Bình Khánh sẽ là khu đô thị vệ tinh của Cần Giờ đến 2030

Giai đoạn đến năm 2030, huyện Cần Giờ định hướng xây dựng khu đô thị vệ tinh tại xã Bình Khánh theo hướng phát triển thành đô thị triển lãm.

Một góc xã Bình Khánh, huyện Cần Giờ. (Ảnh: Hoàng Huy).

Vừa qua, Thành ủy TP HCM đã ban hành nghị quyết về định hướng phát triển huyện Cần Giờ đến năm 2030.

Mục tiêu tổng quát là xây dựng và phát triển huyện Cần Giờ trở thành thành phố biển mang đặc trưng của một thành phố tăng trưởng xanh, thân thiện môi trường, trong đó du lịch sinh thái nghỉ dưỡng là mũi nhọn.

Về mục tiêu cụ thể, đến năm 2030, huyện Cần Giờ cơ bản trở thành thành phố nghỉ dưỡng và du lịch sinh thái, có khả năng cạnh tranh ở tầm khu vực.

Theo đó, phát triển kinh tế Cần Giờ trên cơ sở phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương ven biển , trong đó chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, du lịch biển, kinh tế hàng hải, nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản.

Phát triển du lịch cần kết nối với các tuyến du lịch quốc tế thông qua cảng hành khách quốc tế trên luồng Sài Gòn - Vũng Tàu. Hỗ trợ triển khai thực hiện dự án đầu tư mở rộng khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ theo quy hoạch được phê duyệt.

Xây dựng khu đô thị vệ tinh tại xã Bình Khánh theo hướng phát triển thành đô thị triển lãm; xây dựng một phần khu vực ấp An Nghĩa, xã An Thới Đông (khu B) với chức năng chính là du lịch sinh thái, sản xuất nông sản, thủy hải sản phục vụ du lịch; hình thành khu du lịch sinh thái tại khu vực thị trấn Cần Thạnh và xã Long Hòa.

Cùng với đó, huyện Cần Giờ cũng phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương và các địa phường liên quan nghiên cứu, đầu tư phát triển hệ thống giao thông kết nối giữa các cực phát triển của huyện, giữa huyện với trung tâm thành phố và các tỉnh lân cận.

Các dự án này bao gồm cầu Cần Giờ, đường Rừng Sác, đường trục chính ở Khu A, Khu C; nâng cấp các tuyến đường nhánh nối trung tâm các xã Tam Thôn Hiệp, An Thới Đông, Lý Nhơn với đường Rừng Sác; đường vành đai 4 kết nối 4 xã phía bắc; nút giao thông kết nối đường Rừng Sác với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành.

Thu hút đầu tư xây dựng, đưa vào khai thác cảng biển tổng hợp, chuyên dùng, cảng hành khách quốc tế, cảng container trung chuyển quốc tế, gắn với dịch vụ hỗ trợ tại các vị trí tiếp giáp sông Lòng Tàu, luồng sài Gòn - Vũng Tàu, luồng Cái Mép - Thị Vải nhằm hình thành hạ tầng logistics kết nối liên thông các địa phương trong nước và quốc tế.

Mở rộng, nâng cao công suất các tuyến phà hiện hữu như phà Cần Giờ - Vũng Tàu, phá Cần Giờ - Cần Giuộc. Quy hoạch, khai thác các tuyến phà kết nối xã Long Hòa, xã Lý Nhơn với thị trấn Vàm Láng và xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang và phát triển đường trên cao dọc tuyến đường Rừng Sác vào khu đô thị du lịch lấn biển Cần Giờ.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.