
Sang tuần thứ hai, nếu khâu bằng chỉ không tiêu thì sẽ bác sĩ xem xét vết mổ, nếu khô sạch thì cắt chỉ. Thông thường, bác sĩ sẽ cắt chỉ sau 5 ngày nếu mổ lần đầu tiên, sau 7-8 ngày nếu mổ lần hai trở lên. Nếu khâu bằng chỉ tự tiêu thì không cần cắt chỉ. Thời gian này, sản phụ nên lau người bằng nước ấm hoặc tắm nhanh chóng, tránh việc ngâm cơ thể trong bồn tắm khiến vết mổ bị ướt. Sau khi tắm xong, dùng bông sạch thấm khô vết mổ, để vết mổ hở không cần băng kín, giữ cho vết mổ luôn khô sạch. Có thể vệ sinh vết mổ bằng dung dịch betadin hoặc povidine 10%, giúp vết mổ sẽ nhanh liền sẹo và tránh nhiễm trùng.
Chú ý khi chăm sóc phụ nữ sau khi sinh mổ không nên dùng bất kỳ một loại thuốc kháng sinh nào bôi lên vết mổ mà không có sự cho phép của bác sỹ và đặc biệt là không dùng bất kỳ một loại thuốc dân gian nào đắp lên vết mổ nếu không muốn bị nhiễm trùng vết mổ. Ngoài ra trong quá trình lành vết mổ sẽ có hiện tượng ngứa vết mổ, sản phụ không được gãi lên vết mổ nếu không muốn có sẹo xấu trên cơ thể.
Thực hiện chăm sóc vết mổ và uống thuốc theo chỉ định của bác sĩ để vết mổ se lại nhanh hơn. (Ảnh: Báo mới) |
Cho con bú và vận động sau mổ
Sau 6 tiếng nằm hậu phẫu, mẹ sẽ được về phòng bệnh và đón con. Việc đầu tiên mẹ cần làm là cho con bú ngay và cho con da tiếp da với mẹ. Thuốc gây tê hay thuốc giảm đau không hề ảnh hưởng đến chất lượng sữa.
Khi cho bé bú, tránh tư thế gây chèn ép vào vết mổ. Tư thế tốt nhất là mẹ nằm nghiêng, dùng gối bảo vệ vết mổ, rồi mẹ đặt bé nằm nghiêng, mặt hướng về bầu sữa mẹ. Tư thế khác là tư thế mẹ nằm ngửa, bé nằm sấp vắt ngang người mẹ. Tư thế này miệng bé ngậm một bên ti mẹ, còn phần thân dưới đặt gần bên ti còn lại.
Sau khi bú no, bé sẽ đi vệ sinh hoặc ngủ ngay. Lúc này mẹ cố gắng tranh thủ vận động, đi lại càng sớm càng tốt. Dù việc di chuyển sẽ khiến mẹ rất đau nhưng không vì thế mà nằm bất động trên giường. Vận động nhẹ nhàng bằng cách tập đi bộ thật chậm giúp nhu động ruột hồi phục nhanh, giảm nguy cơ táo bón. Lười vận động dễ dẫn đến nguy cơ dính ruột, viêm phổi, viêm tắc tĩnh mạch, đông máu…
Lưu ý những sản phụ sức khỏe quá yếu, mất máu nhiều, bị choáng hoặc vừa trải qua ca sinh khó thì cần nghỉ ngơi vài ngày trước khi bắt đầu đi bộ trở lại.
Trong vòng 8 tuần sau sinh, mẹ không nên làm việc nhà hoặc mang vác vật nặng. Từ 6-8 tuần sau sinh, có thể bắt đầu tập các bài tập giảm cân hoặc thư giãn sau sinh nhưng nên có sự tư vấn của bác sỹ.
Sau 6 tiếng nằm hậu phẫu, việc đầu tiên mẹ cần làm là cho con bú ngay và cho con da tiếp da với mẹ. (Ảnh: Đặng Thị Tuyết Dung) |
Chế độ dinh dưỡng sau sinh mổ
Trong thời gian từ 6-8 giờ đầu tiên sau khi sinh mổ người chăm sóc phụ nữ sau khi sinh mổ chỉ nên cho sản phụ ăn một số loại thức ăn nhẹ như cháo, nước đường, nước lọc cho tới khi xì hơi mới ăn thêm các loại thực phẩm khác và cũng chỉ là các loại thực phẩm mềm, lỏng.
Sau đó, các bà mẹ ăn uống như bình thường, tăng cường thức ăn giàu đạm và canxi, đồng thời uống nhiều nước để có nhiều sữa cho con bú và tránh táo bón. Tình trạng táo bón đầy hơi vẫn tồn tại sau mổ 3-5 ngày do ảnh hưởng của thuốc tê. Lưu ý không dùng các loại thực phẩm dễ gây tiêu chảy hoặc dị ứng, gây sẹo lồi (thịt gà, thịt bò, hải sản, rau muống...) Nên ăn các thức ăn giàu dinh dưỡng như đạm đường, chất sắt, rau củ quả nấu chín.
Đặc biệt, trong quá trình liền vết mổ thì các vitamin A, B, C (cam, quýt, bưởi cà rốt) có vai trò kiểm soát viêm nhiễm; Vitamin K và các yếu tố vi lượng như canxi, kẽm, sắt, đồng (có trong trứng sữa) có vai trò chính trong việc cầm máu, tạo máu và làm lành vết mổ; Protein là nguyên liệu chính tạo ra tế bào mới hình thành nên lớp da non và làm liền vết mổ. Mỗi ngày nên cung cấp cho cơ thể khoảng 200 g thức ăn có chứa protein như thịt, cá, sữa, đậu…
Sau những ngày sinh mổ, các mẹ nên bổ sung thức ăn giàu đạm và canxi, ăn trái cây, uống nhiều nước. (Ảnh: Báo mới) |
Vệ sinh
- Rửa mặt, súc miệng và chải răng mỗi ngày.
- Tiểu: trong ngày đầu có thể dùng bô, những ngày sau vào nhà vệ sinh.
- Lau người bằng nước ấm sạch và lau khô người. Tránh làm ướt vết mổ. Sang tuần thứ 2 có thể tắm rửa bình thường, không chà mạnh lên vết mổ.
Những dấu hiệu nguy hiểm cần chú ý
Lựa chọn phương pháp sinh mổ, mẹ đối diện với nguy cơ nhiễm trùng vết mổ khá cao. Vì vậy trong quá trình chăm sóc, hồi phục, cũng cần theo dõi cơ thể, chú ý đến những dấu hiệu sau:
- Vết mổ nóng, sưng, tấy đỏ hoặc tiết dịch bất thường
- Ngày càng đau tại vùng vết mổ hoặc đau nhói thường xuyên
- Đau khi đại tiện, tiểu tiện
- Sản dịch có mùi hôi
- Sốt cao trên 39 độ C