Chia sẻ của chị Lương Thị Nhật Trang - Giáo viên tiếng Anh có 9 năm kinh nghiệm giảng dạy tại Hà Nội về việc dạy tiếng Anh cho trẻ nhỏ.
Chị Lương Thị Nhật Trang chia sẻ kinh nghiệm dạy con học tiếng Anh tại nhà. (Ảnh: NVCC) |
Nhiều cha mẹ đặt mục tiêu cao quá, và trở nên buồn khổ, thậm chí hoang mang khi con chưa nói được tiếng Anh, thậm chí tiếng Việt như họ kỳ vọng. Mỗi khi dạy con tiếng Anh, bố mẹ chỉ cần nhớ 4 chữ C sau.
Chữ C thứ nhất – “CÂM LẶNG”
Tôn trọng quyền được câm lặng của con. Nếu lúc đó bạn hừng hực khí thế, muốn nói chuyện, giới thiệu rất nhiều tên tiếng Anh của các vật cho con nhưng con không tỏ ra hợp tác, hãy vui vẻ chuyển chủ đề và đợi một dịp khác.
Khi nào con bắt đầu tự nói nhiều, thích hát, đó là lúc bạn hãy tận dụng để trò chuyện tiếng Anh với con.
Mình và con đi chơi, bắt gặp nhiều ba mẹ nói rất nhiều, con thì vẫn có một thế giới riêng, chúng vẫn tập trung làm điều chúng làm, còn ba mẹ vẫn cố gắng miêu tả quá nhiều cạnh tai với hi vọng con “tắm ngôn ngữ”.
Mình không ủng hộ việc này. Bạn hãy tưởng tượng nó giống như cuộc tình đơn phương. Con đã không quan tâm thì con sẽ không học hỏi và ghi nhớ đâu. Mình luôn tìm cách để vào được bên trong thế giới suy nghĩ của con, dấu hiệu là khi con hồi đáp và bắt chước nói theo, đấy là lúc bài học được bắt đầu.
Vậy hãy vứt hết sách vở và đạo cụ đi. Bài học mà bạn đạo diễn cũng là thời gian chơi của ba mẹ và con có thể diễn ra bất cứ đâu: trên xe buýt, trong công viên, trên đường đi học về, trước khi đi ngủ, sáng ra thăm ban công …
Rất nhiều lúc hai mẹ con đi chơi mà không nói chuyện nhiều, nhưng mẹ nhìn con, con nhìn mẹ vẫn biết nhau vui, và nhau đang tận hưởng cảm giác… đơn thuần là hòa mình và lắng nghe thiên nhiên. Mình quả thật không muốn vô duyên chen vào dòng cảm xúc riêng tư đó của con.
Có bố mẹ vì tốt tiếng Anh nên cứ thế nói rất nhiều với con, nhưng điều đó khiến con bị nhiễu sóng. (Ảnh: NVCC) |
Chữ C thứ hai – “CẢM XÚC”
Ngôn ngữ là cách để con người thể hiện cảm xúc, nói ra điều mình mong muốn, hay băn khoăn, hay tâm sự. Đôi khi không phải “nói gì” mà là “nói như thế nào” mới chạm đến tim người nghe.
Chúng ta bị ảnh hưởng bởi lối học “đọc” ngôn ngữ từ nhỏ. Mình nhận thấy điều này khi bắt đầu tiếp xúc với các bạn bè nước ngoài và thấy họ sử dụng ngôn ngữ cơ thể rất thường xuyên, mỗi từ đều nhảy múa uốn lượn và chan chứa cảm xúc.
Vậy chúng ta hãy xây dựng thế giới ngôn ngữ của trẻ với tràn ngập cảm xúc nhé. Sung sướng, vui vẻ, phấn khởi, lạc quan, ….The pen, the table đều có cảm xúc riêng.
Chữ C thứ ba: “CHỌN LỌC”
Học ít nhưng chất.
Mỗi lần cả nhà đi chơi, mình thường ôn bài nhiều hơn, và chỉ giới thiệu thêm 2 từ mới với con, có hôm không thêm từ nào.
Có bố mẹ vì tốt tiếng Anh nên cứ thế nói rất nhiều với con, nhưng điều đó khiến con bị nhiễu sóng.
Mình thường chú trọng ôn lại từ cũ mà dùng được trong hoàn cảnh mới.
Khi dạy con nói tiếng Anh, hãy nhớ thêm cảm xúc và giai điệu vào. (Ảnh: NVCC) |
Ví dụ:
Mình dạy con học đọc từ 1 đến 3: one two three!
2 mẹ con có cơ hội dùng từ này khi:
- Đếm số quần áo
- Đếm số xe trên đường
- Đếm ngón tay
- Đếm bước khi đi cầu thang
- Đếm số món trên bàn ăn
- Đếm số giày trên giá dép
…
Và chắc chắn mình hay thêm cảm xúc hoặc giai điệu cho câu nói “one two three” này.
Giai điệu mà con tỏ ra ưa thích nhất là “cha cha cha”, “cha cha cha”…
Và cụ thể sáng nay, lần đầu tiên hai mẹ con đã nhảy điệu cha cha cha với cụm “one two three” này.
Chọn lọc còn có nghĩa là việc mình cố gắng thống nhất việc dùng từ với con.
Khi khen con, mình thường cười toe toét, vuốt má con và nói “very good”. Và mấy tháng nay mỗi khi khen con, mình luôn nói đúng từ này thôi. Con cần hiểu thông điệp của “very good” là một lời khen ngợi của mẹ, trước khi mẹ dùng thêm “perfect/ excellent/ that’s it/ best” hay bất kỳ từ cảm thán nào khác.
Khi chào, mình chỉ nói “hello” và rất dõng dạc, ngữ điệu đâu ra đấy. Con bắt chước và thích từ này. Mình không nói “hi” vì nó dễ nhầm với số “hai” trong tiếng Việt, lại sẽ khiến con bối rối.
Để tiếng Anh không phải là áp lực với con, mà là niềm vui mỗi ngày của con, hãy dùng "bốn chữ C" này khi dạy con tiếng Anh. (Ảnh: NVCC) |
Chữ C thứ tư – “CHIÊM NGHIỆM” thực tế
Nhiều chương trình học bị sa vào các chủ đề khá sâu. Ví dụ “animal collection” (bộ sưu tập động vật) của họ có cả các loài rái cá, chuột bạch, những loài vượn khỉ khá hiếm. Có thể ở nước nơi sản xuất bộ học cụ này, những loài vật ấy phổ biến.
Tuy nhiên, ở Việt Nam, chúng ta hãy tìm ra khoảng 5 loài thôi (thay vì cả bộ khoảng 30 loài) mà con thường gặp và có cơ hội sử dụng nhiều nhất.
Nhiều trẻ khi được hỏi tranh này là con gì, vẫn gọi tên đúng, nhưng thực sự chúng không “hiểu”, và không có kỷ niệm, ký ức hay câu chuyện sáng tạo gì về chúng hết. Đó là học vẹt, và sẽ làm bộ nhớ trong não con bị đầy, rồi dần sẽ quá tải.
Các tấm flash card dường như không đủ sức kể hết tính thực tế cho từng câu chuyện mà bé được gặp với các con.
Thật chớp nhoáng, bạn hãy chụp lại những khoảnh khắc con chơi với một bạn chó/ ốc sên/ mèo, chim mà con đi chơi. Hãy tạo cơ hội để con tiếp cận, trò chuyện, thậm chí giả vờ trò chuyện cùng bạn ấy với con. Rồi bạn in bức tranh ấy ra, dán ở nhà.
Thử sau 10 lần đi chơi cùng con, bạn sẽ có 20 bức tranh, 20 từ vựng mà tự con đã “chiêm nghiệm”, và mình tin, con sẽ nhớ chúng suốt đời.
Hãy cùng nhớ 4 chữ C khi dạy con tiếng Anh: “Câm lặng” – “Cảm xúc” – “Chọn lọc” và “Chiêm nghiệm” để tiếng Anh không phải là áp lực với con, mà là niềm vui mỗi ngày của con nhé bạn.