Theo Bộ Công thương, danh mục các dự án, nhà máy có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường gồm: Tập đoàn Điện lực Việt Nam có Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 1, Vĩnh Tân 2, Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 Mở rộng, Duyên Hải 1, Duyên Hải 3, Duyên Hải 3 mở rộng; Công ty Cổ phần nhiệt điện Quảng Ninh.
Tập đoàn Dầu khí Việt Nam có Nhà máy điện Vũng Áng 1 - Công ty điện lực dầu khí Hà Tĩnh, Nhà máy nhiệt điện Long Phú 1, Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1, Liên Hiệp lọc hóa dầu Nghi Sơn, Dự án Nhà máy xử lý khí Cà Mau.
Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam có dự án Alumin Nhân Cơ - Đắc Nông, Công ty Nhôm Lâm Đồng, Dự án mỏ sắt Thạch Khê và Dự án khai thác và chế biến đồng Sin Quyền.
Tập đoàn Hóa chất Việt Nam có Công ty DAP số 1, Công ty DAP số 2, Công ty cổ phần Supe Phốt phát và Hóa chất Lâm Thao, các nhà máy sản xuất Photpho và hóa chất thuộc Khu công nghiệp Tằng Loỏng Lào Cai và Công ty Phân đạm Ninh Bình.
Tổng công ty Thép Việt Nam có Công ty Cổ phần gang thép Thái Nguyên - TISCO.
Tập đoàn Dệt may Việt Nam có Khu công nghiệp dệt may Phố Nối Vinatex, Tổng công ty may Việt Thắng và Tổng công ty Giấy Việt Nam có Nhà máy giấy Bãi Bằng.
Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 2 nằm trong danh sách khuyến cáo có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường của Bộ Công thương. |
Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh yêu cầu đối với cơ quan quản lý thuộc Bộ thì Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp: Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị trong Bộ tổ chức theo dõi, đôn đốc và kiểm tra việc chấp hành pháp luật và chính sách của Nhà nước về bảo vệ môi trường trong ngành công thương; Trên cơ sở theo dõi, đôn đốc và kiểm tra, báo cáo đề xuất lãnh đạo Bộ về những dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao hoặc tồn tại các vấn đề trong chấp hành pháp luật và chính sách của nhà nước về bảo vệ môi trường cần có sự giám sát đặc biệt và các chỉ đạo xử lý triệt để và kiên quyết của lãnh đạo Bộ.
Trước mắt đầu mối chủ trì phối hợp các đơn vị trong Bộ Công thương và với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức các hoạt động giám sát đặc biệt với các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường hoặc có những tồn tại trong chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đảm bảo giải quyết dứt điểm, hiệu quả các tồn tại cũng như chấp hành nghiêm túc, đầy đủ pháp luật Nhà nước về bảo vệ môi trường trong giai đoạn 2016-2017; Phối hợp và hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị chức năng thuộc Bộ tập trung đảm bảo và nâng cao chất lượng của công tác thẩm định các hạng mục bảo vệ môi trường trong thiết kế cơ sở dự án, nhất là các dự án đầu tư có nguy cơ ô nhiễm môi trường cao; Xây dựng, trình Bộ trưởng phê duyệt danh mục và xây dựng kế hoạch thực hiện kiểm tra, giám sát các dự án cần kiểm tra, giám sát đặc biệt về môi trường của năm tiếp theo trước ngày 31 tháng 12 hằng năm.
Đối với các Tổng cục, Cục, Vụ thuộc Bộ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh yêu cầu phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp hoặc các cơ quan quản lý chuyên ngành của Nhà nước về môi trường rà soát, đánh giá công nghệ sản xuất trong các lĩnh vực sản xuất nhiệt điện, hóa chất, khai thác, chế biến khoáng sản, dệt may để phối hợp xây dựng và hoàn thiện các quy chuẩn, tiêu chuẩn ngành, đảm bảo yêu cầu phát triển bền vững. Phát hiện, đánh giá các nguy cơ, rủi ro về môi trường đối với các dự án đầu tư, các nhà máy hiện có và phối hợp với Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp kiểm tra, giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các dự án đầu tư trong giai đoạn xây dựng.
Tổng cục Năng lượng phối hợp với Bộ Tài nguyên Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam tổ chức rà soát, đánh giá tổng thể tác động môi trường toàn bộTrung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải trong năm 2017 và triển khai tiếp với các trung tâm điện lực lớn (có từ hai nhà máy điện trở lên); Kiểm tra, giám sát việc thực hiện đầu tư các dự án nhiệt điện và đảm bảo môi trường, rà soát các hạng mục công trình môi trường theo đúng báo cáo đánh giá tác động môi trường được phê duyệt; Tổ chức các hội thảo, tuyên truyền thường xuyên và kịp thời về chiến lược phát triển bền vững năng lượng của Việt Nam, các Tổng sơ đồ phát triển năng lượng và các biện pháp, giải pháp bảo đảm bảo vệ môi trường trong phát triển năng lượng, cung cấp điện và công tác bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện đối với người dân và xã hội.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định, sẽ kiên quyết từ chối đầu tư các dự án có công nghệ tiềm ẩn các nguy cơ ảnh hưởng đến môi trường, từng bước đổi mới, cải tiến công nghệ đối với các nhà máy hiện có để giảm phát thải, cải thiện môi trường.
Riêng đối với các chủ đầu tư dự án nhiệt điện than, Bộ trưởng Công thương yêu cầu xây dựng và thực hiện quy trình thải tro xỉ nhà máy, yêu cầu đảm bảo không phát tán tro xỉ ra môi trường; khẩn trương hoàn thành đàm phán và ký hợp đồng tiêu thụ tro xỉ các Nhà máy nhiệt điện, đặc biệt là các Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 1, Vĩnh Tân 2, Vũng Áng trong năm 2016. Hoàn thiện hệ thống quan trắc tự động các thông số phát thải của nhà máy nhiệt điện thuộc các Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, Duyên Hải, kết nối đến đơn vị chức năng của địa phương theo quy định trong quý IV năm 2016. Kiểm tra nồng độ phát thải, thực hiện các giải pháp cần thiết để đáp ứng Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về khí thải công nghiệp nhiệt điện (QCVN 22:2009/BTNMT), báo cáo Bộ Công Thương kế hoạch thực hiện trong tháng 12-2016;
Bộ trưởng Công thương cũng yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam phối hợp Tổng cục Năng lượng tập trung tuyên truyền, phổ biến về công nghệ và giải pháp bảo vệ môi trường của các nhà máy nhiệt điện than.
Theo THÁI AN