Dù không xảy ra trận mưa ngập nào nghiêm trọng khiến hàng chục người thiệt mạng như năm 2008, nhưng trong 10 năm trở lại đây, tình trạng ngập cục bộ có dấu hiệu xảy ra thường xuyên hơn ở cả nội và ngoại thành Hà Nội. Người sinh sống tại Hà Nội đã quen dần với "đặc sản" kẹt xe, ngập nước mỗi khi mưa đến.
Một trong những trận ngập lớn nhất trong 10 năm qua có thể kể đến ngày 25/5/2016, một trận mưa lớn làm úng ngập cục bộ 34 điểm tại Hà Nội, giao thông đình trệ nhiều giờ đồng hồ. Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia cho biết đây là trận mưa lớn nhất lịch sử trong cùng kỳ tháng 5 suốt từ năm 1971 đến thời điểm đó.
Tổng lượng nước tích lũy trong 12 giờ mưa lớn tại Hà Nội thời điểm đó phổ biến 100 - 200 mm. Lượng mưa cao nhất đêm 24/5 được ghi nhận ở Chương Mỹ hơn 400 mm; Láng hơn 200 mm, một số nơi khác trên 300 mm như Thanh Oai, Hà Đông (riêng Hà Đông xấp xỉ 350 mm)...
Trong khi đó, trận mưa lịch sử vào cuối tháng 10/2008 với lượng mưa tích lũy 12 giờ ở Hà Đông đạt gần 400 mm.
Ngập lụt kéo dài nhiều ngày hồi năm 2018 ở Chương Mỹ và Quốc Oai. (Ảnh: Zing News).
Năm 2018 cũng xảy ra một trận mưa lớn vào rạng sáng 13/5 tại Hà Nội với lượng mưa vượt quá khả năng thoát nước của thành phố (cường độ 70 mm/2h).
Cũng trong năm này, trận mưa lớn cuối tháng 7 cùng với nước lũ từ thượng nguồn đổ về đã khiến nước sông Bùi chảy qua Hà Nội dâng cao, gây ngập lụt nặng nề cho một số huyện ngoại thành, đặc biệt là huyện Chương Mỹ.
Thời điểm sau trận mưa gần 10 ngày, ghi nhận tại huyện, mưa to đã ngớt nhưng nước lũ không có dấu hiệu giảm mà còn dâng cao hơn. Nhiều xã, thôn vẫn ngập sâu hơn một mét khiến nước ngập tận mái nhà.
Đến năm 2020, trận mưa đầu tháng 3 được xác định có lượng mưa lớn nhất vào tháng 3 tại Thủ đô trong khoảng 50 năm qua.
Năm 2021, Hà Nội đã trải qua ít nhất ba lần ngập cục bộ tại các tuyến phố sau các cơn mưa lớn hồi tháng 5, 7 và đầu tháng 10.
Sau cơn mưa khoảng 1 - 2h, nhiều tuyến phố trên địa bàn Hà Nội ngập sâu, giao thông gần như tê liệt, la liệt phương tiện chết máy. Độ ngập phổ biến từ 20 - 40 cm; một số tuyến phố trung tâm nội đô như Tràng Tiền, khu vực Nhà Hát Lớn (quận Hoàn Kiếm), Thụy Khuê (quận Tây Hồ), Kim Mã, Đào Tấn (quận ba Đình), Nguyễn Trãi (quận Thanh Xuân) ngập sâu hơn từ 40 - 50 cm. Đáng chú ý, có điểm ngập tới hơn một mét.
UBND TP Hà Nội xác nhận rằng, tình trạng úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra và thường xuyên hơn.
Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin, đến cuối năm 2020, Hà Nội đã giảm được 5/16 trọng điểm về ngập úng. Như vậy, trong năm 2021, Hà Nội còn tồn đọng 11 trọng điểm về ngập úng khi có mưa lớn.
Cụ thể là ngã tư Phan Bội Châu – Lý Thường Kiệt (quận Hoàn Kiếm); phố Cao Bá Quát, đoạn trước cửa Công ty Môi trường đô thị (quận Ba Đình); phố Thụy Khuê, đoạn dốc La Pho (quận Ba Đình); phố Minh Khai, đoạn chân cầu Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng); phố Nguyễn Chính, đoạn từ ngõ 74 đến cống hóa mương Tân Mai (quận Hai Bà Trưng); phố Nguyễn Khuyến, khu vực cổng trường Lý Thường Kiệt (quận Đống Đa); ngã năm Đường Thành – Bát Đàn – Nhà Hỏa (quận Đống Đa); phố Hoa Bằng, đoạn từ số nhà 91 đến số 97 và từ số nhà 54 đến 56 (quận Cầu Giấy); đường Ngọc Lâm, từ ngã ba Long Biên 1 đến Xí nghiệp Môi trường Đô thị Gia Lâm (quận Long Biên); đường Hoàng Như Tiếp, đoạn từ trường tiểu học Ngọc Lâm đến ngã 3 Hoàng Như Tiếp – Ái Mộ (quận Long Biên).
Ở phía tây Hà Nội, trọng điểm ngập úng là đại lộ Thăng Long, đoạn ngã ba Lê Trọng Tấn, hầm chui số 3, 5, 6, km9 + 656, nút giao An Khánh.
Theo ghi nhận của người viết, ngoài các điểm ngập úng trên, chỉ cần trận mưa có cường độ từ 50 - 100 mm/2h xuất hiện còn khiến hàng loạt tuyến đường khác tại các quận nội thành ngập cục bộ, giao thông tê liệt.
Đơn cử như khu vực Định Công (Hoàng Mai); Xuân Thủy, Phan Văn Trường, Trần Bình (Cầu Giấy); Nguyễn Gia Thiều (Hai Bà Trưng); Đội Cấn, Kim Mã, Đào Tấn (Ba Đình); ngã tư Tràng Tiền - Hàng Bài - Đinh Tiên Hoàng - Hàng Khay (Hoàn Kiếm);...
Bản đồ vị trí các điểm ngập úng khi mưa của Thoát nước Hà Nội cũng cảnh báo tới 39 vị trí thường xảy ra ngập úng.
Lý giải về nguyên nhân xảy ra ngập úng, nhiều chuyên gia cho rằng, địa hình Hà Nội cao 3,5 đến 9 m so với mặt nước biển, cao hơn Hải Phòng và tương đương một số thành phố nên việc úng ngập hiện nay không phải do địa hình. Nguyên nhân chủ yếu là tốc độ đô thị hóa khu vực này quá nhanh, song không có sự kiểm soát cốt nền trong các dự án xây dựng cũng như không có giải pháp về thoát nước đồng bộ khu vực.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, một số điểm ngập úng dai dẳng do thi công các dự án giao thông, hạ tầng gây ảnh hưởng đến khả năng tiêu úng. Trong số này có thể kể đến dự án tại khu vực nội đô lịch sử như ga tàu điện S12 trên phố Trần Hưng Đạo, mở rộng đường vành đai 2 gây ngập úng chân cầu Vĩnh Tuy, hay dự án cống hóa một số đoạn của tuyến mương Thụy Khuê,...
Với kinh nghiệm nhiều năm nghiên cứu về quy hoạch TP Hà Nội, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội cho rằng, trong quy hoạch phân khu có quy hoạch thoát nước cụ thể, nhưng đấy là bản vẽ. Vấn đề thoát nước không chảy theo bản vẽ mà chảy theo địa hình tự nhiên. Chỗ cao thì khô, chỗ thấp thì nước đổ vào.
"Bên cạnh đó, 20 năm nay, có nhiều quy hoạch không được thực hiện. Nếu tình trạng tiếp diễn, phải hàng chục năm nữa thì những địa điểm kể trên mới thoát được nước, còn hiện tại thì người dân phải chấp nhận chờ đợi mà thôi," ông Ánh nói.
Nói thêm về tình trạng ngập nặng ở phía tây, Kiến trúc sư Trần Huy Ánh cho rằng, Quy hoạch Hà Nội năm 2011 đã hình thành nên mô hình hành lang xanh (sông Nhuệ, sông Tích, sông Đà), với bản chất là nằm trên hành lang thoát lũ của người Pháp từ những năm 1905 và đập Đáy được hoàn thành vào năm 1937 để phòng lũ cho sông Hồng.
"Hàng trăm năm nay, vùng đất cao thì dân ở, chỗ thấp thì làm ruộng, thấp hơn nữa thì nuôi cá, còn riêng hành lang thoát lũ là không làm gì bởi người Pháp không cho làm.
Sau khi Hòa Bình làm hồ thoát lũ, nước sông Hồng giảm, không còn lũ lớn, vùng thoát lũ gần như không có nước. Nhiều năm gần đây, khu vực hành lang thoát lũ trống trải được đưa vào để làm đô thị, giải phóng hành lang thoát lũ.
Đó là nguyên nhân gây nên tình trạng ngập lụt ở khu vực đê chắn giữa hành lang thoát lũ, chính là Đại Lộ Thăng Long hiện nay", ông Ánh cho biết.
Tình trạng úng ngập cục bộ tại khu vực nội thành và một số khu vực đô thị hóa nhanh vẫn diễn ra và thường xuyên hơn.
Vị Kiến trúc sư này cũng nhận định, việc ngập lụt như ở Đại Lộ Thăng Long được phản ánh rất nhiều. Ngoài ngập ở các hầm chui đại lộ, khi mưa lớn, nước còn tràn vào tầng hầm các khu đô thị, thậm chí có những ngôi làng ngập hàng mét như ở Chương Mỹ, Quốc Oai, Thanh Oai.
Để hạn chế được tình trạng úng ngập ở Hà Nội, Ủy viên Ban Thường vụ Hội Kiến trúc sư TP Hà Nội cũng cho rằng, trong điều chỉnh quy hoạch chung sắp tới, Hà Nội cần có chiến lược phân thành ba khu vực để có giải pháp cụ thể: Nội thành, các khu đô thị mới ven đô và vùng nông thôn (nhất là vùng trũng ngập, hành lang thoát lũ).
Đồng thời cần tích hợp dự án thoát nước với các dự án hạ tầng đô thị như đường sắt đô thị đi ngầm, bãi đỗ xe ngầm, dịch vụ kỹ thuật, hầm đường bộ…
Từ năm 1998 đến nay, Hà Nội đã bơm hàng chục nghìn tỷ đồng vào dự án thoát nước, trong đó có ba dự án lớn với nguồn kinh phí lên tới hơn 19.000 tỷ đồng.
Cụ thể, dự án thoát nước Hà Nội giai đoạn II có mức đầu tư hơn 8.000 tỉ đồng, khởi động từ năm 2006, đến 2016 mới hoàn thành. Dù vậy, Hà Nội vẫn không tránh được ngập úng.
Từ năm 2015 đến nay, thành phố tiếp tục phê duyệt các dự án gồm trạm bơm tiêu Yên Nghĩa (7.400 tỷ đồng) và Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (3.600 tỷ đồng)… nhằm thoát nước, chống ngập úng cho khu vực phía tây (các quận Cầu Giấy, Nam, Bắc Từ Liêm, Hà Đông và các huyện ngoại thành vừa mở rộng).
Trong đó, trạm bơm tiêu Yên Nghĩa có công suất 120 m3/giây bơm nước từ lưu vực sông Nhuệ ra sông Đáy, giảm ngập úng cho quận Hà Đông, Thanh Xuân.
Cụm công trình đầu mối Liên Mạc có công suất 170 m3/giây (gần gấp đôi trạm bơm Yên Sở) bơm nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng, giảm ngập úng cho khu vực quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và phụ cận.
Tuy nhiên, đến nay, cả hai dự án này vẫn đang triển khai chậm trễ, việc thoát nước ở khu vực các quận nêu trên vẫn là tự chảy. Nếu theo đúng tiến độ, năm 2020, cả ba dự án kể trên sẽ phát huy hiệu quả nhưng nhiều điểm ở nội thành Hà Nội vẫn ngập khi trời mưa to.
Theo báo cáo rà soát của Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội, quá trình cụ thể hóa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống thoát nước mới được đầu tư xây dựng hoàn chỉnh ở khu vực nội thành thuộc khu vực sông Tô Lịch, sông Lừ, sông Sét và sông Kim Ngưu với diện tích 77,5 km2 (gồm các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Tây Hồ và một phần các quận Cầu Giấy, Thanh Xuân) và có thể giải quyết tình trạng ngập úng cho những trận mưa có cường độ 300 mm/2 ngày.
Trong đó đã đầu tư được 12/39 trạm bơm với tổng công suất khoảng 180 m3/s đạt tỷ lệ khoảng 18%/tổng công suất trạm bơm khu vực đô thị trung tâm. Các khu vực khác của TP chưa được đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước mưa như khu vực Tả Hữu Nhuệ, khu vực Long Biên, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm và các khu đô thị mới nên vẫn còn tình trạng ngập úng cục bộ khi có mưa lớn.
Bên cạnh đó, trung tâm điều hành hệ thống thoát nước của TP Hà Nội cho biết đã vận hành 15 camera giám sát điểm úng ngập; nâng cấp phần mềm HSDC Maps trên điện thoại thông minh như: Cảnh báo ngập lụt, gợi ý chỉ đường, thông tin mực nước, lượng mưa, hình ảnh camera của điểm ngập, tương tác với người dân qua chức năng gửi thông tin sự cố...
Các thông số của Trung tâm đã được kết nối với Cổng Giao tiếp điện tử của TP Hà Nội hoặc tại website của Công ty Thoát nước để người dân nắm bắt tình tình diễn biến các trận mưa, điểm úng ngập trên địa bàn thành phố.
Trong kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 của TP Hà Nội (ban hành ngày 6/9/2021), thành phố dự chi khoảng 1.156,5 tỷ đồng cho lĩnh vực cấp, thoát nước.
Trong đó, Hà Nội ưu tiên đầu tư cho các dự án giải quyết tình trạng ngập úng diện rộng và cục bộ trên địa bàn thành phố.
Các dự án khởi công mới như hệ thống thu gom nước thải (lưu vực S1) về Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở xây dựng giai đoạn 2021 - 2026, tổng mức đầu tư 2.600 tỷ đồng. Dự án có quy mô gồm 9 trạm bơm 56,3 km cống trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Nhà máy xử lý nước thải Tây sông Nhuệ (quận Bắc Từ Liêm), dự kiến xây dựng giai đoạn 2024 - 2028, tổng mức đầu tư 2.950 tỷ đồng; xây dựng hệ thống thoát nước mưa lưu vực tả sông Nhuệ, giai đoạn 2021 - 2026, tổng mức đầu tư 1.300 tỷ đồng; xây dựng thoát nước quận Hà Đông thuộc lưu vực Hữu Nhuệ, giai đoạn 2021 - 2026, TMĐT 1.400 tỷ đồng.
Hai dự án xây dựng nhà máy xử lý nước thải tại xã Sơn Đông và Vân Canh (371 tỷ đồng); đầu tư hệ thống mạng quan trắc môi trường trên địa bàn TP Hà Nội (709,5 tỷ đồng); cải tạo, nâng cấp trạm bơm Thanh Điềm, huyện Mê Linh (168,9 tỷ đồng).
Hiện nay, nhiều công trình trọng điểm giai đoạn 2016 - 2020 về lĩnh vực thoát nước còn dang dở được chuyển tiếp sang đầu tư trong 5 năm tới như: Dự án cải thiện hệ thống tiêu nước khu vực phía tây TP Hà Nội (trạm bơm tiêu Yên Nghĩa) 4.723 tỷ đồng; hệ thống xử lý nước thải Yên Xá, huyện Thanh Trì 16.293 tỷ đồng; khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn 2 trị giá 1.487 tỷ đồng; và hàng loạt dự án cải tạo, nâng cấp trạm bơm tại Chương Mỹ, Mỹ Đức, Thường Tín,...
Quy hoạch 06:48 | 10/12/2021
Quy hoạch 07:00 | 09/12/2021
Quy hoạch 07:12 | 08/12/2021
Dự án 07:00 | 06/12/2021
Dự án 06:54 | 03/12/2021
Dự án 06:52 | 02/12/2021
Quy hoạch 07:00 | 01/12/2021
Chủ đầu tư 09:28 | 30/11/2021