Dưới đây là những kinh nghiệm đặt cọc mua nhà bạn nên biết trước khi thực hiện giao dịch:
Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn cần phải ký kết hợp đồng đặt cọc mua nhà đất, tuyệt đối không nên “đặt cọc” bằng lời nói. Hợp đồng đặt cọc mua bán nhà đất có giá trị pháp lý rất cao, đồng thời cũng là cơ sở để giải quyết mọi tranh chấp xảy ra trong quá trình mua bán.
Theo các luật sư, khi đặt cọc, hai hình thức viết tay và đánh máy đều có hiệu lực như nhau. Bên cạnh đó, hợp đồng cũng cần có chữ ký của bên nhận chuyển nhượng và bên chuyển nhượng, đồng thời nên có người làm chứng khi làm hợp đồng đặt cọc.
Tiền đặt cọc hay tiền trả trước, về bản chất đều là một khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) mà bên mua giao trước cho bên bán, nhằm đảm bảo hợp đồng chắc chắn sẽ được giao kết. Tuy nhiên, tiền đặt cọc khác với tiền trả trước ở chỗ là bên mua giao cho bên bán một khoản tiền (hoặc tài sản giá trị khác) trong thời hạn nhất định để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng trong tương lai.
Trong khi đó, tiền trả trước là việc bên mua tiến hành trả trước một khoản tiền cho bên bán, nói cách khác là thực hiện trước một phần nghĩa vụ. Do đó, khi ký hợp đồng đặt cọc hay biên bản giao nhận tiền, bạn cần phải ghi rõ ràng tên khoản tiền mình giao cho bên bán là tiền đặt cọc hay tiền trả trước để tránh phát sinh những tình trạng tranh chấp về sau.
Để chắc chắn về số tiền mình đã đặt cọc hoặc trả trước, bạn hãy đi công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán nhà nhằm khẳng định tính pháp lý của hợp đồng. Thủ tục công chứng hợp đồng đặt cọc mua bán nhà gồm các loại giấy tờ như: phiếu yêu cầu công chứng, dự thảo hợp đồng, bản sao giấy tờ tùy thân của người yêu cầu công chứng, bản sao giấy tờ khác có liên quan đến hợp đồng,… mà pháp luật quy định phải có.
Ngoài ra, không ít trường hợp soạn thảo văn bản hợp đồng đặt cọc bằng tay, nên sơ sài, giao dịch tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vì thế, bạn nên đến văn phòng công chứng địa phương để được hướng dẫn lập vi bằng về việc đặt cọc.
Dưới đây là một số lưu ý trước khi đặt cọc mua nhà:
- Kiểm tra tính chính danh của chủ nhà: Đối chiếu thông tin cá nhân của chủ có trùng khớp với thông tin trên sổ đỏ/sổ hồng không. Xin photo sổ đỏ/sổ hồng và các giấy tờ pháp lý của chủ nhà để kiểm tra tại chính quyền địa phương sở tại, từ đó xác định chính xác chủ nhà đó có phải là chính chủ hay không.
- Kiểm tra xem nhà đất bạn định mua có nằm trong diện bị quy hoạch không. Thông tin này có thể kiểm tra tại Phòng Quản lý đô thị hoặc bộ phận kiểm tra quy hoạch tại các UBND Quận/Huyện nơi bất động sản tọa lạc.
- Kiểm tra xem ngôi nhà, mảnh đất có bị ngăn chặn giao dịch không: Bạn hãy mang giấy photo chủ quyền nhà đến văn phòng công chứng để xác định chính xác tài sản có được giao dịch mua bán hay không. Một số căn nhà vướng các vụ kiện tụng về tranh chấp tài sản, kê biên thi hành án, thế chấp ngân hàng,... sẽ bị ngăn chặn không ký hợp đồng mua bán công chứng được.
- Trước khi ký hợp đồng đặt cọc cần kiểm tra toàn bộ các điều khoản liên quan: thông tin nhân thân, địa chỉ nhà, số tờ, số thửa đất, thuế, lệ phí,...
- Khi ký hợp đồng đặt cọc phải có đủ vợ và chồng (chủ sở hữu) hợp pháp của tài sản.
- Sau khi đã giao tiền đặt cọc cho bên bán phải có biên bản/hợp đồng xác nhận giao nhận tiền/tài sản đặt cọc được công chứng hoặc uỷ nhiệm chi của ngân hàng.