Ông Lưu Văn Hào - Phó chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Đầu tư Quốc lộ 1 Tiền Giang, chủ đầu tư dự án cho biết, hiện các biển báo, hạng mục hư hỏng khu vực trạm đã được sửa chữa, thay thế.
"Trạm có 8 làn thu phí, trong đó có 2 làn thu phí tự động. Đến tháng 10 năm nay, tất cả làn sẽ được lắp đặt xong hệ thống thu phí tự động", ông Hào nói. Dự kiến, xe tải, ôtô khách được phân luồng không đi vào trung tâm thị xã Cai Lậy.
Công an Tiền Giang cho biết đã chuẩn bị các phương án đảm bảo an ninh trật tự khi trạm thu phí lại, về lâu dài cần tuyên truyền thêm để người dân an tâm.
Tài xế dùng tiền xu để trả phí qua trạm BOT Cai Lậy hồi cuối năm 2017. Ảnh: Nguyễn Thành.
Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho rằng, cần mở rộng thêm từ bán kính 5 km, lấy trạm BOT Cai Lậy làm tâm, lên 10 km phạm vi miễn giảm, tương đương sẽ có thêm 31 phường, xã, thị trấn được miễn, giảm mức phí.
Theo ông Trần Văn Bon, Giám đốc Sở Giao thông Tiền Giang, đã có trên 500 hồ sơ của người dân tại 8 xã, một phường xin miễn, giảm giá vé qua trạm BOT Cai Lậy. Tuy nhiên, qua xem xét chỉ có hơn 350 hồ sơ được chấp thuận.
Dự án đầu tư xây dựng Quốc lộ 1 qua thị xã Cai Lậy dài 38,5 km, tổng mức đầu tư ban đầu hơn 1.398 tỷ đồng, bao gồm tăng cường mặt Quốc lộ 1 dài 26,4 km và xây dựng tuyến tránh thị xã Cai Lậy dài 12 km. Trạm thu phí đặt trên Quốc lộ 1 để thu phí cho hai tuyến đường.
Từ khi trạm đi vào hoạt động ngày 1/8/2017, nhiều tài xế đã sử dụng tiền lẻ mua vé, tụ tập đông người gây ùn tắc, mất an ninh trật tự khiến chủ đầu tư phải liên tục xả trạm. Từ ngày 14/12/2017, BOT Cai Lậy đã phải tạm dừng thu phí, chờ phương án xử lý của Chính phủ.
Sau đó, phương án được Chính phủ thống nhất giải quyết là giữ nguyên vị trí hiện tại, giảm giá vé 63% so với trước đây. Cụ thể, xe dưới 12 chỗ, ôtô tải dưới 2 tấn sẽ giảm từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng. Thời gian thu phí sẽ kéo dài từ 7 năm lên 15 năm 9 tháng.
Phương án này được cho là sẽ hạn chế ảnh hưởng đến việc đầu tư các tuyến tránh khác; đồng thời đảm bảo giao thông, tài chính không thay đổi nhiều.