Đại Toán (nghĩa là củ tỏi) là một chú mèo con sinh ra vào ngày 21/7 vừa qua, thuộc giống mèo Anh lông ngắn, được nhân bản vô tính bởi công ty Sinogene Biotech có trụ sở tại Bắc Kinh.
Công ty này nổi tiếng ở Trung Quốc với các dự án nhân bản chó.
Sinogene đã công bố hôm 19/8, rằng kể từ khi Đại Toán ra đời, họ sẽ cung cấp dịch vụ nhân bản mèo ngoài dịch vụ nhân bản chó từng ra mắt trước đây.
Khách hàng của Sinogene muốn nhân bản mèo sẽ phải chi khoản tiền lên đến 35.400 USD. Mèo được nhân bản sẽ giống hệt về mặt di truyền. Số tiền này còn khá hời so với 53.800 USD để nhân bản chó.
Đại Toán là chú mèo được nhân bản vô tính đầu tiên của Trung Quốc. (Ảnh: SCMP).
Công ty cho biết đã tạo ra các bản sao di truyền của 20 con chó vào năm 2018, và có kế hoạch nhân bản 500 con chó mỗi năm trong vòng 5 năm tới. Năm 2019, công ty này cũng tạo ra Côn Huân (nghĩa là thế hệ sau của người có công trạng), một bản sao của chú chó được mệnh danh là "Sherlock Holmes" trong giới chó nghiệp vụ, bằng cách sử dụng DNA.
Giới cảnh sát Côn Minh mô tả Côn Huân là chú chó "nghìn con có một" về độ thính và đánh hơi của nó.
Chia sẻ trên SCMP, Sinoegene cho rằng: "Nhân bản vô tính có thể là một cách tốt hơn để bảo tồn di truyền của những động vật quý hiếm hoặc hữu ích, giúp cắt giảm chi phí đào tạo".
Tuy nhiên, không phải ai cũng đồng ý.
Ca sĩ Barbra Streisand, một trong những người đầu tiên nhân bản vô tính thú cưng của mình, cho rằng: "Cơ thể có thể được nhân bản, nhưng linh hồn thì không thể".
Theo nữ ca sĩ, chú mèo Coton de Tuléar được nhân bản có tính cách khác với bản gốc.
Nhân bản thú cưng là một ngành kinh doanh gây tranh cãi, nhưng nó có tiềm năng mang lại lợi nhuận cao.
Hiệp hội Sản phẩm vật nuôi Trung Quốc cho biết có 50 triệu con chó được đăng kí sở hữu chính thức tại nước này. Với lượng triệu phú nhiều thứ hai thế giới, nhiều người Trung Quốc có thể chi trả cho dịch vụ nhân bản thú cưng.
Chú chó nghiệp vụ "nghìn con có một" Côn Huân được nhân bản với giá gần 54.000 USD. (Ảnh: SCMP).
Bên cạnh tính cách, ngoại hình giữa bản gốc và bản sao chép cũng có khả năng khác nhau. Con mèo nhân bản đầu tiên, được gọi là CC (Carbon Copy hoặc Copy Cat), giống hệt về mặt di truyền với bản gốc, nhưng có các kiểu lông khác nhau, điều này có thể được xác định trong bụng mẹ.
Các nhà khoa học đã lên tiếng lo ngại về quyền lợi của những con chó được sử dụng để nhân giống di truyền. Chúng được giữ trong phòng thí nghiệm, cho ăn hormone và thường phải phẫu thuật để phôi được nhân bản.
Vào năm ngoái, các nhà khoa học Trung Quốc đã nhân bản những con khỉ có gen được chỉnh sửa, để tránh khỏi các bệnh về tâm thần, và nhân giống thành công những con chuột khỏe mạnh từ 2 con chuột cái.
Một nhà khoa học Trung Quốc cũng tuyên bố đã tạo ra những đứa trẻ được chỉnh sửa gen đầu tiên vào năm ngoái. Nhà khoa học này nhanh chóng bị chính quyền tố cáo và "biến mất" khỏi truyền thông đại chúng. Vì vậy, những tuyên bố của ông không bao giờ được xác minh.