Bí thư Đinh La Thăng: 'Làm muối mà bán không được thì làm để làm gì?'

'Nếu làm muối mà không có hiệu quả thì làm để làm gì?', Bí thư Thành ủy TP.HCM Đinh La Thăng đặt câu hỏi. Ông Thăng đề nghị H.Cần Giờ cần chuyển đổi sang các mô hình kinh tế hiệu quả hơn.
Bí thư Đinh La Thăng thăm hỏi hộ nuôi tôm Trần Minh Hòa (xã Lý Nhơn, H.Cần Giờ, TP.HCM) ẢNH: HẢI NAM

Ngày 25.12, Bí thư Đinh La Thăng và Phó bí thư Thành ủy TP.HCM Tất Thành Cang đã đến H.Cần Giờ để thăm hỏi, tìm hiểu cuộc sống, chuyện làm ăn của bà con nông dân 3 xã An Thới Đông, Lý Nhơn và Bình Khánh (H.Cần Giờ).

"Làm sao để bà con nông dân H.Cần Giờ thoát nghèo, vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình?", Bí thư Đinh La Thăng đặt câu hỏi.

Không hiệu quả thì không nên làm

Tại Hợp tác xã Thuận Yến, xã An Thới Đông, Bí thư Đinh La Thăng đánh giá cao mô hình nuôi cá dứa hiệu quả của hợp tác xã.

Bà Nguyễn Thị Nhiệm, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã Thuận Yến, cho biết mô hình nuôi cá dứa đang đem lại hiệu quả kinh tế khá cao. Tuy nhiên, nông dân vẫn gặp khó khăn về vốn vay, về hỗ trợ công nghệ... Bí thư Đinh La Thăng đề nghị muốn phát triển được "thương hiệu con cá dứa", hợp tác xã phải làm sao xây dựng được chỉ dẫn địa lý, chứng nhận quy trình sản xuất sạch...

Ông Thăng cũng khẳng định các ban ngành phải hỗ trợ, kết nối để đầu ra của con cá dứa được ổn định.

Bí thư Đinh La Thăng thăm mô hình nuôi cá dứa của HTX Thuận Yến ẢNH: HẢI NAM

Tại hộ nuôi tôm Trần Minh Hòa (xã Lý Nhơn), ông Hòa "khoe" với Bí thư Đinh La Thăng là cùng với quy mô sản xuất 6 ha nuôi tôm, kết hợp nuôi yến, trung bình mỗi năm ông Hòa thu nhập hơn 2 tỉ đồng. Bí thư Đinh La Thăng hết lời khen ngợi ông Hòa làm kinh tế giỏi.

Ghé thăm các hộ dân làm muối tại xã Lý Nhơn, 1 hộ dân nói với Bí thư Đinh La Thăng chuyện gia đình làm 1 ha muối, cả nhà với 3 nhân khẩu lấy công làm lời thu nhập mỗi năm được khoảng 40, 50 triệu đồng, trừ chi phí chỉ có lời khoảng 30 triệu đồng.

Ông Phan Lê Hồng Phong, Phó bí thư Đảng ủy xã Lý Nhơn, phân trần do khu vực H.Cần Giờ nguồn nước bị ô nhiễm, nước làm muối được lấy hệ thống kênh rạch sông ngòi có độ mặn thấp nên sản lượng muối không cao, chất lượng muối không đạt nên giá thành rẻ, khó tìm đầu ra.

Bí thư Thăng nói ngay: "Nếu làm muối mà không có hiệu quả thì làm để làm gì? Địa phương cần phải thay đổi cơ cấu kinh tế, chuyển sang các mô hình đầu tư hiệu quả hơn như nuôi tôm, nuôi thủy sản hoặc nuôi yến, kết hợp với làm du lịch, đưa sản phẩm đặc sản của địa phương vào kinh doanh thì mới khá lên được".

Hỗ trợ dân vay vốn nuôi yến

Sau khi khảo sát tình hình sản xuất của bà con nông dân, ông Đinh La Thăng và ông Tất Thành Cang đã có buổi làm việc với lãnh đạo UBND H.Cần Giờ và đại diện nông dân của ba xã Lý Nhơn, An Thới Đông, Bình Khánh.

Bí thư Đinh La Thăng đề nghị Cần Giờ phải nhanh chóng chuyển đổi mô hình làm muối đang kém hiệu quả sang loại hình kinh tế khác, đồng thời đề nghị các sở, ngành và địa phương hỗ trợ cho các hộ dân xây nhà nuôi yến.

“Yến dễ nuôi, rủi ro thấp, lợi nhuận cao. Vì vậy nên nghiên cứu cho mỗi hộ vay 300 - 400 triệu đồng để mỗi hộ có 1 nhà nuôi yến nhỏ, có thu nhập ổn định”, Bí thư Đinh La Thăng nói.

Trong chuyến làm việc, Bí thư Đinh La Thăng cũng thăm và tặng quà cho một số gia đình nghèo, chính sách ẢNH: H.N

Tại buổi làm việc, nhiều hộ nông dân cũng như lãnh đạo chính quyền địa phương đề nghị TP.HCM nên tập trung cải tạo, nâng cấp tuyến đường giao thông, nhanh chóng xây dựng cầu Bình Khánh để giảm thời gian đi lại, giảm chi phí sản xuất, đồng thời quy hoạch lại hệ thống thủy lợi, cải tạo chất lượng nước để nông dân có nước sạch sản xuất…

Ông Thăng đặt vấn đề: "Cần Giờ là một huyện của một thành phố có tiềm lực về tài chính và nhân lực thì tại sao nông dân vẫn nghèo?". Bí thư Đinh La Thăng khẳng định Cần Giờ cần chuyển đổi cơ cấu kinh tế ngay và đây là trách nhiệm của chính quyền địa phương.

Ông Thăng đề nghị lãnh đạo H.Cần Giờ phải hành động để đến năm 2020, Cần Giờ cơ bản không còn hộ nghèo. Để làm được việc đó, Bí thư Đinh La Thăng nhấn mạnh cần phải xây dựng mối liên kết giữa Nhà nước, doanh nghiệp và nông dân, trong đó Nhà nước phải lo điện, nước, cấp thoát nước và lo giá cả thị trường để nông dân yên tâm sản xuất.

"Sở Công thương không thể để người dân tự lo về giá cả thị trường, tự lo về xây dựng thương hiệu. Nông dân chỉ biết sản xuất thôi, còn những vấn đề này Nhà nước phải lo. Phải từ bỏ tư duy ngồi một chỗ chờ nông dân đến yêu cầu thì mới làm, mà phải xuống tận nơi xem người dân cần cái gì để chủ động giúp cho họ", Bí thư Thăng nói.

Theo báo cáo của H.Cần Giờ, với 1.700 ha ruộng muối, mỗi năm Cần Giờ sản xuất khoảng 140.500 tấn. Tuy nhiên, giá thành sản xuất lên tới 610 đồng/kg trong khi giá bán chỉ 300 - 550 đồng/kg và biến động liên tục. Đại diện Sở Công thương TP.HCM cho biết muối Cần Giờ không đủ tiêu chuẩn để xuất khẩu, chỉ tiêu thụ trực tiếp tại TP.HCM khoảng 1.500 tấn/năm
chọn
[Photostory] Vị trí khu đô thị 72.000 tỷ đồng đang tìm chủ tại Biên Hòa
Khu đô thị Hiệp Hòa có vị trí thuộc phường Hiệp Hòa, TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, quy mô quy hoạch khoảng 293 ha, với tổng mức đầu tư hơn 72.000 tỷ đồng.