Liệu ta có thể thật sự thấu hiểu và thấu cảm người khác? Có tới gần 80% người dùng mạng xã hội là nạn nhân của phát ngôn gây thù ghét. Chúng ta phán xét, chỉ trích người khác; và chính chúng ta cũng là người phải chịu sự phán xét, chỉ trích đó.
Mỗi chúng ta đều là người trong cuộc và người ngoài cuộc trong chính xã hội này! Tại sao không dừng lại một chút, ướm thử và bước đi trong đôi giày của người khác, từng người từng người một. 1 bước, 1 nghìn bước, 1 vạn bước,… thế giới nhỏ và hẹp của bạn sẽ càng được nới rộng ra, con mắt bạn sẽ càng nhìn mọi thứ nhiều chiều hơn. Hãy thấu hiểu và thấu cảm người khác để làm sâu sắc chính mình! Hãy cùng nhau lan toả sự thấu cảm này từ mỗi cá nhân đến toàn thể xã hội, mà bạn là một phần trong đó!
Bộ ảnh 'Nói cho sướng mồm' đã nhận được hơn 7 nghìn lượt like và gần 11 nghìn lượt chia sẻ trên mạng xã hội. |
Dưới đây là những câu chuyện về sự tàn khốc trong lời nói, ai trong chúng ta ít nhất sẽ gặp 1 lần trong đời. Sau khi đọc xong những câu chuyện này, liệu bản thân mỗi người sẽ thấy mình vừa là nạn nhân, nhưng đôi khi mình cũng chính là thủ phạm?
Tôi mặc váy ngắn, họ bảo tôi đua đòi.
Tôi mặc áo trễ vai, áo hai dây, họ bảo tôi đua đòi.
Tôi ra ngoài quá 9h tối, họ cười và nói rằng tôi đang “tìm thứ gì đó phải không em?”
"Một đứa con gái ngoan sẽ không ra đường vào 9h tối. Nó phải chịu nhiều trách nhiệm vì bị hiếp hơn là thằng con trai."
"Khi bị hiếp, tốt nhất cô ta không nên chống trả"
“Đã đi muộn lại còn uống say, giờ còn đổ tại ai?”
Tôi không thể hiểu nổi sự thấu cảm với thủ phạm, đi cùng một lối suy nghĩ độc ác, thiếu công bằng và thiếu đạo đức với nạn nhân. Chuyện gì đang xảy ra khi một cô gái bị hiếp dâm - hiển nhiên cần được nhận sự thông cảm từ xã hội, lại bị chính xã hội quay lưng và chất vấn? Chuyện gì đang xảy ra, khi lẽ ra những chỉ trích phải hướng về phía kẻ hiếp dâm, nay lại chĩa thẳng vào nạn nhân với hàng tá những lý do, những công kích về cách hành xử, về ăn mặc hay giờ giấc của họ?
Thay vì dạy phụ nữ cách bảo vệ bản thân, tại sao không dạy đàn ông không được hiếp dâm?
"Cái loại người như chị thì làm được cái gì?"
Thời đi học, tôi hay bị thầy cô giáo mắng như thế khi không hiểu được hay giải được bài toán, không viết đúng “ý” bài văn. “Cái loại như chị thì làm sao đỗ Đại học được?”
“Chị là con người hay con vật mà sao ngu thế?”
“Khổ thân bố mẹ chị có một đứa con như chị” Đó là những câu nói mà thầy cô giáo hay nói với tôi. Chưa dừng lại ở đó, tôi còn bị bêu rếu trước lớp là “học dốt”, “đần độn”, “ngu si” trước mặt các bạn. Thậm chí hồi cấp 1, tôi còn bị quật thước kẻ vuông vào tay vì viết chữ xấu. Tôi cảm thấy mình kém cỏi đến cùng cực.
"Con nhà người ta học thì giỏi, việc nhà thì chăm, còn mày vừa dốt lại vừa lười!"
Ý của bố mẹ tôi là cái đứa lớp trưởng ý! Nó lúc nào cũng giơ tay lên bảng, thế là thành học trò cưng của cô giáo. Còn tôi chỉ cắm cúi xuống bàn không dám giơ tay vì sợ sai. Lần nào trả bài kiểm tra, bố mẹ tôi sau khi hỏi điểm tôi thì cũng hỏi “Thế lớp trưởng được mấy điểm?”
Nghe xong, mẹ tôi điên hết cả người lên, mẹ tôi lại lôi cái thằng “con nhà người ta” “lớp trưởng” đấy rồi dí tay vào đầu tôi “Con nhà người ta được gửi điểm giỏi về, bố mẹ nó mát lòng rười rượi. Con nhà mình thì ăn hại không để đâu cho hết!” Ơ thế sao bố mẹ không đổi con lấy nó đi!
Tôi không hiểu. Tại sao bọn nó phải làm thế ?
Bọn nó nói những câu nói gây tổn thương đấy thì được gì mà cứ phải nói như vậy. Tại sao cứ phải NÓI CHO SƯỚNG MỒM những câu vô thưởng vô phạt như vậy? Bắt nạt người khác vui lắm hay sao? Hành hạ làm người ta khổ sở, mệt mỏi vui lắm hay sao? Rốt cuộc, bọn nó muốn gì ở tôi?
"Sao béo thế mà cũng đòi mặc váy à?"
Tôi cũng không biết nữa, béo thế này, chân to thế này thì phải mặc gì? Tôi hay lén mua những cái váy đẹp về, nhưng chỉ dám mặc trong phòng thôi. Cơ mà mỗi lần mặc vào là thấy mình xinh lắm! Cảm thấy mình đúng là con gái! Rồi tự nhiên nghĩ đến khi bị chê bắp tay to, chân to, bụng béo, tôi cảm thấy tồi tệ lắm, tôi nghĩ mình vừa xấu vừa béo ú chẳng khác gì con lợn, nên tôi mặc đồ màu đen để trông “gầy hơn”. Lần nào cũng thế, lấy váy ra, mặc xong, lại ngậm ngùi cất vào tủ vì sợ bị chê cười. Ô thế béo thì không được mặc váy à?
Những lời lẽ đó không bao giờ dứt.
Bạn tôi nói: “Nếu có nhiều người nói về mày như vậy, thì mày nên nhìn nhận lại bản thân mày”
Phải rồi, nếu tôi xinh đẹp, giỏi giang hơn một chút, họ đã chẳng nói vậy.
Nhưng tôi đâu có đụng đến họ? Việc tôi như nào đâu có ảnh hưởng đến tiền ăn sáng của họ? Tôi đã làm gì sai?
Bọn họ rất ác mồm ác miệng. Tôi không thể nào quên các biệt danh chúng gán cho tôi hoặc những lời mà chúng nói. Chúng làm tôi cảm thấy mình thừa thãi và vô tích sự. Thà bị đánh bầm mắt còn hơn bị đối xử như vậy. Tôi càng đáp trả, bọn chúng càng hăng hơn. Tôi càng cố giải thích, bọn chúng càng vẽ lên một “sự thật” đầy giả dối về mình.
Tôi kiệt sức khi phải đáp trả chúng. Cảm giác này bí bách như thể bạn đang chết chìm trong đống câu từ chửi rủa, chỉ trích của bọn chúng.
Một số bình luận mang tính chia sẻ của cư dân mạng. (Ảnh: chụp màn hình FB) |
Từ bộ ảnh "Nói cho sướng mồm", tổ chức Thúc đẩy Bình đẳng giới Việt Nam VOGE muốn chia sẻ thông điệp: Hãy thấu cảm!