Bình Thuận lập tổ công tác gỡ khó cho các dự án

Tổ công tác này do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ phó gồm các Phó Chủ tịch UBND tỉnh; ngoài ra còn có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và địa phương nơi có các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Một góc Bình Thuận. (Ảnh tư liệu: Khải An).

Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Tổ công tác).

Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ phó gồm các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Tổ công tác còn có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo Quyết định, Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, có nhiệm vụ tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến các dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh do các  sở, ban, ngành, địa phương đang thụ lý hồ sơ nhằm đẩy nhanh tiến độ giải quyết hồ sơ, đảm bảo đúng trình tự và thời gian.

Thực hiện rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

Tổ công tác còn có trách nhiệm rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

Yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương cung cấp thông tin, phối hợp thực hiện, cử cán bộ và giải quyết dứt điểm các vấn đề vướng mắc thuộc thẩm quyền của cơ quan đó; kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng,… của các dự án trong trường hợp vượt thẩm quyền giải quyết.

Luỹ đến đến nay, Bình Thuận đã thu hút 1.620 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 380.650 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD), trong đó có 121 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 7,55 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.

Hiện nay tỉnh có 1.121 dự án đã kinh doanh hoạt động (chiếm tỷ lệ gần 70%), 244 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 15%), còn lại 255 dự án chưa triển khai.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ tháng 6/2011 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận 77 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước có phần diện tích tại khu vực ven biển, bao gồm 56 dự án du lịch, 2 dự án khu dân cư và 19 dự án thủy sản.

Qua rà soát, 56 dự án du lịch ven biển với diện tích đất sử dụng hơn 1.039 ha (phần diện tích đất giáp biển 618 ha, chiếm 59%). Trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng và 23 dự án chưa triển khai hoạt động.

Giữa tháng 6 vừa qua, Bình Thuận đã có buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà và đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các dự án trên địa bàn tỉnh. 

Bình Thuận cho biết, tỉnh này chiếm đến 92% tổng trữ lượng titan của cả nước. Các khu vực chế biến titan và dự trữ titan của tỉnh đang tập trung nhiều hoạt động kinh tế, nhiều công trình hạ tầng giao thông quan trọng, là khu vực tiềm năng để thực hiện các dự án đô thị, du lịch, khu công nghiệp - thương mại - dịch vụ... Do đó nhiều dự án bị chồng lấn quy hoạch dẫn đến chậm triển khai.

chọn
ĐHĐCĐ Đạt Phương: Luật mới sẽ không tác động nhiều đến thị trường bất động sản, vụ Tập đoàn Thuận An không ảnh hưởng đến doanh nghiệp
Chủ tịch Đạt Phương cho biết, doanh nghiệp có liên danh với Tập đoàn Thuận An và nhiều nhà thầu khác tại hai dự án xây dựng. Về bản chất, mỗi nhà thầu độc lập với nhau, Đạt Phương ký hợp đồng độc lập với chủ đầu tư và khẳng định không liên quan gì đến Thuận An.