Bộ trưởng Tô Lâm nói về gian lận thi cử: Chưa có dấu hiệu để lọt tội, tiếp tục điều tra việc đưa nhận tiền

Về điều tra gian lận thi cử ở các tỉnh Sơn La, Hòa Bình, Hà Giang, Bộ trưởng Công an cho biết chưa có dấu hiệu nào thể hiện việc cơ quan điều tra công an địa phương không khách quan, để lọt người lọt tội.
Bộ trưởng Tô Lâm nói về gian lận thi cử: Chưa có dấu hiệu để lọt tội, tiếp tục điều tra việc đưa nhận tiền - Ảnh 1.

Bộ trưởng Công an Tô Lâm. (Ảnh: Zing.vn).

Thông tin đưa nhận tiền tiếp tục được điều tra

Ngày 4/6, tại phiên chất vấn trước Quốc hội, đại biểu đã đặt câu hỏi về vấn đề gian lận thi cử đang gây bức xúc dư luận xã hội trong thời gian vừa qua.

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, hiện nay, Cơ quan an ninh điều tra của Bộ và Công an các địa phương Sơn La, Hà Giang đang điều tra 3 vụ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử xảy ra trong kì thi THPT Quốc gia 2018 vừa qua.

"Kết quả điều tra 3 vụ án đến nay đã đủ căn cứ kết luận hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, nhiệm vụ được giao thực hiện can thiệp sửa chữa, nâng điểm cho thí sinh.

Đã làm rõ 214 thí sinh được nâng điểm. Cụ thể Hòa Bình có 63 thí sinh, Hà Giang 107 thí sinh, Sơn La 44 thí sinh", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Theo Bộ trưởng Tô Lâm, vấn đề làm rõ vi phạm của các phụ huynh đưa tiền cho các bị can nhờ nâng điểm, để đảm bảo điều tra theo đúng qui định pháp luật, cơ quan chức năng có kết luận điều tra, truy tố các bị can, xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn nhiệm vụ được giao để thực hiện việc nâng điểm, sửa chữa điểm thi.

"Việc đưa nhận tiền nêu trên đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ theo qui định pháp luật và chúng tôi sẽ công bố sau khi có kết luận điều tra", Bộ trưởng Tô Lâm nói.

Đáng chú ý, tại phiên chất vấn, đại biểu có nêu vấn đề cho rằng Bộ Công an cần phải vào cuộc để điều tra khách quan, không để địa phương thực hiện.

"Trong 3 vụ án nêu trên có 2 vụ án xảy ra tại Sơn La và Hà Giang do Công an địa phương thụ lí điều tra theo qui định pháp luật.

Do tính chất đặc biệt của các vụ án nên Bộ Công an vẫn luôn luôn đặc biệt quan tâm chỉ đạo, giám sát để đảm bảo đúng pháp luật, đúng người đúng tội.

Cho đến nay, chưa có dấu hiệu nào thể hiện việc cơ quan điều tra Công an địa phương không khách quan, để lọt người lọt tội. Bộ Công an sẽ tiếp tục giám sát chặt chẽ", ông Lâm nói.

Bộ trưởng Tô Lâm nói về gian lận thi cử: Chưa có dấu hiệu để lọt tội, tiếp tục điều tra việc đưa nhận tiền - Ảnh 2.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ. (Ảnh: Zing.vn).

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ lên tiếng về gian lận thi cử

Liên quan đến vấn đề gian lận thi cử, tại phiên thảo luận của Quốc hội cách đây ít ngày, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ trong năm 2018 xảy ra gian lận ở một số địa phương, đặc biệt là khâu trông thi gây bức xúc trong dư luận xã hội.

"Trước hết về nguyên nhân, về phía Bộ GD&ĐT, cá nhân tôi là Bộ trưởng, phụ trách ngành xin nhận trách nhiệm và thiếu xót ở một số việc.

Thứ nhất, phần mềm thi trắc nghiệm vẫn còn lỗ hổng kĩ thuật dẫn đến một số người xấu lợi dụng để làm sai lệch kết quả thi.

Thứ hai, công tác quán triệt qui chế thi và hướng dẫn nghiệp vụ chưa được chi tiết ở một số địa phương, nhất là khâu chấm thi.

Thứ ba, công tác thanh tra, kiểm tra vẫn chưa thực sự sâu sắc trong các khâu, đặc biệt là khâu chấm thi ở một số địa phương.

Về phía địa phương, ban chỉ đạo thi và hội đồng thi ở địa phương theo phân cấp chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm của mình.

Đặc biệt là chọn cán bộ tham gia thi chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu dẫn đến chủ động thông đồng và kết nối với nhau để làm gian lận này", Bộ trưởng Nhạ nói.

Theo vị này, sau khi nhận được thông tin phản ánh về gian lận, Bộ GD&ĐT đã cử đoàn thanh tra để kiểm tra và đã có văn bản đề nghị Bộ Công an phối hợp.

"Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Công an đã phối hợp để điều tra, xác minh, bước đầu đã có được kết quả.

Các em được nâng điểm đã chấm đưa vào điểm thật. Các em không đủ điểm thi vào đại học đã bị trả lại về địa phương.

Chúng tôi đã tổ chức kiểm điểm và rút kinh nghiệm toàn ngành qua hội nghị trực tuyến", ông Nhạ cho hay.

Cũng theo vị nà, do tính chất phức tạp của công việc nên đến nay Bộ Công an vẫn tiếp tục quá trình điều tra và các địa phương tiếp tục xử lí theo trách nhiệm của mình.

"Quan điểm của chúng tôi là nghiêm khắc để xử lý gian lận. Chúng tôi đề nghị các địa phương xem xét cho ra khỏi ngành những cá nhân hoặc học sinh có dấu hiệu vi phạm được cơ quan điều tra xác minh", Vị Bộ trưởng nói.

Để khắc phục tình trạng gian lận thi cử, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết đã triển khai một số giải pháp.

Thứ nhất là tăng cường quán triệt quy chế thi và tập huấn thật kỹ. Thứ hai là điều các cán bộ coi thi và tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra.

"Đặc biệt, công tác chấm thi là Bộ GD&ĐT trực tiếp chỉ đạo, giao cho các trường đại học đứng ra phụ trách.

Phần mềm nâng cấp và mã hóa toàn bộ dữ liệu và đánh phách cũng như các camera để giám sát kỳ thi.

Đối với bài thi tự luận chúng tôi chấm làm 2 vòng, 5% chấm thử nghiệm, những bài được điểm cao là chấm lại", Bộ trưởng Nhạ nói.

Bộ trưởng Tô Lâm nói về gian lận thi cử: Chưa có dấu hiệu để lọt tội, tiếp tục điều tra việc đưa nhận tiền - Ảnh 3.

ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu. (Ảnh: Zing.vn).

ĐBQH "bức xúc" về gian lận thi cử

Theo ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu (An Giang), cử tri mong mỏi Bộ GD&ĐT xử lí nghiêm, chỉ ra những thiếu xót trong công tác tổ chức kỳ thi quốc gia những năm qua và người chịu trách nhiệm cụ thể.

"Không thể nói hoàn toàn là lỗi địa phương vì không phải chỉ một mà là nhiều địa phương phát hiện gian lận thi cử trong kì thi vừa qua", ông Hiếu nói.

Cũng theo vị này, mỗi năm một lần, Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng càng cải cách kết quả càng kém hơn, nhiều tiêu cực bị phát hiện hơn.

"Ba năm qua, Bộ chưa có tập huấn, chỉ đạo các tỉnh về kẽ hở của khâu chấm thi, không có biện pháp ngăn chặn, phần mềm chấm môn tự luận lỏng lẻo, bài thi trắc nghiệm không dọc phách, dùng bút chì để khoanh.

Bộ GD&ĐT không đánh giá về kết quả thi hằng năm của các tỉnh, thành phố, tỉ lệ điểm. Nếu phân tích kết quả không thể không đặt dấu hỏi, vì sao nhiều tỉnh miền núi điểm khá giỏi lại cao hơn Hà Nội, TP HCM.

Nếu phúc tra cả nước, tôi tin sẽ còn rất nhiều vi phạm trong kỳ thi vừa qua. Đây là lỗi hệ thống, lỗi quy trình rất cần có người chịu trách nhiệm trước nhân dân", đại biểu Hiếu nói.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.