Hàng loạt địa phương từ bắc chí nam lần lượt vào cuộc 'phá băng' cho thị trường bất động sản

Trong bối cảnh thị trường khó hiện nay, bên cạnh sự vào cuộc của Chính phủ, các địa phương cũng lần lượt đưa ra những động thái gỡ vướng mắc cho từng dự án, từng phân khúc.

Sau giai đoạn bùng nổ và tăng trưởng nóng, từ năm 2022 đến nay, thị trường bất động sản (BĐS) rơi vào cảnh ảm đạm chưa từng thấy. Thanh khoản gần như đóng băng, sức khoẻ tài chính của các chủ đầu tư đi xuống khi phụ thuộc vào nguồn vốn huy động từ tín dụng, trái phiếu và khách hàng.

Quý đầu năm 2023, thị trường vẫn trầm lắng song đã có phần dễ thở hơn sau một số động thái hỗ trợ của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước. Theo dự báo của các chuyên gia, giai đoạn khó khăn của BĐS sẽ còn kéo dài sang 2024 và 2025, bởi các chính sách tháo gỡ cho thị trường sẽ chưa thể hiệu quả ngay lập tức.

Trong bối cảnh thị trường khó, Chính phủ đã vào cuộc. Hồi tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký ban hành công điện về tháo gỡ và thúc đẩy thị trường BĐS. Các địa phương cũng lần lượt đưa ra những động thái gỡ vướng mắc cho từng dự án, từng phân khúc.

(Ảnh minh họa: Hải Quân)

Gỡ vướng đến từng dự án

TP HCM là địa phương đi đầu trong việc gỡ vướng cho thị trường. Hồi tháng 2, thành phố đã tổ chức họp với 18 doanh nghiệp bất động sản đang gặp nhiều vướng mắc; đến chiều ngày 20/2 làm việc với 6 doanh nghiệp về 7 dự án; ngày 1/3, TP HCM tiếp tục nghe báo cáo chuyên đề đất đai, bất động sản nhà ở xã hội.

Nhìn chung, TP HCM đã vào cuộc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tại 156 dự án BĐS của 121 nhà đầu tư trên địa bàn. Kết quả ban đầu, thành phố đã cho phép 5 tập đoàn, doanh nghiệp chủ đầu tư của 5 dự án (trong đó có 1 tập đoàn nước ngoài) được huy động vốn 50% số lượng sản phẩm nhà ở hình thành trong tương lai, tương đương với 5.432 căn hộ để hỗ trợ cho các doanh nghiệp này vượt qua khó khăn.

Giáp ranh TP HCM, Đồng Nai cũng là địa phương có nhiều dự án gặp vướng mắc về pháp lý. Đầu  tháng 5, tỉnh này đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo đề xuất xử lý một số nội dung vướng mắc tại các dự án BĐS nhà ở của DonaCoop, Nam Long, Novaland, Hưng Thịnh và DIC Group, nằm tại TP Biên Hòa và huyện Nhơn Trạch. 

Cũng trong tháng 5, Bình Dương đã ban hành Chỉ thị số 10 về việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh. Trước đó vào tháng 2, tỉnh này đã thành lập Tổ chỉ đạo giải quyết khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện dự án bất động sản.

Tại Bà Rịa - Vũng Tàu, ngày 17/5 tỉnh này đã thành lập Tổ công tác đặc biệt với 10 thành viên, gồm Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Thọ và lãnh đạo các Sở, ban, ngành... liên quan, nhằm thực hiện nhiệm vụ rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc trong quá triển khai thực hiện các dự án. 

Sang tháng 6, Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục có văn bản gửi các sở và địa phương về việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản, nhà ở trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh giao Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp tổng hợp các khó khăn, vướng mắc của các dự án nhà ở thương mại, nhà ở xã hội và các dự án kinh doanh BĐS, đề xuất giải pháp tháo gỡ, báo cáo UBND tỉnh trước ngày 25/6.   

Bình Thuận đang tập trung rất nhiều dự án chậm triển khai do vướng mắc về chồng lấn Quy hoạch phân vùng, thăm dò, khai thác, chế biến sử dụng quặng titan. Trước tình hình này, địa phương đã có đề xuất lên Chính phủ.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà mới đây đã cho biết sẽ có buổi làm việc với các bộ, ngành để xem xét và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc mà tỉnh Bình Thuận đang gặp phải thời gian qua.

Riêng tại dự án Tổ hợp Khu du lịch Thung lũng Đại Dương (NovaWorld Phan Thiet), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đã chỉ ra một số tồn tại, vướng mắc trong quá trình triển khai dự án và đưa ra một số giải pháp cụ thể để tỉnh Bình Thuận, nhà đầu tư khắc phục theo hướng bảo đảm đúng quy định pháp luật…

Ngày 31/5, TP Cần Thơ đã giao các sở ngành, UBND quận, huyện chủ động tổ chức đối thoại, làm việc trực tiếp với doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án, ghi nhận các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong triển khai thực hiện dự án, kịp thời tháo gỡ các vấn đề thuộc thẩm quyền.

Đầu tháng 6 vừa qua, Đồng Tháp đã tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại với một số doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án BĐS đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, đồng thời cam kết chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tháo gỡ các vướng mắc theo thẩm quyền.  

Tại Bắc Ninh, tỉnh này cũng vừa giao Sở Xây dựng rà soát, thống kê số lượng các dự án đang triển khai; phân loại những dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc; chủ động làm việc trực tiếp với từng doanh nghiệp, dự án có vướng mắc hoặc triển khai chậm để xác định rõ nguyên nhân, kịp thời tháo gỡ ngay các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền.

Dồn lực bổ sung nguồn cung cho NOXH

Ở khu vực phía bắc, các địa phương lại tập trung đưa ra những giải pháp, chính sách để hỗ trợ cho phân khúc nhà ở xã hội.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 4/2023, TP Hà Nội chỉ có 4 dự án NOXH hoàn thành với khoảng 5.300 căn hộ. Trước bối cảnh thiếu hụt nguồn cung, TP Hà Nội đã giao cơ quan chuyên ngành lập hồ sơ đề xuất chủ trương đầu tư với hai dự án xây dựng khu NOXH tập trung tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh.

Đồng thời, xem xét ba dự án còn lại tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm; lô đất CT1-5 thuộc Quy hoạch phân khu đô thị S5 (thuộc các xã Ngọc Hồi, Đại Áng, Liên Ninh, huyện Thanh Trì và xã Khánh Hà, huyện Thường Tín); và tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh. Dự kiến, 5 dự án khi hoàn thành sẽ bổ sung khoảng 2,5 triệu m2 sàn vào quỹ NOXH của thành phố.

Tại Hải Phòng, đến nay thành phố đã chuẩn bị để có thể phát triển gần 47.000 căn NOXH, vượt xa so với chỉ tiêu mà Thủ tướng Chính phủ giao cho Hải Phòng đến năm 2025 và 2030. Hải Phòng cũng cho biết đang hạn chế dần các dự án nhỏ và dần chuyển sang mô hình dự án NOXH với quy mô lớn. 

Nghệ An, ngày 13/6, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng tập trung rà soát, thẩm định, trình phê duyệt/phê duyệt điều chỉnh bổ sung các đồ án quy hoạch xây dựng có tính chất khung, định hướng. đảm bảo quỹ đất cho nhu cầu phát triển NOXH, nhà ở công nhân.

Ngoài ra, tổ chức rà soát, tổng hợp các dự án nhà ở thương mại mà chưa bố trí quỹ đất dành để phát triển NOXH theo quy định của pháp luật, tham mưu UBND tỉnh báo cáo Thủ tướng Chính phủ...

chọn
Hình ảnh đường song hành Vành đai 4 dần thành hình đoạn qua Vinhomes Đan Phượng
Đường song hành Vành đai 4 – vùng Thủ đô đi qua huyện Đan Phượng với chiều dài 6 km, nhiều đoạn đã thảm nhựa, trong đó có đoạn đầu cầu Hồng Hà.