Thị trường bất động sản phát triển nhanh chóng từ sau khi Việt Nam chính thức gia nhập WTO (2007) nhờ đón nhận làn sóng đầu tư lớn sau hội nhập, tăng trưởng tín dụng cao, thị trường chứng khoán phát triển cực thịnh.
Nguồn vốn thặng dư lớn chuyển dịch từ thị trường chứng khoán sang thị trường bất động sản kéo theo cơn sốt đất với giá nhà đất tăng cao từ 50 - 100%. Nhu cầu thị trường có sự chuyển đổi từ nhà mặt tiền, nhà phố sang căn hộ cao cấp và biệt thự.
Bên cạnh đó, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực (2007), cùng sự ra đời của các hành lang pháp lý như Luật Đăng ký bất động sản, Luật thuế sử dụng đất, Luật Nhà ở, chính sách áp dụng cho Việt kiều mua nhà… thu hút sự tham gia đông đảo của giới đầu cơ lướt sóng.
Đây là giai đoạn huy hoàng của loạt "ông lớn" địa ốc vang bóng một thời như Sudico, Bitexco, Nam Cường, Geleximco, HUD, Vinaconex… trước khi bong bóng bất động sản đổ vỡ năm 2011.
Đơn cử như Sông Đà Sudico hơn chục năm về trước nổi lên là một đại gia trong làng bất động sản quỹ với quỹ đất khổng lồ tại nhiều dự án lớn.
Doanh nghiệp từng là chủ đầu tư dự án Khu đô thị mới Nam An Khánh có quy mô hơn 280 ha (huyện Hoài Đức, Hà Nội) - được ví là "thiên đường cuộc sống" giai đoạn 2004 -2005. Các sản phẩm biệt thự, liền kề tại đây làm mưa làm gió trên thị trường với giá chào bán có khi lên tới 50-60 triệu đồng/m2 vào thời điểm đó.
Tuy nhiên trước những áp lực nợ vay của doanh nghiệp và tình trạng tiêu cực nói chung của thị trường bất động sản sau giai đoạn 2011, Sudico đã dần phải bán bớt các phần tại đại dự án nêu trên cho các chủ đầu tư thứ cấp.
Tương tự, Tập đoàn Bitexco ghi dấu ấn qua hàng loạt công trình tầm cỡ. Tại Hà Nội, doanh nghiệp ghi dấu nhờ dự án Khách sạn 5 sao JW Marriott cùng đại dự án The Manor Mỹ Đình – TTTM The Garden.
Dự án The Manor Mỹ Đình – TTTM The Garden. (Ảnh: Bitexco).
Hay như đại dự án Geleximco Lê Trọng Tấn do Tập đoàn Geleximco làm chủ đầu tư từng được xếp vào hàng siêu đô thị. Dự án triển khai từ năm 2007 với quy mô 135 ha. Thời "hoàng kim" giá đất nền, nhà xây thô chuyển nhượng tại dự án này trên thị trường có khi lên đến 80 triệu đồng/m2.
Năm 2008, thị trường bất động sản chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và chính sách thắt chặt tín dụng của Chính phủ. Chính phủ sau đó đã tung gói kích cầu giúp thị trường giai đoạn 2009 – 2010 ấm trở lại. Tuy nhiên trong thời gian đó, thị trường xuất hiện cơn sốt cục bộ do tác động của phương thức "mua bán nhà trên giấy" và dự án quy hoạch thủ đô mở rộng.
Nhắc đến sốt ảo trong bất động sản không thể bỏ qua "hiện tượng Nam Cường". Tập đoàn Nam Cường từng ôm quỹ đất khủng lên tới gần chục nghìn ha ở TP Hà Nội. Một trong những dự án tiêu biểu của chủ đầu tư này là Khu đô thị mới Dương Nội quy mô gần 200 ha, có tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng.
Dự án Khu đô thị mới Dương Nội của Nam Cường. (Ảnh: khudothinamcuong.com.vn).
Hồi cuối năm 2009, trong khi thị trường bất động sản Hà Nội đang bắt đầu có dấu hiệu đóng băng bỗng nổi lên "hiện tượng Nam Cường" khi hàng nghìn người dân đã chen lấn, xô đẩy nhau tại sàn giao dịch bất động sản chỉ để giành được một phiếu quyền bốc thăm mua căn hộ chung cư ở dự án Dương Nội.
Thế nhưng không lâu sau đó, phiếu bốc thăm đã được giới đầu cơ rao bán ngang giá, thậm chí thấp hơn giá của chủ đầu tư kèm thỏa thuận giá căn hộ sẽ đúng nguyên giá khi chủ đầu tư công bố.
Sau thời gian dài cuốn theo những thông tin về đại dự án của các công ty địa ốc thời đó, từ nửa cuối năm 2011 thị trường bất động sản Hà Nội gần như bị "đóng băng" kéo theo loạt doanh nghiệp lao đao và khiến nhiều dự án trì trệ nhiều năm.
Song, trong khi nhiều "ông lớn" bất động sản lúc đó sa lầy trong gánh nặng tài chính, thị trường lần lượt xuất hiện các tên tuổi mới với quy mô doanh nghiệp tăng trưởng nhanh chóng như nhóm Vingroup, nhóm Sunshine, Sungroup, BRG hay Tân Hoàng Minh...
Tiêu biểu nhất là Tập đoàn Vingroup do ông Phạm Nhật Vượng dẫn dắt với hai thương hiệu bất động sản nhà ở Vinhomes và bất động sản bán lẻ Vincom Retail.
Vinhomes được Vingroup cho ra mắt vào tháng 11/2013, hoạt động trong lĩnh vực phát triển, cho thuê và vận hành bất động sản nhà ở phức hợp phân khúc trung và cao cấp. Thế mạnh của Vinhomes là cung cấp các sản phẩm vượt trội với cơ sở hạ tầng đồng bộ và hiện đại.
Thương hiệu BĐS Vinhomes lần đầu ghi dấu tại thị trường Hà Nội thông qua dự án Vinhomes Riverside (183,5 ha) được xây dựng từ 2011 - Thời điểm những căn biệt thự đầu tiên mang thương hiệu Vinhomes được ra mắt với vị trí tọa ven sông, mô phỏng các "ngôi nhà nổi" tại thành phố Venice tại nước Ý.
Hiện nay, tại Hà Nội, Vinhomes đang tập trung đẩy mạnh bán hàng và chuyển nhượng các sản phẩm tại hai đại đô thị Vinhomes Ocean Park (420 ha) và Vinhomes Smart City (280 ha). Trong thời gian này, Vinhomes đồng thời lên kế hoạch ra mắt hai đại dự án khác tại Hà Nội gồm Vinhomes Wonder Park tại Đan Phượng (133 ha) và Vinhomes Cổ Loa tại Đông Anh (385 ha).
Ngoài những đại dự án nêu trên, doanh nghiệp còn sở hữu nhiều dự án khác như Times City, Royal City, West Point... với tổng quỹ đất tại Hà Nội lên tới 3.280 ha, theo báo cáo của VCSC.
Không phóng đại khi nói Vinhomes đang là tên tuổi số một tại thị trường địa ốc Hà Nội. Xét quy mô vốn, doanh nghiệp hiện sở hữu số vốn điều lệ lớn nhất thị trường với hơn 43.500 tỷ đồng (gần 2 tỷ USD). Ngoài ra, theo báo cáo của các đơn vị như JLL, CBRE, nguồn cung căn hộ và nhà đất của Vinhomes liên tục chiếm lĩnh thị trường Hà Nội trong những năm gần đây.
Gamuda Land Việt Nam được Gamuda Berhad (Malaysia) thành lập tại Hà Nội vào năm 2007. Trong thời gian hoạt động, doanh nghiệp này đã nhiều lần nâng vốn điều lệ, có thời điểm đạt 4.600 tỷ đồng (11/2019) trước khi điều chỉnh giảm còn hơn 3.800 tỷ đồng và không đổi cho đến nay.
Tên tuổi Gamuda tại Hà Nội gắn liền với siêu dự án Khu đô thị sinh thái Gamuda Gardens rộng 500 ha, vốn đầu tư ban đầu lên tới 5 tỷ USD. Dự án nằm ở cửa ngõ phía nam Hà Nội, thuộc phường Trần Phú và Yên Sở, quận Hoàng Mai.
Trong khi Vinhomes hay Gamuda Land hướng đến những dự án có diện tích rộng và phát triển ra các vùng ven thủ đô, thì các tên tuổi như Sungroup, BRG, Sunshine Group hay Tân Hoàng Minh lại ưa thích những khu đất trung tâm có vị trí đắc địa.
Đơn cử với Tập đoàn Sungroup, mặc dù doanh nghiệp tập trung đầu tư vào bất động sản nghỉ dưỡng tại Phú Quốc và Đà Nẵng, song hai dự án cao cấp Sun Grand City Thụy Khuê nằm kề công viên Bách Thảo - Hồ Tây và Sun Grand City Ancora Residence cạnh sông Hồng cũng giúp doanh nghiệp để lại dấu ấn tại thị trường Hà Nội.
Cập nhật gần nhất vào tháng 6/2021, vốn điều lệ của Sungroup đã tăng lên gần 10.108 tỷ đồng, chỉ đứng sau các thành viên nhóm Vingroup.
Tương tự, hệ sinh thái Sunshine Group của ông Đỗ Anh Tuấn cũng đang ôm loạt dự án đắc địa tại trung tâm Hà Nội. Hai công ty trong nhóm này là KSFinance và Sunshine Homes vừa lên sàn chứng khoán lần lượt vào tháng 8 và tháng 10/2021 với vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng và 2.500 tỷ đồng. Riêng Sunshine Group hiện có vốn điều lệ 8.500 tỷ đồng.
KSFinance là chủ đầu tư các dự án Sunshine Riverside Phú Thượng ra mắt năm 2016 (nằm trong KĐT Ciputra với vốn đầu tư 2.000 tỷ đồng), ngoài ra còn dự án Golden River (2.300 tỷ đồng), Crystal River (3.300 tỷ đồng).
Còn Sunshine Homes sở hữu dự án Sunshine Center (1.800 tỷ đồng) và Sunshine City Tây Hồ (4.400 tỷ đồng) đã được đưa vào sử dụng. Ngoài ra, doanh nghiệp đang phát triển dự án Wonder Villas tại Tây Hồ với diện tích hơn 11 ha và tổng vốn 5.300 tỷ đồng.
Một trong những thương hiệu bất động sản hạng sang tại Hà Nội không thể bỏ qua Tân Hoàng Minh. Doanh nghiệp từng gây xôn xao dư luận với loạt dự án siêu sang trên các khu đất vàng Hà Nội với giá bán gần như đắt nhất thị trường.
Đơn cử với dự án "căn hộ đế vương" D'. Palais Louis - Nguyễn Văn Huyên, ngay từ thời điểm mới công bố dự án năm 2012, giá bán được tiết lộ đã trên 100 triệu đồng/m2. Như vậy, căn hộ có giá thấp nhất của dự án khi đó là trên 12 tỷ đồng, cao nhất là lên tới vài triệu USD.
Tân Hoàng Minh còn từng "sánh vai" với Tập đoàn Vingroup dẫn đầu về doanh số bán căn hộ và số lượng bán hàng tại thị trường Hà Nội vào năm 2017, theo báo cáo của Savills.
Liên quan đến Tập đoàn BRG của Chủ tịch Nguyễn Thị Nga, doanh nghiệp không chỉ là chủ chuỗi dự án BĐS Oriental nằm trên những con phố huyết mạch của thủ đô như Lạc Long Quân, Hai Bà Trưng, Láng Hạ... mà còn đứng sau dự án sân golf Kings' Island rộng 350 ha tại Đồng Mô, Hà Nội. Mặt khác, BRG còn rót vốn cho hai khách sạn 5 sao tại thủ đô là Hilton Opera và Hilton Hanoi Westlake.
Đầu tháng 9 vừa qua, BRG đã tăng vốn lên gần 8.200 tỷ đồng, góp mặt vào top các doanh nghiệp quy mô lớn nhất thị trường Hà Nội.
Quy hoạch 06:48 | 10/12/2021
Quy hoạch 07:00 | 09/12/2021
Quy hoạch 07:12 | 08/12/2021
Dự án 07:00 | 06/12/2021
Dự án 06:54 | 03/12/2021
Dự án 06:52 | 02/12/2021
Quy hoạch 07:00 | 01/12/2021
Chủ đầu tư 09:28 | 30/11/2021