Tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 - 2020 qua địa bàn tỉnh Bình Thuận có tổng chiều dài 160 km, gồm 3 dự án thành phần: Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo, đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết và đoạn Phan Thiết - Dầu Giây. Dự án qua địa bàn của 5 huyện gồm: Tuy Phong, Bắc Bình, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam và Hàm Tân.
Đến nay, công tác giải phóng mặt bằng dự án đã hoàn thành 100% công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 2.684/2.684 hộ gia đình và tổ chức; hoàn thành xây dựng 5/5 khu tái định cư cho người dân bị ảnh hưởng dự án; hoàn thành di dời công trình hạ tầng kỹ thuật (giai đoạn 1) ảnh hưởng đến mặt bằng thi công. Hiện nay, các đơn vị đang thực hiện công việc di dời công trình điện cao thế 500kV, 220kV thuộc đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết và Phan Thiết – Dầu Giây.
Trong 3 dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh, tuyến Vĩnh Hảo - Phan Thiết là dự án lớn nhất với chiều dài 100 km. Theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7, nhu cầu vật liệu đất đắp của dự án đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết là 9,2 triệu m3. Hiện Ban Quản lý dự án 7 đề xuất giải quyết 3 nguồn vật liệu đất đắp của dự án khu vực này và đã giải quyết cơ bản đủ vật liệu để phục vụ đất đắp cho dự án.
Nguồn thứ nhất là tận dụng đất, đá thải tại gói thầu XL01 (thuộc đoạn Vĩnh Hảo - Phan Thiết) đã được Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép khai thác với khối lượng 2,2 triệu m3. Nguồn thứ hai: Đối với 9 mỏ đã cấp phép thăm dò/khai thác với khối lượng theo báo cáo của Ban Quản lý dự án 7 đáp ứng khoảng 4,7 triệu m3 đất đắp cho công trình đường cao tốc. Nguồn thứ ba: Cấp mới 6 mỏ vật liệu với trữ lượng khoảng 2,2 triệu m3 cho Nhà thầu theo "cơ chế đặc thù" và hiện 6 mỏ đã hoàn thành thủ tục liên quan và đi vào hoạt động khai thác.
Theo Ban Quản lý dự án 7, tiến độ triển khai thi công tại các gói thầu đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết đều chậm so với kế hoạch. Đến giữa tháng 11/2022, tổng giá trị xây lắp đã thực hiện đạt 3.772 tỷ đồng/6.267 tỷ đồng, đạt 60,19% giá trị xây lắp (Chậm 422 tỷ đồng so với kế hoạch, tương đương chậm 6,74% giá trị xây lắp).
Theo Ban Quản lý dự án 7, về nguyên nhân chậm một phần là do giá nhiên liệu, vật liệu xây dựng có biến động lớn, đã gây khó khăn cho chủ đầu tư trong việc quản lý giá thành, quản lý chi phí đầu tư xây dựng; gây khó khăn cho nhà thầu trong việc triển khai thi công, nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ giá xuống, làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công và kế hoạch giải ngân vốn.
Thời tiết mưa kéo dài bất thường và mùa mưa đến sớm hơn so với dự đã ảnh hưởng lớn đến công tác tổ chức thi công, đặc biệt là thi công đắp nền đường. Bên cạnh đó, có nguyên nhân do nhà thầu không tập trung triển khai thi công, còn tình trạng thiếu nhiên liệu, đất đắp…
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, đây là dự án trọng điểm quốc gia và là một trong những dự án phải hoàn thành trong năm 2022. Tuy nhiên, hiện các dự án này đều chậm tiến độ so với kế hoạch đề ra.
Việc chậm tiến độ này trách nhiệm trực tiếp liên quan đến các Ban Quản lý dự án và các Nhà thầu. Trong thời gian còn lại, Bộ trưởng yêu cầu các Ban Quản lý dự án, Nhà thầu cố gắng hoàn thành đúng tiến độ đề ra và phải thông xe kỹ thuật trước 31/12/2022. Chậm nhất là đến ngày 30/4/2023 sẽ khánh thành và đưa vào khai thác đoạn này.
Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải yêu cầu các Ban Quản lý dự án cần tập trung phối hợp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tối đa cho các doanh nghiệp, để không làm ảnh hưởng tiến độ dự án; tập trung tháo gỡ khó khăn cho nhà thầu, nhất là vấn đề liên quan đến tài chính.
Đối với nhà thầu, cần tập trung tối đa nguồn lực tài chính, máy móc, trang thiết bị, công nhân… khắc phục bất lợi thời tiết để triển khai thi công 24/24 để đạt tiến độ đề ra; tiến độ thi công phải đảm bảo nhưng các đơn vị vẫn phải chú ý đảm bảo chất lượng theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật; tuyệt đối không được bỏ qua các bước, quy trình kỹ thuật theo quy định. Trong giai đoạn 2 của dự án, chỉ có các nhà thầu làm tốt giai đoạn 1 mới được chọn tiếp tục, các nhà thầu làm không tốt sẽ bị loại bỏ.