Hà Nội: Chính sách nào cho chính quyền đô thị tại các đô thị vệ tinh?

Chặng đường xây dựng, kiến thiết và phát triển của Thủ đô Hà Nội trong 68 năm qua luôn gắn liền với quy hoạch. Tuy nhiên, sau nhiều năm quy hoạch, 5 đô thị vệ tinh vẫn chưa phát triển như kỳ vọng.

Toàn cảnh Nhà thi đấu Sóc Sơn. (Ảnh: TTXVN).

Vì vậy, Hà Nội đang có nhiều kế hoạch, giải pháp để quy hoạch và xây dựng các đô thị vệ tinh phát triển để mở rộng không gian, giảm áp lực quá tải nội đô, tiến tới một Thủ đô xứng tầm.  

Hạ tầng xã hội còn thiếu

Từ một đô thị nhỏ hẹp với 4 quận nội đô lịch sử, nay Hà Nội có thêm nhiều quận, huyện mới được hình thành to rộng, khang trang và hiện đại.

Để Thủ đô phát triển đến năm 2030, tầm nhìn 2050, Hà Nội đã sớm định hướng và quy hoạch 5 đô thị vệ tinh gồm: Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên và Sóc Sơn với tổng diện tích gần 25.000 ha. Đô thị vệ tinh có mục tiêu: kéo giãn dân cư, giảm ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường; phát triển hài hòa giữa khu vực trọng tâm và vùng ngoại thành... tạo điều kiện đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, đổi mới cơ cấu đầu tư, thúc đẩy vai trò liên kết của Hà Nội với các tỉnh trong khu vực.

Đô thị vệ tinh Hòa Lạc (Thạch Thất - Quốc Oai- Thị xã Sơn Tây) là đô thị vệ tinh lớn nhất, hình thành sớm nhất trong số 5 đô thị vệ tinh của Hà Nội.

Theo quy hoạch chung tỷ lệ 1/10.000 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 5/2020, đô thị vệ tinh Hòa Lạc có quy mô diện tích 17.274 ha, dân số dự kiến khoảng 600.000 người. Nơi đây sẽ hình thành 7 khu vực chức năng; trong đó, hai phân khu quan trọng nhất, là phần lõi của đô thị Hòa Lạc gồm Khu Đại học Quốc gia Hà Nội (HL1) và Khu Công nghệ cao Hòa Lạc (HL2).

Tại đô thị vệ tinh Hòa Lạc đã là điểm dừng chân của nhiều doanh nghiệp lớn trong nước như: Viettel, VNPT, FPT, TH Group..., cùng nhiều nhà đầu tư nước ngoài: Hàn Quốc, Nhật Bản...Tuy nhiên, những dự án trên chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong đô thị Hòa Lạc. Còn lại phần lớn diện tích vẫn chưa được giải phóng mặt bằng.

Từ tuyến Đại lộ Thăng long xuôi theo hướng Sơn Tây - Ba Vì nhìn sang về đô thị Hòa Lạc, khó ai có thể nhận ra sự khác biệt của đô thị này về hình dáng, kiến trúc cũng như cảnh quan khu vực; vẫn là nhưng khu dân cư nông thôn hiện hữu.

Tại một số xã của huyện Thạch Thất dù nằm trong quy hoạch đô thị Hòa Lạc nhưng cũng chưa được giải phóng mặt bằng. Điều này cũng gây khó khăn cho chính người dân.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, xã Thạch Hòa (Thạch Thất) cho biết, nhiều hộ dân do nằm trong quy hoạch đô thị vệ tinh nên không thể xây dựng nhà cửa. Ông mong muốn, Nhà nước sớm đền bù, giải phóng mặt bằng để được dọn đến nơi ở mới, chứ thế này có tiền cũng xây được nhà cao cửa rộng để ở, rất bí bách, chật hẹp.

Tại tuyến đường thuộc các xã nằm trong đô thị Hòa Lạc, cũng thấy thiếu vắng hạ tầng khung mang tính kết nối. Tuyến đường giao thông, chợ nhỏ hẹp, chưa tạo ra sự liên kết vùng theo đúng chức năng của một đô thị vệ tinh.

Theo quy hoạch đô thị vệ tinh Phú Xuyên có vai trò chia sẻ phát triển với khu vực trung tâm về công nghiệp và dịch vụ gắn với cảng và đầu mối tiếp vận cửa ngõ phía Nam Hà Nội. Đây cũng là đô thị đa chức năng về dịch vụ tiếp vận, công nghiệp, cảng, đào tạo, y tế, giải trí và dịch vụ thương mại, trung tâm kinh tế thúc đẩy đô thị hóa khu vực nông thôn vùng Nam Hà Nội. Nhưng hơn 10 năm nay, tại địa phương này chưa có dáng vẻ một đô thị hiện đại như quy hoạch.

Theo ông Lã Hồng Sơn, Phó trưởng Phòng Quản lý quy hoạch phát triển các đô thị vệ tinh và nông thôn Sở Quy hoạch – Kiến trúc Hà Nội, từ lý thuyết đến thực tiễn trên thế giới cho thấy, các quy hoạch vùng và mô hình chùm đô thị đã chứng minh được bài toán về nhằm "hút" dân số ở nội đô ra các đô thị vệ tinh, giảm áp lực cho nội thành, giải quyết được nhiều vấn đề đô thị cho đô thị lõi vốn đã có quá nhiều áp lực về giao thông, trường học, môi trường.

Mặt khác, đô thị vệ tinh còn có giá trị để mang lại sức khỏe cho cộng đồng, năng suất tối đa cho các hoạt động kinh tế và mang lại cân bằng cho các hoạt động xã hội. Song, do nhiều nguyên nhân, các đô thị vệ tinh của Hà Nội chưa phát triển đúng như kỳ vọng.

Chính sách quyết liệt

 Toàn cảnh Nhà thi đấu Sóc Sơn. (Ảnh: TTXVN).

Trong bối cảnh Hà Nội hiện nay, Bộ Chính trị vừa ban hành Nghị quyết số 15-NQ/TƯ có nêu: "… xây dựng mô hình thành phố trực thuộc Thủ đô tại khu vực phía Bắc (vùng Đông Anh, Mê Linh, Sóc Sơn) và phía Tây (vùng Hoà Lạc, Xuân Mai). "Tập trung hình thành một số cực tăng trưởng mới; từng bước tạo ra chùm đô thị, các đô thị vệ tinh…", từ những gợi mở trên cho thấy Bộ Chính trị cũng đặc biệt quan tâm đến việc phát triển đô thị vệ tinh tại địa bàn Thủ đô.

Theo giới chuyên gia, để thực hiện mục tiêu của Nghị quyết trên, Hà Nội cần có các chính sách cụ thể tạo lập chính quyền đô thị tại các đô thị vệ tinh để các đô thị vệ tinh thực sự có cơ hội phát triển.

Theo ông Ngô Trung Hải, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cần phải có cái nhìn cởi mở hơn về mô hình đô thị vệ tinh, từ đó kêu gọi xã hội hóa vào xây dựng hạ tầng. Trường hợp, dùng ngân sách để làm hạ tầng sẽ dẫn đến chậm chạp.

Nguyên Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, kiến trúc sư Lã Thị Kim Ngân cho rằng, quy hoạch sẽ phá sản nếu không gắn sát với thực tiễn. Quy hoạch xong, cần phải có nguồn lực và quyết tâm, lộ trình thực hiện quy hoạch.

Ở góc nhìn địa phương, ông Phạm Quang Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn (Hà Nội) cho rằng, địa phương có lợi thế là đầu mối giao thông phía Bắc của Thủ đô với đa dạng loại hình giao thông: Đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hành không, tiếp giáp với các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Về tiềm năng đất đai, diện tích đất tự nhiên là 305,5 km vuông, đứng thứ hai TP Hà Nội, có cảnh quan thiên nhiên rừng, mặt nước rộng lớn với đa dạng sinh học; tiềm năng về lịch sử, văn hóa... Huyện đã được quy hoạch là đô thị vệ tinh, song về sự phát triển lại không được như tiềm năng. So với huyện lân cận là Đông Anh thì Sóc Sơn kém xa về hạ tầng xã hội.

Từ những nội dung trên, huyện kiến nghị thành phố, sớm phê duyệt công bố quy hoạch phân khu đô thị Sóc Sơn với ưu tiên cho phát triển các ngành: công nghiệp sạch, công nghiệp logistics.

Mặt khác, thành phố cũng cần xuất điều chỉnh, bổ sung quy hoạch tổng thể phát triển của huyện để phù hợp với định hướng của Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị với yêu cầu huyện Sóc Sơn cùng với huyện Mê Linh, Đông Anh được định hướng phát triển là thành phố phía Bắc của Thủ đô gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ y tế, giáo dục, sinh thái.

Ngoài việc ra các chính sách để “cứu” các đô thị vệ tinh khỏi rơi vào cảnh giậm chân tại chỗ, trước mắt, Hà Nội cũng cần đẩy nhanh tiến độ và hoàn thiện quy hoạch phân khu nhằm một bước cụ thể hóa quy hoạch chung các khu đô thị vệ tinh. Cứ kéo dài thời gian quy hoạch phân khu, các địa phương trên sẽ bị “ngáng trở” trong quá trình kêu gọi đầu tư vào đô thị vệ tinh, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của mỗi địa phương, hao tổn nguồn lực đất đai.

chọn
Toàn cảnh đường Lương Định Của mở rộng sắp thông xe tại TP Thủ Đức
Dự án nâng cấp, mở rộng đường Lương Định Của tại TP Thủ Đức có chiều dài khoảng 2,5 km. Đây là một trong 10 công trình giao thông dự kiến thông xe trước Tết Nguyên đán của TP HCM.