Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo nghị định bãi bỏ một số văn bản quy phạm pháp luật do Chính phủ ban hành về Quỹ Bảo trì đường bộ (BTĐB). Trong đó, Bộ GTVT đề xuất bãi bỏ bốn văn bản quy phạm pháp luật về quỹ này.
Điểm đáng chú ý, một trong những văn bản mà Bộ GTVT muốn bãi bỏ là quyết định năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lí Quỹ BTĐB Trung ương để phù hợp với Luật Phí và lệ phí, Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).
Bộ GTVT cho biết: Theo các quy định hiện hành, phí sử dụng đường bộ được thu hằng năm trên đầu phương tiện phải nộp vào NSNN và quản lí, sử dụng theo Luật NSNN. Vì vậy, việc quản lí Quỹ BTĐB thông qua Hội đồng quản lí quỹ là chưa phù hợp.
Theo đó, Thủ tướng đồng ý giao cho Bộ GTVT xây dựng nghị định trên theo hướng giải thể tổ chức Quỹ BTĐB và Hội đồng quản lí Quỹ BTĐB Trung ương. “Đồng thời, việc bãi bỏ các quyết định trên do Thủ tướng Chính phủ ban hành là đủ cơ sở pháp lí…” - Bộ GTVT nhấn mạnh.
Từ năm 2017 các phương tiện nộp phí bảo trì đường bộ tại các trung tâm đăng kiểm, sau đó đơn vị này nộp vào ngân sách nhà nước. Ảnh: L.ĐỨC
Để đảm bảo công tác thu phí sử dụng đường bộ được tiếp tục thực hiện, Bộ GTVT đề xuất dự thảo nghị định sẽ quy định phí sử dụng đường bộ (phí thu trên đầu phương tiện). Dự thảo này sẽ dựa vào quy định về thu phí sử dụng đường bộ được phản ánh vào ngân sách trung ương và thực hiện quản lí theo quy định của Luật Phí, lệ phí và Luật NSNN.
Bên cạnh đó, để việc nộp phí sử dụng đường bộ đảm bảo đúng thẩm quyền, lãnh đạo Bộ GTVT cho biết Bộ Tài chính sẽ có ý kiến gửi Chính phủ báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIV (diễn ra trong tháng 10 tới). Nhằm kiến nghị Chính phủ xem xét, quyết định và đưa vào nghị quyết của Quốc hội về phân bổ ngân sách trung ương năm 2020, theo hướng giao Bộ Tài chính là cơ quan có thẩm quyền ban hành mức thu phí sử dụng đường bộ nộp ngân sách trung ương.
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Lê Hoàng Minh, Chánh Văn phòng Quỹ BTĐB Việt Nam cho biết, hực chất việc bỏ Quỹ BTĐB chỉ có mục đích để sắp xếp, tổ chức lại bộ máy, điều chỉnh lại công tác triển khai nguồn vốn cho phù hợp với quy định pháp luật hiện hành.
“Nên việc bỏ hay không bỏ Quỹ BTĐB vẫn không ảnh hưởng tới việc thu phí BTĐB. Tất cả người dân, phương tiện sẽ vẫn phải nộp phí BTĐB bình thường theo quy định Luật Phí, lệ phí và Luật NSNN…” - ông Minh nhấn mạnh.
Cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã họp để cho ý kiến về nội dung báo cáo giám sát "Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lí, sử dụng các quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN giai đoạn 2013-2018".
Theo đó, ông Nguyễn Đức Hải, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cho biết: Hằng năm Quỹ BTĐB được NSNN cấp bổ sung hàng ngàn tỉ đồng. Đồng thời, hoạt động của Hội đồng quản lí Quỹ BTĐB Trung ương theo phương thức kiêm nhiệm. Trong khi đó văn phòng quỹ không có đủ năng lực để độc lập quản lí toàn bộ kinh phí BTĐB nên phải sử dụng các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT để thực hiện các công việc chuyên môn của quỹ.
"Do vậy, đoàn giám sát đề nghị bãi bỏ Quỹ BTĐB ở trung ương và địa phương, toàn bộ nội dung chi về BTĐB được thực hiện thông qua dự toán NSNN cấp hằng năm" - ông Hải nói.