Bộ trưởng Y tế cho biết, một hạn chế của người Việt, đó là chưa quan tâm nhiều đến việc chăm sóc sức khỏe từ khi còn trẻ mà chỉ chăm khi có bệnh, phải đi viện. Trong khi đến hơn 70% các loại tử vong là do các bệnh không lây nhiễm mãn tính như tim mạch, ung thư, tiểu đường, phổi tắc nghẽn và các bệnh khác... liên quan đến lối sống, trong đó có thói quen vận động.
Bộ trưởng Y tế cho biết bà thích vận động và luôn cố gắng đi bộ 10 nghìn bước mỗi ngày để phòng bệnh tật. Ảnh: H.Hải |
"Khi đã bị bệnh phải vào bệnh viện rất tốn kém, phải gắn chặt với bệnh việc. Trong khi đó việc ăn uống điều độ, thể dục thể thao, rèn luyện cơ thể, hạn chế rượu bia, không hút thuốc lá... sẽ giúp chúng ta khỏe mạnh, phòng ngừa các bệnh lý này", Bộ trưởng nói.
Vì thế, Bộ Y tế bắt đầu khởi động chương trình tập thể dục ngay tại công sở. "Chúng tôi sẽ bắt đầu từ những cuộc họp giao ban Bộ Y tế, tiến tới ngày tập 2 lần ngay tại công sở, giữa các buổi họp, chỉ vào phút đứng dậy vận động ngay tại chỗ vẫn mang lại những giá trị hữu ích cho sức khoẻ", Bộ trưởng Tiến cho biết.
Bà Tiến cũng chia sẻ, bản thân bà sau khi đứng dậy tập tại chỗ chỉ vài phút, với 9 động tác thấy rất dễ chịu, thoải mái, nhẹ người. "Khi ngồi nhiều làm việc, tôi rất khó chịu, đau mỏi người, mỏi mắt. Đứng dậy vận động sẽ dễ chịu hơn".
Cuộc tập thể dục tại công sở chính thức được thực hiện tại cuộc họp giao bạn Bộ Y tế ngày 8/1 và sẽ tiếp tục được khởi động, trước mắt là cơ quan bộ, cán bộ ngành y, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, các bệnh viện, y tế dự phòng, văn phòng sở, văn phòng TTYT. Sau đó, Bộ Y tế sẽ gửi đến các cơ sở y tế tại các tỉnh thành để mở rộng mô hình này. Nếu các Bộ ngành khác có quan tâm, Bộ Y tế cũng sẵn sàng hỗ trợ các chương trình tập thể dục tại công sở.
Bộ trưởng Tiến chia sẻ thêm, bản thân bà là một người rất thích vận động, tập luyện thể dục. Nhưng vì không có thời gian, nên Bộ trưởng luôn phải cố gắng để ngày nào cũng đạt mục tiêu đi bộ được 10 nghìn bước chân.
"Vận động, nếu quá bận rộn, như ở các nước Singapore, Thái Lan, chỉ với mục đích in dấu chân, đi bộ càng nhiều càng tốt, làm sao để đạt 10 nghìn bước chân mỗi ngày. Kèm theo đó là giảm ăn mặn, giảm ăn đường, kiểm soát, đo huyết áp thường xuyên", Bộ trưởng khuyến khích.
Bộ trưởng cũng đánh giá rất cao sự sáng tạo của nhiều người Việt trong vận động thể lực, nhất là lứa tuổi già, các cụ đi bộ, tập dưỡng sinh, thái cực quyền... và Bộ trưởng hi vọng việc vận động sẽ được lan tỏa để người người tập thể dục.
Tại Việt Nam có đến 1/3 dân số Việt thiếu hoạt động thể lực so với khuyến cáo của WHO (có hoạt động thể lực cường độ trung bình ít nhất 150 phút 1 tuần hoặc tương đương). Cùng với đó, là sự gia tăng của tình trạng thừa cân, béo phì ở cả hai giới là trên 15,6%, tăng hơn gần 3% so với kết quả điều tra năm 2010. Trong đó, thừa cân béo phì ở thành thị là 21,3%, vùng nông thôn là 12,6%.
Trong khi đó, thiếu hoạt động thể lực là yếu tố nguy cơ đứng hàng thứ tư của tử vong, gây mắc các bệnh tim mạch, đái tháo đường và một số loại ung thư.
Bộ trưởng chia sẻ thêm, bà đang rất mơ thực hiện được mô hình trạm y tế giống tại Nhật Bản. Người dân, bệnh nhân vào hiệu thuốc, siêu thị có bán thuốc... đều có máy đo huyết áp, chỉ mất 10 - 20 yên là người dân có thể biết được chỉ số huyết áp để biết tình trạng sức khỏe của mình.
Tại Việt Nam, mô hình này có thể được thực hiện vì chúng ta có trạm y tế xã phường, sẽ tiến tới vận động bà con một năm đi đo huyết áp vài lần miễn phí. Bộ trưởng khuyến khích người dân chủ động chăm sóc sức khoẻ, tăng cường vận động, đừng có bệnh mới đi viện.
Bộ trưởng bộ Y tế hát tặng nữ anh hùng La Thị Tám
Bộ trưởng bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã cất lên bài hát "Người con gái sông La" gửi tặng nữ anh hùng La ... |
Vì sao Bộ trưởng Y tế im lặng trong vụ xử BS Hoàng Công Lương?
ĐBQH Nguyễn Lân Hiếu đã đưa ra một số lý do Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến im lặng trước vụ xét xử ... |
Vì sao Bộ trưởng Tiến xin rút khỏi danh sách phong GS?
Bộ trưởng Tiến đã có đơn xin rút khỏi danh sách phong hàm giáo sư vì hiện bà đã có chức danh giáo sư thỉnh ... |