Vừa qua, Ban Quản lý Dự án Đầu tư Xây dựng tỉnh Bình Phước đã công bố Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đối với dự án thành phần 3: Đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) – Chơn Thành (Bình Phước)
Việc đầu tư cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa (Đắk Nông) - Chơn Thành (Bình Phước) theo quy hoạch sẽ hình thành trục dọc kết nối vùng Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, kết nối các tỉnh Bình Phước, Đăk Nông và các địa phương khác trong vùng với TP HCM.
Dự án xây dựng tuyến cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có 5 dự án thành phần. Trong đó, báo cáo ĐTM trên là dự án thành phần 3.
Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Bình Phước (chủ dự án), dự án có điểm đầu giáp ranh với tỉnh Đắk Nông (lý trình tuyến cao tốc khoảng Km1824+640); điểm cuối giao với đường Chơn Thành – Đức Hòa. Tổng chiều dài đoạn tuyến khoảng 95 km.
Địa điểm thực hiện đi qua địa giới hành chính của 20 xã/phường thuộc các huyện, thành phố, gồm: Huyện Bù Đăng, huyện Đồng Phú, TP Đồng Xoài và thị xã Chơn Thành, tỉnh Bình Phước.
Nhu cầu sử dụng đất của Dự án khoảng 211 ha. Đối với phạm vi của Dự án thành phần 3: đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Bình Phước không bao gồm hoạt động thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, di chuyển, phá dỡ các công trình nằm trong chỉ giới giải phóng mặt bằng. Dự án được thi công trên diện tích đất đã được đền bù, GPMB, di chuyển công trình ngầm,…
Cùng với các dự án thành phần khác thuộc cao tốc Bắc – Nam phía Tây đoạn Gia Nghĩa – Chơn Thành, dự án sẽ tạo không gian, động lực phát triển mới cho vùng Tây Nguyên và vùng Đông Nam Bộ; khai thác tiềm năng sử dụng đất, phát triển du lịch, công nghiệp chế biến, công nghiệp khai thác khoáng sản.
Cùng với đó, từng bước cơ cấu lại kinh tế vùng Tây Nguyên; góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh vùng Tây Nguyên, vùng Đông Nam Bộ.
Về quy mô xây dựng, phần đường gom dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến đường có bề rộng từ 5 - 7 m, tổng chiều dài khoảng 95 km, cụ thể, huyện Bù Đăng có chiều dài khoảng 40,3 km (trái tuyến 24 km, phải tuyến 16,28 km).
Huyện Đồng Phú có chiều dài khoảng 13 km (trái tuyến 6,5 km, phải tuyến 6,5 km), TP Đồng Xoài có chiều dài khoảng 20 km (trái tuyến: 9,8 km, phải tuyến khoảng 10 km) và thị xã Chơn Thành có chiều dài khoảng 22 km (trái tuyến 11 km, phải tuyến 11 km).
Dự án cũng sẽ xây dựng 23 công trình cầu vượt ngang có bề rộng từ 7 – 12 m tại vị trí các trục đường giao thông hiện hữu (huyện Bù Đăng có 9 cầu, huyện Đồng Phú có 4 cầu, TP Đồng Xoài có 5 cầu và thị xã Chơn Thành có 5 cầu).
Hướng tuyến của đường gom sẽ bố trí dọc theo tuyến cao tốc và nằm ngoài chân ta luy của cao tốc tối thiểu 3 m.
Về tiến độ, dự án dự kiến khởi công vào quý II/2025 - quý IV/2026. Thanh thải, hoàn thành dự án đến hết quý IV/2026. Thời gian thi công dự án dự kiến hai năm.
Tổng mức đầu tư đề nghị thẩm định, phê duyệt là 951 tỷ đông. Trong đó, chi phí xây dựng là hơn 814 tỷ đồng; chi phí quản lý dự án hơn 9 tỷ đồng; chi phí tư vấn xây dựng gần 33 tỷ đồng; chi phí khác hơn 6 tỷ đồng và chi phí dự phòng hơn 89 tỷ đồng.
Cao tốc Gia Nghĩa - Chơn Thành có chiều dài khoảng 129 km với 4 làn xe, vận tốc dự kiến 100 - 120 km/h, dự kiến khởi công ngày trong năm nay và cơ bản hoàn thành năm 2026, đưa vào khai thác, vận hành năm 2027.
Dự án được chia thành 5 dự án thành phần, trong đó tách riêng phần giải phóng mặt bằng. Nguồn bồi thường, hỗ trợ tái định cư và xây dựng đường gom, cầu vượt ngang đoạn qua tỉnh Đắk Nông và Bình Phước sẽ được thực hiện theo hình thức đầu tư công.
Còn dự án thành phần 1 được đầu tư theo phương thức xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), được áp dụng cơ chế bảo đảm đầu tư, chia sẻ phần giảm doanh thu theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư.
Sơ bộ tổng mức đầu tư của dự án là hơn 25.500 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương là hơn 10.500 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương hơn 2.200 tỷ đồng bao gồm Bình Phước là hơn 1.200 tỷ đồng, tỉnh Đắk Nông 1.000 tỷ đồng. Phần vốn của nhà đầu tư là hơn 12.700 tỷ đồng.
Dự kiến, 4 dự án thành phần do địa phương là cơ quan chủ quản (2 dự án thành phần đầu tư xây dựng đường gom, cầu vượt ngang và 2 dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư) sẽ khởi công vào cuối năm 2024.
Bên cạnh tuyến cao tốc này, kết nối vùng đoạn qua tỉnh Bình Phước còn có một tuyến cao tốc vừa được khởi công trong thời gian qua là cao tốc TP HCM - Chơn Thành, được khởi công vào ngày 14/12 vừa qua.
Đây là dự án cao tốc đầu tiên của tỉnh này với tổng mức đầu tư gần 1.500 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Trung ương khoảng 1.000 tỷ đồng, còn lại là ngân sách địa phương, dự kiến hoàn thành trong năm 2026.
Cao tốc TP HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành dài 69 km, trong đó đoạn qua Bình Dương khoảng 52 km (dự kiến khởi công đầu năm 2025); 7 km đi qua Bình Phước và hai km qua TP HCM. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 17.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện 2024 - 2027.
Quy hoạch 13:30 | 02/01/2025
Dự án 14:25 | 29/12/2024
Dự án 12:09 | 27/12/2024
Quy hoạch 09:43 | 25/12/2024
Dự án 16:02 | 24/12/2024
Chủ đầu tư 14:45 | 23/12/2024
Dự án 09:53 | 23/12/2024
Dự án 10:48 | 19/12/2024