Bình Dương dự chi hơn 18.000 tỷ làm vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn

Đường vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1) có tổng chiều dài khoảng 48 km. Bình Dương dự chi 18.250 tỷ đồng cho dự án này.

Quy hoạch đường vành đai 4 TP HCM. (Ảnh: Báo Đầu tư).

Theo Cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương,  vừa qua, tại Kỳ họp thứ 9 (chuyên ​đề) - HĐND tỉnh khóa X đã thông qua nhiều Nghị quyết quan trọng, trong đó đồng thuận đề xuất thực hiện Dự án đường cao tốc TP HCM - Chơn Thành và ch​ủ trương đầu tư đường vành đai 4.

​​Theo Nghị quyết về việc đồng thuận đề xuất thực hiện cao tốc TP HCM - Chơn Thành, Dự án thực hiện đầu tư đoạn từ vành đai 3 đến tỉnh Bình Phước dài khoảng 60 km.

Trong đó, đoạn từ đường vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước dài khoảng 53 km, đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Phước dài 7,1 km. Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (lộ giới 60 m) và đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc, hai làn dừng khẩn cấp, bao gồm các nút giao..

Cao tốc TP HCM - Chơn Thành đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương đầu tư theo hai giai đoạn. Giai đoạn 1 thực hiện đầu tư đoạn từ cầu Khánh Vân đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước (qua địa bàn tỉnh Bình Dương khoảng 46 km): Giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch (lộ giới 60 m) và đầu tư 4 làn xe cao tốc đầy đủ (có làn dừng khẩn cấp suốt tuyến).

Đoạn từ vành đai 3 đến cầu Khánh Vân: Giữ nguyên hiện trạng đã được đầu tư thuộc Dự án ĐT 743 và ĐT 747B, tổng bề rộng nền từ 36 m - 38 m (giữ quy hoạch với lộ giới 60 m).

Giai đoạn 2 đầu tư đường cao tốc hoàn thiện với quy mô 6 làn xe cao tốc (đoạn từ vành đai 3 đến ranh tỉnh Bình Dương - Bình Phước).

Địa điểm đầu tư đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) gồm TP Tân Uyên, huyện Bắc Tân Uyên, huyện Phú Giáo, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương.

Phương thức thực hiện đoạn qua địa bàn tỉnh Bình Dương (giai đoạn 1) dự kiến theo phương thức đối tác công tư (PPP), sơ bộ tổng mức đầu tư dự kiến 16.196 tỷ đồng; trong đó, giải phóng mặt bằng 7.388 tỷ đồng; xây lắp 8.808 tỷ đồng.

Theo Nghị quyết về chủ trương đầu tư đường vành đai 4 TP HCM đoạn từ cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn (giai đoạn 1), dự án này có điểm đầu tại vị trí vuốt nối đường vành đai 4 TP HCM với đầu cầu Thủ Biên hiện tại phía tỉnh Bình Dương thuộc địa bàn xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.

Điểm cuối tuyến tại khu vực trước mố cầu Phú Thuận thuộc địa bàn xã An Tây, TX Bến Cát, tỉnh Bình Dương. Tổng chiều dài khoảng 48 km. Quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế 100 km/h; loại công trình giao thông cấp I.

Tuyến đường qua địa giới hành chính TP Tân Uyên, TX Bến Cát, huyện Bắc Tân Uyên thuộc địa bàn tỉnh Bình Dương. Dự kiến thời gian thực hiện dự án từ năm 2023 - 2026. Nhu cầu sử dụng đất gần 420 ha trong đó tuyến chính 413 ha, tuyến kết nối 6,2 ha. 

Dự kiến loại hợp đồng dự án PPP: Xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án khoảng 18.248 tỷ đồng. 

Lãnh đạo tỉnh yêu cầu UBND tỉnh, các sở ngành, huyện, thị xã, thành phố tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn tỉnh. Dự kiến cuối năm nay hoàn thành việc nâng cấp, mở rộng quốc lộ 13; tháng 6 khởi công đường vành đai 3; đến cuối năm nay khởi công vành đai 4 và đầu năm 2024 khởi công cao tốc TP HCM - Chơn Thành.

chọn
Chủ tịch Lương Minh Tuấn: Kính siêu trắng sẽ là mũi nhọn 5 năm tới của Đạt Phương, dự kiến mang về doanh thu nghìn tỷ từ 2026
Theo kế hoạch, quý I /2025 Đạt Phương sẽ khởi công nhà máy sản xuất kính siêu trắng tại Thừa Thiên - Huế, dự kiến từ 2026 sẽ mang về doanh thu 1.500 - 2.000 tỷ đồng. Chủ tịch Đạt Phương cho biết, đây là ngành mũi nhọn của Đạt Phương trong thời gian tới, doanh nghiệp đang có những lợi thế lớn trên thị trường kính siêu trắng.