Tại buổi sinh hoạt báo chí chuyên đề: Hiệp định RCEP: Cơ hội và thách thức, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Đa biên của Bộ Công Thương cho biết khi Hiệp định RCEP đi vào hiệu lực sẽ làm gia tăng sức ép cạnh tranh do đặc điểm các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều điểm tương đồng.
Thậm chí nhiều nước có năng lực cạnh tranh mạnh hơn Việt Nam trong khi chất lượng và hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm của Việt Nam còn khiêm tốn.
Tuy nhiên trên thực tế, Hiệp định RCEP về cơ bản là một khuôn khổ mang tính kết nối các cam kết hiện hành của ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trong một Hiệp định FTA theo hướng tạo thuận lợi cho thương mại và đầu tư hơn .
Do đó, về cơ bản Hiệp định RCEP sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường cao hơn đối với Việt Nam hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Đồng thời, với các công cụ phòng vệ thương mại trong khuôn khổ RCEP và WTO, Bộ Công Thương sẽ theo dõi sát sao tình hình xuất nhập khẩu sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực để có biện pháp phòng vệ phù hợp trong những trường hợp hàng hóa nhập khẩu cạnh tranh không công bằng, gây thiệt hại đáng kể để bảo vệ đến sản xuất trong nước.
Ông Thái cho rằng việc cần làm để tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam cũng như cải thiện vị trí trong chuỗi giá trị khu vực là tăng cường nội lực cho doanh nghiệp.
Theo đó, bên cạnh các giải pháp đồng bộ từ Chính phủ, Bộ, ngành và các địa phương, các doanh nghiệp, hiệp hội cần chủ động và tích cực tìm hiểu thông tin về các Hiệp định FTA để nắm vững cam kết của Việt Nam và các thị trường đối tác quan tâm.
Doanh nghiệp trong nước cũng cần chủ động thay đổi tư duy kinh doanh trong bối cảnh mới, chuyển sức ép về cạnh tranh thành động lực để tự đổi mới và phát triển, nâng cao chất lượng sản phẩm để có lợi thế cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà còn ở thị trường quốc tế.
Tại cuộc gặp mặt báo chí diễn ra trước đó (15/11), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN.
Bên cạnh đó, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp lí trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quiết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.
"Việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.
Bộ trưởng nhận định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA.
Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 qui tắc xuất xứ thay vì 5 bộ qui tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây.
Tương tự, các qui tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.
"Vì vậy, chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai tác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.
Ông Lương Hoàng Thái cho biết Hiệp định RCEP sẽ mở ra một thị trường lớn với qui mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới bao gồm 15 nước với trình độ phát triển kinh tế khác biệt.
Sự chênh lệch về kinh tế như vậy đã dẫn quá trình đàm phán phải trải qua nhiều thời điểm hết sức khó khăn nhưng với việc kết thúc đàm phán và kí thành công Hiệp định, các nước tham gia Hiệp định RCEP đã tìm ra các giải pháp sáng tạo và linh hoạt để có thể vừa đảm bảo lợi ích riêng của từng nước đồng thời tăng cường hợp tác kinh tế khu vực.
Hiệp định RCEP được xây dựng phù hợp với trình độ phát triển của tất cả các nước tham gia, đặc biệt là phù hợp với cả một số nước ASEAN vẫn còn là nước kém phát triển.
Các nghĩa vụ mới so với các FTA truyền thống trước đây của ASEAN như mua sắm của chính phủ cũng dừng ở mức hợp tác, không cam kết về mở cửa thị trường.
"Do đó, Hiệp định RCEP không gây ra nhiều khó khăn cho các nước kém phát triển hơn trong quá trình thực thi Hiệp định", ông Thái khẳng định.