Bình Định thu hút 93 dự án trong năm 2021, tổng vốn hơn 104 nghìn tỷ đồng

Trải qua một năm đầy khó khăn do dịch Covid-19, Bình Định vẫn gặt hái những kết quả tích cực, được xem là điểm sáng trong thu hút đầu tư của khu vực miền Trung. Năm qua, địa phương đã thu hút được 93 dự án với tổng vốn đầu tư hơn 104.000 tỷ đồng.
Dòng vốn hơn 104.000 tỷ đồng từ 93 dự án chảy vào Bình Định trong năm 2021 - Ảnh 1.

Một góc thành phố Quy Nhơn. (Ảnh: Báo Bình Định).

Rút ngắn thủ tục đầu tư xuống 25 ngày

Theo Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định, trong năm 2021, địa phương tập trung cải cách hành chính nhằm đẩy nhanh tiến trình đổi mới hoàn thành các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - xã hội. Đồng thời, tỉnh từng bước đáp ứng nhu cầu phát triển và cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, Bình Định đã chủ động cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục đầu tư từ 32 ngày xuống còn 25 ngày và xem đây là một trong những hỗ trợ thiết thực đối với các nhà đầu tư đến với Bình Định. Việc cắt giảm này đã được Bộ Kế hoạch và Đầu tư có văn bản ủng hộ và đánh giá rất cao.

Trong tháng 8/2021, UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị bàn các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trước ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đang diễn biễn phức tạp.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cũng đã thành lập Tổ công tác xúc tiến và hỗ trợ đầu tư với nhiệm vụ trọng tâm vừa xúc tiến, vừa hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi đầu tư tại tỉnh, nhanh chóng giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư. Tổ Công tác đã đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện một số quy định, cơ chế, chính sách để tạo môi trường đầu tư thông thoáng hơn, hấp dẫn hơn; từng bước tạo đột phá trong thu hút đầu tư vào tỉnh và huy động các nguồn lực đầu tư nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng tại Khu Kinh tế Nhơn Hội, Khu công nghiệp Becamex VSIP; hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch...

Sau vài tháng nỗ lực và có sự góp sức của Tổ công tác, tỉnh đã thu hút hai dự án rất lớn với quy mô trên 62.000 tỷ đồng thuộc lĩnh vực sản xuất công nghiệp.

Cụ thể hơn, trong năm qua, toàn tỉnh thu hút được 93 dự án đầu tư với tổng vốn thu hút trên 104.340,19 tỷ đồng (giảm 40% về số dự án, tăng 102,22% về tổng vốn thu hút đầu tư so với năm 2020).

Trong đó có 66 dự án ngoài khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 95.461,22 tỷ đồng (22 dự án trong cụm công nghiệp, tổng vốn đầu tư 266,74 tỷ đồng); có 27 dự án trong khu kinh tế, khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư 8.878,97 tỷ đồng. Đồng thời, thực hiện tăng vốn cho 11 dự án với tổng vốn tăng thêm 27.121,9 tỷ đồng..

Riêng lãnh vực bất động sản, xây dựng, hạ tầng có 30 dự án với tổng vốn đầu tư 41.252,71 tỷ đồng; lĩnh vực công nghiệp có 52 dự án với tổng vôn 60.032,26 tỷ đồng; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, du lịch có 10 dự án, vốn 2.902,62 tỷ đồng; nông nghiệp có một dự án với số vốn 152,6 tỷ đồng.

Phân theo địa bàn, Quy Nhơn là đơn vị dẫn đầu cả tỉnh với 22 dự án thu hút mới; huyện Tây Sơn thu hút 13 dự án; thị xã Hoài Nhơn thu hút 10 dự án, thị xã An Nhơn có 7 dự án; huyện Tuy Phước có 6 dự án; Phù Mỹ có 3 dự án; Vĩnh Thạnh có 2 dự án; Hoài Ân, An Lão và Phù Cát thu hút 1 dự án; trong khu kinh tế, khu công nghiệp có 27 dự án.

Ngoài ra, đối với thu hút đầu tư nước ngoài, Bình Định thu hút 4 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 80,34 triệu USD (bằng số dự án và tăng 521,83% về vốn so với năm 2020). Tỉnh thực hiện 7 lượt điều chỉnh tăng vốn với tổng vốn điều chỉnh tăng 32,23 triệu USD và 8 lượt nhà đầu tư nước ngoài đăng ký góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp với tổng vốn 17,8 triệu USD. Thông báo chấm dứt một dự án là dự án Nhà máy may mặc Gold của CTCP Longmate Holdings.

Lũy kế cả tỉnh hiện có 86 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 1,088 tỷ USD; trong đó có 38 dự án trong khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 843,35 triệu USD và 48 dự án ngoài khu kinh tế và khu công nghiệp với tổng vốn đăng ký 245,56 triệu USD.

Cũng trong năm nay, có khoảng 1.000 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký khoảng 12.500 tỷ đồng. Đến nay cả tỉnh có khoảng 8.200 doanh nghiệp đang hoạt động.

Kêu gọi đầu tư các dự án công nghiệp, đô thị

Trong năm 2022, Bình Định tập trung mời gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước có tiềm lực, thương hiệu mạnh để đầu tư các dự án then chốt thuộc 5 trụ cột chính là công nghiệp; du lịch; nông nghiệp công nghệ cao; dịch vụ cảng và logistics; kinh tế đô thị gắn với quá trình đô thị hóa. Đồng thời, địa phương tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ, tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Bình Định dự kiến cũng sẽ tổ chức xúc tiến đầu tư ở các thị trường trọng điểm trong và ngoài nước như Bình Dương, TP HCM và Hà Nội, các quốc gia như Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Hoa Kỳ...; đặc biệt chú trọng thu hút những doanh nghiệp lớn trong nước để làm đòn bẫy thu hút các tập đoàn kinh tế nước ngoài.

Dòng vốn hơn 104.000 tỷ đồng từ 93 dự án chảy vào Bình Định trong năm 2021 - Ảnh 2.

Tập đoàn Kurz (Đức) đầu tư dự án đầu tiên tại Khu Công nghiệp Becamex VSIP Bình Định. (Ảnh: Trung tâm Xúc tiến Đầu tư tỉnh Bình Định).

Bên cạnh công tác cải cách hành chính mang tính giấy tờ - thủ tục, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng sẽ hỗ trợ cụ thể cho từng chủ đầu tư có các dự án lớn. Trước mắt tập trung vào hỗ trợ một dự án trọng điểm có vốn đầu tư lớn như dự án điện gió ngoài khơi của Tập đoàn PNE (Đức); dự án Nhà máy nhũ mỏng ép nhiệt công nghệ cao của Tập đoàn Kurz (Đức), dự án Khu công nghiệp, đô thị và dịch vụ Becamex VSIP Bình Định của Becamex IDC, dự án Nông nghiệp công nghệ cao của Tập đoàn Trường Hải, Khu du lịch Hải Giang, Khu du lịch Vĩnh Hội…

Địa phương cũng tổ chức đấu giá, đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án lớn để tạo nguồn thu ngân sách và làm tiền đề cho thu hút các dự án tiếp theo như Khu nhà ở Trường Thành; Khu A3 (Eco-Lagoon) - Khu đô thị thương mại Bắc sông Hà Thanh; Điểm du lịch số 9H; Khu dân cư và thương mại dịch vụ Đông Bàn Thành 4; Khu đô thị khu vực 2, phường Nhơn Phú, thành phố Quy Nhơn; Khu nhà ở kết hợp với dịch vụ, du lịch, thể thao; Khu dịch vụ - thương mại và dân cư Phú Mỹ Lộc; Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 04); Khu kho bãi, dịch vụ, logistics (KB-DV 05); Trung tâm đào tạo nghề và cung ứng lao động đi nước ngoài; Trung tâm đào tạo và cung ứng nhân lực vận tải Phù Cát; Chợ truyền thống và khu thương mại dịch vụ Bồng Sơn; Khu đô thị Bình Chương Nam, phường Hoài Đức, thị xã Hoài Nhơn; Trạm dừng nghỉ Phước Thuận tại Khu đất thương mại dịch vụ 01 thuộc xã Phước Thuận, huyện Tuy Phước; Điểm dừng nghỉ Phước Thành, huyện Tuy Phước; Khu du lịch Eo Vượt 2, Khu kinh tế Nhơn Hội,...

Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính sẽ tiếp tục được cải thiện, ưu tiên tập trung ở các khâu như đăng ký kinh doanh, cấp phép đầu tư, cấp phép xây dựng, giải quyết thủ tục giao đất… Đồng thời, cải tiến phương thức, thái độ làm việc; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nhà đầu tư.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.