BOT QL38: Không có chuyện cắm biển, 'ép' xe qua trạm?

Liên quan đến việc cắm biển cấm rẽ trái trên đường đê gần BOT QL38, đại diện Sở GTVT Bắc Ninh cho biết biển nhằm phân luồng, không "ép" xe qua trạm
BOT QL38: Không có chuyện cắm biển, ép xe qua trạm? - Ảnh 1.

Xe "né" trạm BOT QL38 thuộc địa bàn huyện Tiên Du, Bắc Ninh.

Không ép xe đi qua trạm BOT QL38

Mới đây, liên quan đến việc Sở GTVT tỉnh Bắc Ninh cắm biển cấm ô tô rẽ trái vào đường đê sông Đuống trước trạm BOT QL38 (địa bàn xã Tân Chi, Tiên Du hướng từ cầu Hồ về TP Bắc Ninh), trao đổi với chúng tôi, một số tài xế cho rằng việc làm này nhằm "ép" phương tiện phải đi qua trạm.

Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Ngọc Tuyển, Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh cho biết thời gian gần đây, kể từ khi có trạm BOT QL38, nhiều phương tiện đã đi qua tuyến đường đê nêu trên gây ách tắc.

"Trước thực trạng này, chúng tôi đã tham mưu tỉnh đề nghị phân luồng trên tuyến đường trên trên.

Biển cấm là nhằm phân luồng chứ không phải ép ai đi đâu hoặc ép đi qua trạm BOT QL38.

Phương tiện không đi qua trạm vẫn rẽ phải trên đường đê sông Đuống được", ông Tuyển nói.

Ghi nhận của chúng tôi cũng cho thấy, song song với việc Sở GTVT Bắc Ninh lắp biển cấm rẽ trái ở đường đê, một số tuyến đường dân sinh trên địa bàn xã Tân Chi (Tiên Du) cũng xuất hiện những tấm biển cấm ô tô vào làng.

Trao đổi với chúng tôi, Chủ tịch UBND xã Tân Chi, ông Nguyễn Đình Quang cho biết đây là do người dân cắm biển để ngăn xe "né" trạm BOT vào làng gây mất ATGT, hư hỏng đường.

Theo Giám đốc Sở GTVT Bắc Ninh, đường làng thuộc về thẩm quyền của địa phương, Sở không can thiệp.

Xe vẫn tiếp tục "né" trạm BOT QL38

Ngày 7/5, trao đổi với chúng tôi về vấn đề xe "né" trạm BOT QL38, ông Nguyễn Hữu Chí, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần BOT 38 cho biết hiện tại chưa có giải pháp.

"Khi lực lượng chức năng cấm đường này thì các phương tiện lại tìm đường khác để không phải đi qua trạm thu phí.

Hiện tại, ô tô vẫn quay đầu trước trạm đi vào đường dân sinh thuộc địa bàn xã Tân Chi và rẽ phải trên đường đê", ông Chí nói.

Cũng theo vị này, thời gian gần đây, doanh thu thu phí của trạm BOT QL38 tiếp tục giảm, không đảm bảo phương án tài chính ban đầu.

"Hiện tại, chúng tôi cũng chưa có giải pháp nào để cải thiện tình hình trên", ông Chí cho biết thêm.

Được biết, nhà đầu tư có văn bản đề nghị Bộ GTVT cho lập thêm trạm phụ. Tuy nhiên, hiện việc lập trạm phụ vẫn đang được xem xét.

Nhiều BOT sụt giảm doanh thu

Trong một diễn biến liên quan, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vừa có báo cáo Bộ GTVT về vấn đề nhiều dự án BOT bị sụt giảm doanh thu só với phương án tài chính.

Cụ thể, Tổng cục cho biết, năm 2018, có 27/57 dự án BOT do đơn vị này quản lí có doanh thu tăng so với phương án tài chính.

Tuy nhiên, đơn vị này cho biết có tới 26 dự án có doanh thu năm 2018 giảm so với phương án tài chính. Ngoài ra, 4 dự án mới khai thác chưa có đánh giá.

Theo đơn vị trên, 26 dự án BOT có doanh thu giảm la do lưu lượng phương tiện trên thực tế thấp hơn so với tỉ lệ tăng trưởng doanh thu dự kiến.

Với các dự án này, phương tiện bị phân chia sang tuyến đường song hành hoặc giá thu phải giảm cho địa phương lân cận.

Một số dự án có doanh thu giảm như BOT mở rộng QL1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang, BOT hầm đường bộ Phú Gia - Phước Tượng, Dự án hầm Đèo Cả doanh thu hơn 450 tỷ đồng, đạt 95%...

Theo ông Nguyễn Hữu Chí, BOT QL38 thời gian gần đây cũng giảm doanh thu khoảng 20% so với phương án tài chính.

Đáng chú ý, theo các ngân hàng thương mại, hiện có tới 32% dự án BOT hoàn thành, khai thác nhưng doanh thu không đạt như dự kiến.

chọn
Hình ảnh khu phức hợp Đại sứ quán Mỹ sau hơn năm khởi công
Hình ảnh mới nhất về tiến độ khu phức hợp Đại sứ quán Hoa Kỳ sau hơn năm khởi công.