Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước có 1.040 dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp tại đô thị và công nhân khu công nghiệp. Trong đó, có 507 dự án nhà ở xã hội độc lập với tổng diện tích đất hơn 1.375ha và 533 dự án được xây dựng trên quĩ đất 20% của các dự án nhà ở thương mại, dự án phát triển đô thị, với diện tích đất hơn 1.983ha.
Hiện, đã có 248 dự án hoàn thành với tổng diện tích hơn 5.175.000 m2 sàn, qui mô khoảng 103.500 căn hộ; 264 dự án đang triển khai (10.825.000m2 sàn xây dựng, 216.500 căn hộ). Các dự án còn lại chưa triển khai hoặc đang làm thủ tục đầu tư xây dựng.
So với mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 sàn nhà ở), việc phát triển nhà ở xã hội đến nay mới đạt khoảng 41,4%. Nguyên nhân là do một số cơ chế hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội cải thiện được nhà ở còn bất cập, trong đó có Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Mới đây, tại Hội nghị lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số nội dung tại Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục.
Cụ thể, khó khăn, vướng mắc liên quan đến qui định nhóm đối tượng chính sách xã hội; qui định chủ đầu tư các dự án nhà ở xã hội phải dành 20% quĩ nhà ở trong dự án; qui định về một số thủ tục hành chính còn phức tạp như phải thẩm định về giá bán, giá cho thuê, giá cho thuê mua nhà ở xã hội…
Bên cạnh đó, còn có khó khăn, hạn chế về nguồn vốn; quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội…