Bộ GTVT lên phương án xử lí xe ngắt thiết bị giám sát hành trình

Để xử lý triệt để tình trạng lái xe ngắt thiết bị giám sát hành trình, trong thời gian tới Bộ GTVT sẽ giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu thí điểm lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng về ATGT trên hệ thống quốc lộ và tại các đô thị để đối soát dữ liệu với hệ thống giám sát hành trình xe ô tô.
Bộ GTVT lên phương án xử lí xe ngắt thiết bị giám sát hành trình - Ảnh 1.

Cơ quan chức năng kiểm tra thiết bị giám sát hành trình trên ô tô. (Ảnh minh họa: Báo Đồng Nai).

Gần 30% phương tiện không truyền dữ liệu giám sát hành trình

Thời gian gần đây, trên cả nước xảy ra một số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng. Đáng chú ý như vụ xe tải gây tai nạn ở Hải Dương khiến 16 người thương vong nhưng chiếc xe này không truyền dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Theo Bộ GTVT, hiện Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang sử dụng hệ thống phần mềm Công ty CP Hanel xây dựng để tiếp nhận và xử lí dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô.

Hệ thống giám sát hành trình này có chức năng giám sát trực tuyến trên nền bản đồ số (giám sát trực tuyến các phương tiện đang hoạt động; các phương tiện đang dừng; kiểm tra, theo dõi được các phương tiện không có dữ liệu (không truyền dữ liệu); chức năng giám sát các phương tiện quá tốc độ...).

Hệ thống cũng có các báo cáo tổng hợp và báo cáo chi tiết các trường hợp vi phạm tốc độ, vi phạm thời gian lái xe liên tục, thống kê phương tiện không truyền dữ liệu, thống kê số lượng bản tin đã tiếp nhận của từng phương tiện.

Theo Bộ GTVT, hiện việc truyền dữ liệu từ thiết bị giám sát hành trình xe ô tô về máy chủ của nhà cung cấp phụ thuộc hoàn toàn vào sóng điện thoại di động, chất lượng của sóng di động phụ thuộc vào nhiều yếu tố địa hình, thời tiết và khả năng duy trì hoạt động của nhà mạng.

"Vì vậy, nhiều phương tiện đang hoạt động sẽ bị mất sóng và phải truyền lại dữ liệu khi có sóng di động trở lại", Bộ GTVT cho hay.

Được biết, để giải quyết vấn đề này, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã bố trí kênh truyền lại dữ liệu riêng để tiếp nhận đầy đủ dữ liệu của các phương tiện khi gặp sự cố truyền dữ liệu.

"Trong thời gian từ tháng 9/2018 đến nay do hệ thống vẫn đang bị quá tải nên chức năng tổng hợp dữ liệu vi phạm hàng tháng để phục vụ công tác xử lý vi phạm của các Sở GTVT chưa được thực hiện xong", Bộ GTVT thông tin.

Bộ GTVT cũng cho biết hiện các đơn vị kinh doanh vận tải đều có tài khoản truy cập vào phần mềm giám sát trực tuyến do các đơn vị cung cấp thiết bị hoặc cung cấp dịch vụ xây dựng để khai thác sử dụng, giám sát và theo dõi các phương tiện thuộc đơn vị mình.

Tuy nhiên, tại các hợp tác xã kinh doanh vận tải việc khai thác sử dụng, giám sát và theo dõi các phương tiện thuộc đơn vị mình gặp nhiều khó khăn do đa số các phương tiện thuộc từng thành viên hợp tác xã lắp đặt thiết bị của nhiều đơn vị cung cấp khác nhau. Điều này dẫn đến việc không thể có đủ nhân lực và thời gian truy cập vào tài khoản của tất cả các phương tiện để theo dõi, giám sát hàng ngày.

Hiện nay, theo quy định tại QCVN 31:2014/BGTVT, thiết bị giám sát hành trình xe ô tô phải có chức năng cảnh báo cho lái xe (cảnh báo bằng còi) khi lái xe điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ hoặc khi thời gian lái xe liên tục quá 4 giờ.

"Nhiều đơn vị kinh doanh vận tải thực hiện điều hành tập trung có bố trí bộ phận theo dõi thường xuyên các phương tiện thuộc đơn vị mình trên phần mềm giám sát trực tuyến của đơn vị để đưa ra cảnh báo kịp thời đối với các trường hợp lái xe chạy quá tốc độ, chạy sai hành trình hoặc lái xe liên tục quá 4 giờ", Bộ GTVT cho biết.

Cũng theo Bộ này, hàng tháng bình quân có từ 72-75% tổng số phương tiện truyền dữ liệu về hệ thống của Tổng cục Đường bộ, tỉ lệ xe không truyền dữ liệu bình quân là 25 - 28%.

Trong khi đó, đơn vị này cho biết, tổng số phương tiện hiện có trên hệ thống tính đến ngày 28/01/2019 là 1.077.000 xe.

Bộ GTVT lên phương án xử lí xe ngắt thiết bị giám sát hành trình - Ảnh 2.

Chiếc xe tải gây tai nạn ở Hải Dương không truyền dữ liệu giám sát hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Lắp camera để đối soát với thiết bị giám sát hành trình

Liên quan đến việc các phương tiện không truyền dữ liệu về Tổng cục, Bộ GTVT cho biết có thể do xe ngừng, không hoạt động kinh doanh vận tải (do không có hàng hoặc không có lịch hoạt động).

Các nguyên nhân khác có thể kể đến như do xe vào cấp để thực hiện bảo dưỡng, sửa chữa hoặc do xe hỏng đột xuất; thiết bị giám sát hành trình xe ô tô hư hỏng trong quá trình xe đang hoạt động vận tải.

Do lái xe cố tình ngắt thiết bị trong quá trình hoạt động vận tải; xe hoạt động thường xuyên ở khu vực không có mạng, xe liên vận quốc tế đang hoạt động vận tải ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Được biết, từ năm 2016 đến tháng 9/2018, hàng tháng tại Tổng cục Đường bộ đều có văn bản thông báo kết quả tổng hợp vi phạm trên hệ thống gửi ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, từ tháng 9/2018 đến nay, do hệ thống gặp sự cố kỹ thuật và quá tải nên Tổng cục chưa có văn bản thông báo kết quả tổng hợp vi phạm trên hệ thống giám sát hành trình.

Bộ GTVT cũng cho biết thêm, sau khi hạ tầng công nghệ thông tin đủ năng lực và cho phép thực hiện, Tổng cục Đường bộ sẽ cung cấp tài khoản cho toàn bộ các đơn vị kinh doanh vận tải để thuận lợi trong việc theo dõi, quản lý, chấn chỉnh lái xe vi phạm thuộc đơn vị mình quản lý.

"Để xử lý triệt để tình trạng lái xe ngắt thiết bị, trong thời gian tới Bộ GTVT giao Tổng cục Đường bộ nghiên cứu thí điểm lắp đặt camera giám sát tại các điểm nóng về ATGT trên hệ thống quốc lộ và tại các đô thị để đối soát dữ liệu với hệ thống giám sát hành trình xe ô tô.

Từ đó sẽ phát hiện ngay phương tiện nào đang hoạt động kinh doanh nhưng không có dữ liệu giám sát hành trình xe ô tô để có biện pháp xử lí kịp thời", Bộ GTVT thông tin.

Xe rước dâu gặp nạn không có giám sát hành trìnhXe rước dâu gặp nạn không có giám sát hành trình Tai nạn 14 người thương vong ở Kon Tum: Một xe khách mất thiết bị giám sát hành trìnhTai nạn 14 người thương vong ở Kon Tum: Một xe khách mất thiết bị giám sát hành trình Tai nạn giao thông ở Gia Lai: Xe khách ngắt giám sát hành trìnhTai nạn giao thông ở Gia Lai: Xe khách ngắt giám sát hành trình
chọn
Một doanh nghiệp dự chi gần 18.000 tỷ xây loạt cao ốc 25-40 tầng ven biển Bình Sơn - Ninh Chữ
Khu đô thị biển Bình Sơn - Ninh Chữ (khu K2) do Hacom Holdings làm chủ đầu tư vừa qua đã được điều chỉnh tổng vốn thành 17.779 tỷ đồng, tiến độ thực hiện từ quý III/2024 - quý I/2029.