Rủi ro nhập siêu sẽ cao sau khi Việt Nam tham gia RCEP?

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho rằng việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam. Bộ trưởng nhận định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA.

Thêm một cơ hội giảm thuế cho hàng hóa xuất khẩu

Theo Bộ Công Thương, ngày 15/11, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã chính thức được kí kết.

RCEP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) với sự tham gia của 10 quốc gia thành viên của ASEAN, gồm Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan và 5 đối tác của khối này là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.

RCEP khi được thực thi, sẽ tạo nên một thị trường lớn với qui mô 2,2 tỉ người tiêu dùng, chiếm khoảng 30% dân số thế giới, với GDP xấp xỉ 26.200 tỉ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu và sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất trên thế giới.

Tại cuộc gặp mặt báo chí trưa ngày 15/11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhận định Hiệp định RCEP sẽ giúp thiết lập thị trường xuất khẩu ổn định lâu dài cho Việt Nam và các nước ASEAN. 

Rủi ro nhập siêu sẽ cao sau khi tham gia RCEP? - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh. (Ảnh: Đức Quỳnh).

Trước tình hình thế giới đầy biến động gây ra những xáo trộn về chuỗi cung ứng trong những năm gần đây, việc hình thành một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới theo Hiệp định RCEP sẽ tạo ra một thị trường xuất khẩu ổn định dài hạn cho Việt Nam.

Bên cạnh đó, việc thực hiện Hiệp định RCEP sẽ tạo nên một khuôn khổ ràng buộc pháp trong khu vực về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử, giải quiết tranh chấp..., góp phần tạo nên môi trường thương mại công bằng trong khu vực.

Rủi ro nhập siêu sẽ cao?

Trao đổi với người viết, Tiến sĩ Lê Đăng Doanh nguyên là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương nhận định RCEP là bước tiến quan trọng để các nước  ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Australia hợp tác kinh tế, giảm thuế, tạo điều kiện cho các sản phẩm của Việt Nam đi vào các thị trường này thuận lợi hơn. 

Mặt khác, ông Doanh cho rằng hiệp định này đặt ra thách thức nghiêm khắc với thị trường trong nước bởi vì sản phẩm của các nước khác cũng sẽ vào Việt Nam và được giảm thuế như vậy. 

"Sản phẩm của họ rẻ thì người tiêu dùng được hưởng lợi nhưng với những người sản xuất, kinh doanh lại chịu áp lực cạnh tranh lớn. Rất mong chính phủ cắt giảm các giấy phép con, đẩy mạnh việc chuyển sang sử dụng nền kinh tế số thì chúng ta có thể cạnh tranh được", ông Doanh nhận định 

Theo ông Doanh đây là cơ hội lớn nhưng cũng là thách thức rất lớn. Hàng hóa rẻ, thuế giảm, do đó rủi ro nhập siêu lớn. Trong khi đó, năng lực cạnh tranh của Việt Nam hiện chỉ hơn Myanmar, Lào, Campuchia. 

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Công Thương trong suốt quá trình đàm phán RCEP, Bộ đã tham vấn chặt chẽ các bộ ngành liên quan và doanh nghiệp nhằm đạt được mục tiêu kết quả đàm phán phải đảm bảo lợi ích cao nhất của Việt Nam.

Thực tế, Việt Nam đã tham gia với các nước ASEAN và 5 nước đối tác trong RCEP theo các hiệp định FTA giữa nội khối ASEAN, cụ thể là hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), và các FTA giữa ASEAN với từng đối tác trong số 5 đối tác trên (gọi là các hiệp định FTA ASEAN 1). 

Vì vậy, quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua và với 5 nước đối tác trên là trong vòng khoảng 15 năm qua. 

"Việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam", Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhận định.

Bộ trưởng nhận định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. 

Ví dụ, doanh nghiệp sẽ chỉ phải sử dụng 1 qui tắc xuất xứ thay vì 5 bộ qui tắc xuất xứ riêng ở các FTA trước đây. 

Tương tự, các qui tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ.

"Vì vậy, chúng ta không quá lo ngại về khả năng tăng nhập siêu. Không những thế, các doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ nên sẽ có nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới do Hiệp định RCEP tạo ra nếu có thể khai tác triệt để lợi ích do Hiệp định này mang lại" Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nói.

Theo ông Doanh, đây là dịp để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh liên kết với nhau và sẽ tạo năng lực cạnh tranh mới. 

Cơ hội tăng nhưng đồng nghĩa áp lực cạnh tranh cũng lớn. Vấn đề là ai là người tận dụng tốt các cơ hội này người đó sẽ thắng.

chọn
Ông lớn bất động sản Thái Bình sắp làm khu công nghiệp đầu tay ở Hà Tĩnh
Dragon Group được biết đến là hệ sinh thái đa ngành sở hữu nhiều dự án bất động sản lớn ở Thái Bình. Sắp tới, doanh nghiệp này sẽ đầu tư thêm KCN Gia Lách mở rộng 194 ha tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh.