Bộ Công Thương nhận định: Sẽ không xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến dịp Tết |
Báo cáo vừa công bố của Bộ Công Thương cho biết, dịp Tết Nguyên đán năm nay rơi vào tháng 2 nên các thương nhân, doanh nghiệp trong nước đang tích trữ nguồn hàng để phục vụ thị trường Tết.
Theo đó, hoạt động bán lẻ và kinh doanh dịch vụ trong tháng giáp Tết Nguyên đán diễn ra sôi động, nhu cầu mua sắm của người dân tăng. Các doanh nghiệp và hệ thống siêu thị đã chủ động dự trữ hàng hóa, nguyên liệu nhằm đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Mậu Tuất.
Nhờ đó, tạo sự ổn định về cung cầu hàng hóa, giá cả các mặt hàng tương đối ổn định, không xuất hiện tình trạng tăng giá đột biến, đảm bảo nguồn hàng hóa phục vụ nhu cầu nhân dân trong dịp Tết.
Đặc biệt, các hàng hóa phục vụ Tết như hoa cây cảnh, trái cây, bánh mứt kẹo, đồ uống cũng không có biến động lớn so với cùng kỳ năm trước, nguồn cung ngày càng phong phú, đáp ứng tốt nhu cầu của người dân.
Báo cáo cũng khẳng định trên thị trường, hàng Việt Nam ngày càng chiếm ưu thế với chất lượng khá tốt và giá cả hợp lý, được người tiêu dùng ưu tiên lựa chọn.
Cũng theo Bộ Công Thương, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ xã hội tháng 1 tăng cao do nhu cầu mua sắm chuẩn bị Tết của người dân vào dịp này tăng, ước tháng 1 đạt 361,073 nghìn tỷ đồng, tăng 3% so với tháng trước và tăng 9,5% so với cùng kỳ năm 2017, nếu loại trừ yếu tố giá tăng 8,38%.
Trong đó: doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 272 nghìn tỷ đồng, tăng 8,3% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 75,3%; lưu trú, ăn uống ước đạt 45,09 nghìn tỷ đồng, tăng 14,7%, chiếm tỷ trọng 12,5%; du lịch ước đạt 3,9 nghìn tỷ đồng, tăng 39,3%, chiếm tỷ trọng 1,1%; dịch vụ đạt 40 nghìn tỷ đồng, tăng 9,9%, chiếm tỷ trọng 11,1%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng khá so với cùng kỳ năm trước do lượng khách quốc tế và du lịch trong nước tăng cao, đồng thời dịch vụ ăn uống ngoài gia đình có xu hướng tăng trong những ngày đầu năm mới.