Bóng dáng doanh nghiệp lớn tại các đô thị vệ tinh Hà Nội

Thời gian qua, các đô thị vệ tinh của Hà Nội đã thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, tập đoàn lớn trong và ngoài nước.

Sau khi mở rộng địa giới hành chính năm 2008, Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2011. Theo đó, Hà Nội được định hướng phát triển theo mô hình đô thị trung tâm và chùm 5 đô thị vệ tinh gồm Hòa Lạc, Sơn Tây, Xuân Mai, Sóc Sơn và Phú Xuyên.

Bóng dáng các doanh nghiệp tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 1.

Định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội. (Nguồn: Hànộimới).

Khi 5 đô thị vệ tinh được triển khai xây dựng đồng bộ có khả năng tạo chỗ ở cho hơn 1,4 triệu người, đồng thời tiếp nhận các cơ sở sản xuất công nghiệp, trường đại học, bệnh viện nhằm giảm áp lực dân số và hạ tầng kỹ thuật trung tâm thành phố, nhất là khu vực nội đô lịch sử.

Riêng tổng quỹ đất khai thác của 5 đô thị vệ tinh gần 25.000 ha, tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực, tạo động lực phát triển vùng.

Trong 10 năm qua, cả 5 khu đô thị vệ tinh Hà Nội cơ bản vẫn chưa thành hình. Mặc dù vậy, đã có nhiều doanh nghiệp lớn quan tâm, hoặc đã rót tiền vào đầu tư, đặc biệt là tại Hòa Lạc, Sơn Tây, Sóc Sơn và Xuân Mai.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 20: Bóng dáng nhiều doanh nghiệp lớn tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 2.

Xét về diện tích, Hòa Lạc đang là đô thị vệ tinh lớn nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội. Theo quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 5/2020, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có quy mô diện tích 17.274 ha, dân số dự kiến khoảng 600.000 người.

Nơi đây sẽ hình thành 7 khu vực chức năng, trong đó, hai phân khu quan trọng nhất, là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội (HL1) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HL2).

Hiện tại, việc đầu tư hai phân khu này sẽ tạo tiền đề hình thành bức tranh tổng thể đô thị vệ tinh Hòa Lạc. Tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, hạ tầng khung toàn khu đang ngày một hoàn thiện, có quỹ đất sạch, Hà Nội đã kêu gọi các nhà đầu tư vào triển khai dự án.

Khu công nghệ cao Hòa Lạc được xây dựng hạ tầng giao thông từ khá sớm. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Thời gian qua, dòng vốn đăng ký hàng trăm nghìn tỷ đồng đã được các tập đoàn lớn đầu tư vào cơ sở hạ tầng, xây dựng nhà máy tại khu công nghệ cao Hòa Lạc.

Tại cuộc làm việc với lãnh đạo TP Hà Nội vào tháng 7/2020, đại diện Ban Quản lý Khu công nghệ cao Hòa Lạc cho biết từ năm 2019 đã có 8 dự án mới đã được cấp quyết định chủ trương đầu tư/giấy Chứng nhận đăng ký đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng trên 14.000 tỷ đồng. Tính lũy kế từ khi thành lập đến nay, Khu công nghệ cao Hòa Lạc đã thu hút được 94 dự án đầu tư với tổng vốn đăng ký khoảng 89.300 tỷ đồng, trong đó, có 51 dự án đang hoạt động với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu 5 năm gần đây đạt trên 4 USD. 

Giới chuyên gia nhận định dư địa tăng trưởng của bất động sản Hòa Lạc còn rất lớn. Quyết định quy hoạch 1/10.000 đô thị vệ tinh Hòa Lạc của Thủ tướng vào năm 2020 là tiền đề để các ông lớn bất động sản rót dòng vốn đầu tư vào khu vực này.

Đến thời điểm hiện tại, Khu công nghệ cao Hòa Lạc rộng 1.586 ha đã thu hút nhiều tập đoàn kinh tế lớn trong nước đến đầu tư như Vingroup, Viettel, VNPT, FPT, TH Group,...

Nhiều doanh nghiệp nội, ngoại đang dần hiện diện tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Các doanh nghiệp ngoại như Hanwha Aerospace (Hàn Quốc), Nissan Techno (Nhật Bản), Nidec (Nhật Bản), DT&C (Hàn Quốc),... cũng chọn nơi đây là chỗ dừng chân.

Hạ tầng giao thông cũng là yếu tố giúp Hòa Lạc trở thành khu vực tiềm năng phát triển các dự án bất động sản khi nơi đây có vị trí thuận tiện kết nối với trung tâm Thủ đô nhờ các công trình giao thông hiện hữu và tương lai như Đại lộ Thăng Long, cao tốc Hà Nội – Hòa Bình, tuyến metro số 5, trục Hồ Tây – Ba Vì,...

Theo danh mục các dự án các dự án đầu tư xây dựng trong phạm vi nghiên cứu Quy hoạch chung đô thị Hòa Lạc đến năm 2030 đã được Thủ tướng phê duyệt, hàng chục dự án động sản đã được các ông lớn địa ốc như Geleximco, Phú Bình, Vinaconex, Phú Thái, HUD, Posco E&C… nghiên cứu lập quy hoạch.

Trong đó, đáng chú ý là dự án các khu A, B, C – Đô thị Nam Láng Hòa Lạc tại xã Yên Trung của Geleximco với tổng diện tích nghiên cứu lập quy hoạch gần 500 ha.

Ba khu kể trên thuộc Khu đô thị Nam Láng Hòa Lạc, có tổng diện tích 948 ha, thuộc địa phận ba xã Yên Bình, Yên Trung và Yên Quang, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Khu đô thị nằm trên trục đường Láng Hòa Lạc – Hòa Bình, gồm các công trình như nhà ở, trung tâm thương mại, văn hóa, y tế, giáo dục, thể dục thể thao, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế.

Sau khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, phần lớn diện tích của khu đô thị thuộc các xã Yên Bình và Yên Trung thuộc địa giới TP Hà Nội, phần còn lại thuộc xã Yên Quang, tỉnh Hòa Bình được điều chỉnh thành Khu đô thị mới Yên Quang – Geleximco. Dự án từng dự kiến hoàn thành vào năm 2013.

Một dự án lớn khác là Đô thị sinh thái Ngọc Liệp Đồng Trúc hơn 2.352 ha của Công ty Posco E&C, nằm trên địa bàn các xã Ngọc Liệp, Liệp Tuyết và Tuyết Nghĩa.

Tại xã Tiến Xuân, CTCP Tập đoàn Phú Thái lập quy hoạch đại công viên mua sắm 30 ha; Khu biệt thự, nhà vườn, thể thao, giải trí Xuân Cầu 45 ha của Công ty TNHH Xuân Cầu; dự án khu dân cư Đại Xuân rộng 40 ha của CTCP thương mại số 18 Hà Tây; dự án Khu biệt thự - nhà vườn Ánh Dương 38 ha của Xây dựng & Đô thị Ánh Dương hay Khu đô thị sinh thái Lũng Xuân quy mô 21 ha của Tập đoàn Đầu tư LPA.

Còn tại xã Thạch Hòa, HUD – Bộ Quốc phòng là đơn vị được giao lập quy hoạch khu phát triển nhà ở quân đội 45 ha; Khu biệt thự suối Con Gái rộng 19 ha của Công ty Thành Hưng.

Khu đô thị sinh thái Bình Yên thuộc xã Bình Yên do Tổng Công ty đầu tư phát triển Xây dựng lập quy hoạch có diện tích hơn 188 ha;

CTCP Viễn thông Hà Nội (HTC) là doanh nghiệp được giao lạp quy hoạch dự án Làng đô thị - sinh thái Tích Giang 106 ha.

Trên địa bàn hai xã Đồng Trục - Cần Kiệm, Tập đoàn King Lion lập quy hoạch khu 11A với diện tích 82 ha. Một số dự án khác tại xã Đồng Trục có thể kể đến như khu 4 của CTCP Đầu tư Phát triển xây dựng nhà số 7 Hà Nội; khu 2 của CTCP Đầu tư Thùy Dương hay khu 1 của liên doanh CTCP Đầu tư An Thịnh.

Đầu năm 2020, Tập đoàn Vingroup cũng đã đề xuất xây hai khu đô thị với quy mô khoảng 500 ha trên địa bàn huyện Thạch Thất.

Khu đô thị thứ nhất dự kiến khoảng 200 ha, nằm giáp Đại lộ Thăng Long và giáp Khu Công nghệ cao Hòa Lạc.

Khu đô thị thứ hai dự kiến khoảng 300 ha, nằm giáp với huyện Quốc Oai, cách Đại lộ Thăng Long khoảng 500 m, giao thông tiếp cận từ trực chính nối từ Đại lộ vào trung tâm huyện Thạch Thất.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 20: Bóng dáng nhiều doanh nghiệp lớn tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 5.

Không có quy mô lớn như đô thị vệ tinh Hòa Lạc, nhưng đô thị vệ tinh Sóc Sơn vẫn quy tụ nhiều công trình, dự án quy mô tại đây.

Theo quy hoạch, đô thị vệ tinh Sóc Sơn sẽ là đô thị phát triển về công nghiệp và dịch vụ hàng không, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái... với quy mô 5.500 ha, dân số dự kiến 247.000 người vào năm 2030.

Đô thị vệ tinh Sóc Sơn có lợi thế nằm sát Cảng hàng không quốc tế Nội Bài với năng lực phục vụ khoảng 20 triệu hành khách/năm. Hiện nay, các tuyến giao thông đường bộ kết nối, đi qua Sóc Sơn đang dần phát triển đồng bộ, hiện đại có thể kể đến như cầu Nhật Tân, đường Võ Nguyên Giáp, cao tốc Nội Bài - Lào Cai, Hà Nội - Thái Nguyên, quốc lộ 18,...

Bên cạnh đó, nhiều dự án đã, đang và sắp được triển khai trên địa bàn huyện như Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa, dự án trường quay ngoài trời Đài Truyền hình Việt Nam, các dự án thuộc Khu vui chơi giải trí cuối tuần đền Sóc,...

Bóng dáng doanh nghiệp lớn tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 6.

Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa sẽ được xây dựng tại xã Tân Minh và Phù Linh, huyện Sóc Sơn. (Ảnh: Hạ Vũ).

Dự án Tổ hợp vui chơi giải trí đa năng trường đua ngựa tại huyện Sóc Sơn có tổng mức đầu tư 9.577 tỷ đồng (tương đương 420 triệu USD). Hai đơn vị cùng đầu tư dự án là Công ty Global Consultant Network Co.Ltd (Hàn Quốc) và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội.

Địa điểm xây dựng tại địa bàn xã Tân Minh và Phù Linh thuộc huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội. Quy mô sử dụng đất của dự án dự kiến: Trường đua ngựa - sân vận động phục vụ đua ngựa sức chứa 30.000 khán giả, rộng 99,5 ha, hồ điều hòa 22,5 ha, khách sạn ba sao 1,5 ha, trung tâm hội nghị hội thảo 0,5 ha và khu biệt thự nghỉ dưỡng 1 ha.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 20: Bóng dáng nhiều doanh nghiệp lớn tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 7.

Quy hoạch chung thị xã Sơn Tây, lồng ghép với đô thị vệ tinh Sơn Tây được UBND TP Hà Nội phê duyệt vào tháng 10/2015.

Diện tích nghiên cứu lập quy hoạch đô thị vệ tinh Sơn Tây khoảng 12.185 ha, gồm toàn bộ thị xã Sơn Tây diện tích khoảng 11.353 ha và xã Cam Thượng, huyện Ba Vì diện tích khoảng 832 ha.

Định hướng tổ chức phát triển không gian bao gồm hai khu vực chính gồm khu vực phát triển đô thị và khu vực ngoại thị (nông thôn) và khu vực du lịch sinh thái.

Bóng dáng các doanh nghiệp tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 5.

Khu vực ráp ranh giữa đô thị vệ tinh Hòa Lạc và thị xã Sơn Tây. (Ảnh tư liệu: Hạ Vũ).

Theo UBND TP Hà Nội, trước đây, thành phố từng thống nhất chủ trương cho phép CTCP Tập đoàn T&T phối hợp với Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội rà soát và tổ chức lập Quy hoạch phân khu và Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 đô thị vệ tinh Sơn Tây, đồng thời cho phép Tập đoàn T&T tài trợ cho công tác lập quy hoạch.

Năm 2020, ý tưởng quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã Sơn Tây đã được CTCP Tập đoàn T&T phối hợp với đơn vị tư vấn nước ngoài tổ chức nghiên cứu, báo cáo và đã được UBND thành phố chỉ đạo.

Nhưng sau đó, thành phố không thể tiếp nhận sản phẩm quy hoạch do những vướng mắc trong quy định của pháp luật. Đến nay, Hà Nội giao các đơn vị trực thuộc thành phố lập 14 đồ án quy hoạch phân khu trên địa bàn thị xã Sơn Tây.

Hiện nay, Tập đoàn T&T đã và đang xúc tiến nhiều dự án tại đây như phương án quy hoạch khu tổ hợp khách sạn, thương mại dịch vụ và nhà ở tại phường Viên Sơn, quy mô hơn 51 ha với nhiều hạng mục như khu tổ hợp khách sạn 4 sao; trung tâm thương mại dịch vụ, phố thương mại; khu cơ quan; khu nhà ở thấp tầng; khu công viên cây xanh..

Cũng tại phường Viên Sơn, doanh nghiệp này có quy hoạch khu tổ hợp văn phòng T&T 7,782 m2 hay tại xã Sơn Đông có dự án khu công viên dịch vụ du lịch, giải trí hồ Đồng Mô với quy mô hơn 263 ha.

Một dự án khác tại Sơn Tây là Học viện thể thao T&T quy mô 36 ha nằm trên địa bàn xã Thanh Mỹ.

Tại Sơn Tây, Tổng Công ty Đầu tư Phát triển Nhà và Đô thị (HUD) là chủ đầu tư dự án Khu đô thị HUD Sơn Tây với quy mô 23,4 ha. Dự án được khởi công từ năm 2011, quy mô dân số 4.000 người, dự kiến hoàn thành năm 2023. HUD Sơn Tây có 7,7 ha đất xây nhà liền kề và nhà vườn, ngoài ra còn có công trình nhà ở xã hội cao 15 tầng khoảng 192 căn.

CTCP Tập đoàn Picenza cũng có dự án Khu đô thị Picenza Mỹ Hưng quy mô 20 ha, vốn đầu tư 1.420 tỷ đồng, được thực hiện tại phường Trung Hưng và xã Thanh Mỹ, thị xã Sơn Tây.

Một số nhà đầu tư khác cũng hiện diện tại Sơn Tây như CTCP Tập đoàn Xây dựng và Du lịch Bình Minh với dự án Khu Đô thị Green City Thuần Nghệ, quy mô hơn 6 ha với 237 lô đất liền kề và biệt thự; CTCP Xây dựng và Đầu tư Hoàng Phát có dự án khu đô thị mới Hòa Lạc Premier Residence hơn 10 ha trên quốc lộ 21, phường Sơn Đông.

Quy hoạch Hà Nội 10 năm nhìn lại - Bài 20: Bóng dáng nhiều doanh nghiệp lớn tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 9.

Đô thị vệ tinh Xuân Mai được phê duyệt quy hoạch vào tháng 6/2015, nằm tại phía tây nam Thủ đô với diện tích lập quy hoạch khoảng 6.357 ha, bao gồm toàn bộ ranh giới hành chính của thị trấn Xuân Mai và 4 xã Thủy Xuân Tiên, Nam Phương Tiến, Tân Tiến và Hoàng Văn Thụ, huyện Chương Mỹ.

Đây được xác định là đô thị dịch vụ - công nghiệp hỗ trợ phát triển tiểu thủ công nghiệp, hệ thống làng nghề của địa phương, là đô thị đại học, sinh thái dựa trên cảnh quan thiên nhiên hiện có.

Khu vực trọng tâm chính của đô thị là hai điểm trung tâm của hai cực phát triển đô thị Xuân Mai gồm thị trấn hiện hữu và khu vực giữa núi Thoong và sông Bùi. 

Bóng dáng các doanh nghiệp tại các đô thị vệ tinh Hà Nội - Ảnh 6.

Bản đồ quy hoạch sử dụng đất của huyện Chương Mỹ đến năm 2030. (Nguồn: UBND TP Hà Nội).

Tại đô thị vệ tinh Xuân Mai, Tân Hoàng Minh là cái tên từng gây chú ý khi vào tháng 6/2020 đã cùng UBND Hà Nội ký biên bản ghi nhớ cam kết đầu tư dự án Thành phố vệ tinh thông minh Xuân Mai Smart City, huyện Chương Mỹ.

Xuân Mai Smart City có quy mô 3.072 ha, vốn đầu tư giai đoạn 1 là 3,5 tỷ USD, được quy hoạch thành khu đô thị gồm các tiện ích xã hội như bệnh viện, giáo dục các cấp, thể thao, trường đua ngựa quốc tế, sân golf, công viên giải trí... giữ các yếu tố bảo tồn hệ sinh thái, cảnh quan thiên nhiên, thân thiện với môi trường.

Chủ đầu tư cho biết Xuân Mai Smart City sẽ áp dụng các giải pháp mới về trí thông minh nhân tạo (AI), công nghệ thông tin, công nghệ tái tạo năng lượng xanh...trong quản lý vận hành.

Còn trên địa bàn các xã Hoàng Văn Thụ, Tân Tiến và Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ có dự án Khu sân golf 36 lỗ "Sky lake golf and resort club" quy mô 192 ha do Công ty TNHH DK ENC Việt Nam làm chủ đầu tư.