Bình Thuận gia hạn tiến độ cho 3 dự án du lịch

Các dự án này bao gồm khu du lịch Làng Tre La Gi, khu du lịch Thái Thịnh và khu du lịch sinh thái hồ Sông Lòng Sông.

Cuối tháng 6 vừa qua, UBND tỉnh Bình Thuận đã có các quyết định gia hạn tiến độ sử dụng đất với 3 dự án du lịch.

Cụ thể, tỉnh gia hạn thời gian 18 tháng đối với Dự án khu du lịch Làng Tre La Gi tại thôn Hiệp An, xã Tân Tiến, thị xã La Gi của Công ty TNHH Làng Tre - La Gi.

Gia hạn tiến độ sử dụng đất 18 tháng cho dự án khu du lịch Thái Thịnh tại phường Phú Hài, TP Phan Thiết của Công ty TNHH Du lịch Thái Thịnh.

Gia hạn tiến độ sử dụng đất 11 tháng đối với dự án khu du lịch sinh thái hồ Sông Lòng Sông tại xã Phong Phú, huyện Tuy Phong của Công ty TNHH Du lịch Hồng Vy.

Bình Thuận cho biết, nếu quá thời gian gia hạn mà chủ đầu tư các dự án không đưa đất vào sử dụng, không triển khai đầu tư thì sẽ thu hồi đất theo quy định.

Luỹ kế đến nay, Bình Thuận đã thu hút 1.620 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 380.650 tỷ đồng (hơn 16 tỷ USD), trong đó có 121 dự án FDI còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký là 7,55 tỷ USD, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực du lịch - dịch vụ, công nghiệp - xây dựng.

Hiện nay tỉnh có 1.121 dự án đã kinh doanh hoạt động (chiếm tỷ lệ gần 70%), 244 dự án đang triển khai xây dựng (chiếm 15%), còn lại 255 dự án chưa triển khai.

Báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, từ tháng 6/2011 đến nay, UBND tỉnh đã chấp thuận 77 dự án sử dụng vốn đầu tư ngoài ngân sách Nhà nước có phần diện tích tại khu vực ven biển, bao gồm 56 dự án du lịch, 2 dự án khu dân cư và 19 dự án thủy sản.

Qua rà soát, 56 dự án du lịch ven biển với diện tích đất sử dụng hơn 1.039 ha (phần diện tích đất giáp biển 618 ha, chiếm 59%). Trong đó, 25 dự án đã đi vào hoạt động, 8 dự án đang triển khai xây dựng và 23 dự án chưa triển khai hoạt động.

Riêng trên địa bàn TP Phan Thiết có 23 dự án, diện tích sử dụng đất hơn 324 ha (phần diện tích đất phía biển 119,77 ha, chiếm 37%); tập trung chủ yếu ở các phường Hàm Tiến, Mũi Né, Phú Hài và xã Tiến Thành, trong đó, có 14 dự án đã kinh doanh hoạt động, diện tích đất sử dụng 18 ha.

Bình Thuận đã lập tổ công tác gỡ khó cho các dự án

Để giải quyết vướng mắc cho các dự án đầu tư, mới đây Chủ tịch UBND tỉnh - Đoàn Anh Dũng vừa ký Quyết định thành lập Tổ công tác đặc biệt về tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Bình Thuận (gọi tắt là Tổ công tác).

Tổ công tác do Chủ tịch UBND tỉnh làm Tổ trưởng; Tổ phó gồm các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Ngoài ra còn có sự tham gia của lãnh đạo các sở, ngành và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố nơi có các dự án gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện.

Theo đó, Tổ công tác sẽ  rà soát các dự án đầu tư chậm triển khai do các vấn đề vướng mắc phát sinh để có phương án xử lý, tránh lãng phí nguồn lực đất đai, gây mất mỹ quan đô thị và an toàn công trình.

Đồng thời, rà soát nội dung bất cập, có sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định pháp luật có liên quan nhằm tháo gỡ vướng mắc chung cho các dự án để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng.

chọn
Hà Nam: Hai doanh nghiệp bắt tay làm khu công nghiệp 2.600 tỷ trên đường nối Vành đai 4 - Vành đai 5
KCN Thanh Bình II giai đoạn 1 có tổng vốn gần 2.700 tỷ, chủ đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Hạ tầng Khu công nghiệp Thanh Bình. Đây là doanh nghiệp được góp vốn bởi GMG Việt Nam và Việt Phát.