BT đổi đất lấy hạ tầng: Cơ hội 'chiếm' đất vàng và khoản sinh lời vô cùng lớn

So với dự án BOT thì dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp. Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương.
du an bt doi dat lay ha tang co hoi chiem dat vang va khoan sinh loi vo cung lon
Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc.

Tổng kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc đã cho biết như vậy khi phát biểu tại hội thảo Cơ chế đầu tư BT - Những vấn đề đặt ra và giải pháp hoàn thiện sáng 19/10.

Theo ông Hồ Đức Phớc, ngay từ những năm đầu của thập kỷ 90, Việt Nam đã thu hút nguồn lực từ nước ngoài thông qua hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (gọi tắt là BT hay đổi đất lấy hạ tầng), một hình thức của đầu tư đối tác công tư (PPP).

"Sau một thời gian tạm lắng xuống của hình thức đầu tư này, đặc biệt là khi thị trường bất động sản hết cơn "sốt nóng", hàng loạt doanh nghiệp, nhà đầu tư đã bộc lộ sự hạn chế về nguồn lực, dẫn đến không ít dự án trong tình trạng triển khai dở dang, kém hiệu quả", ông Phớc nói.

Theo vị này, so với dự án BOT thì dự án BT hiện ít vấp phải phản ứng từ dư luận hơn do người dân không phải bỏ tiền túi một cách trực tiếp để thanh toán cho dự án BT và cũng ít thông tin hơn về các dự án này.

Tuy nhiên, hình thức này cũng rất dễ bị bóp méo, biến tướng do thiếu công khai minh bạch vì lợi ích nhóm, vì những khoản sinh lời vô cùng lớn từ cơ hội sở hữu những mảnh đất đắc địa hoặc những diện tích rộng lớn của địa phương, ông Phớc nhận định.

Tổng Kiểm toán Nhà nước cho biết, khởi nguồn cho những bất cập tại nhiều dự án BT đã thực hiện là do việc không xây dựng và công bố kế hoạch dự án hoặc có nhưng chậm và công tác lựa chọn nhà đầu tư không cạnh tranh, hầu hết chỉ định thầu.

"Hệ quả là không phát huy tốt nhất được nguồn lực xã hội, nhiều nhà đầu tư tại thời điểm được thẩm định, đánh giá và lựa chọn để thực hiện dự án có năng lực tài chính hạn chế, không đảm bảo năng lực và thiếu kinh nghiệm quản lý", ông Phớc nói.

Ngoài ra còn có nguyên nhân từ việc nhà đầu tư yếu kém không đảm bảo tiến độ, kéo dài thời gian thực hiện, phải gia hạn hợp đồng, làm phát sinh tăng chi phí đầu tư và không hoàn thành đúng tiến độ để đảm bảo phục vụ các mục tiêu cấp bách, kịp thời như chủ trương đề ra ban đầu.

Bà Trương Hải Yến, Phó vụ trưởng Vụ Tổng hợp (Kiểm toán Nhà nước) cho biết thêm, đến nay vẫn chưa có văn bản quy định cụ thể về tỷ suất lợi nhuận của nhà đầu tư. Cụ thể, việc xác định yếu tố này chủ yếu được thông qua thương thảo hợp đồng nên vẫn có tình trạng chênh lệch lớn giữa các hợp đồng (cao nhất 12%, thấp nhất 9% so với phần vốn chủ sở hữu).

Theo bà Yến, nếu lợi nhuận nhà đầu tư trong trường hợp chỉ định thầu thì sẽ được xác định trên cơ sở tham khảo mức lợi nhuận bình quân của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực tương ứng. Tuy nhiên, việc thực hiện là rất khó do phạm vi tham khảo rộng và sau khi tham khảo thì vận dụng các thông tin tham khảo như thế nào cho phù hợp với đặc thù cụ thể của từng dự án chưa được quy định rõ ràng.

Một bật cập khác nữa của BT cũng cần được làm rõ đó là vấn đề về tổng mức đầu tư. Bà Yến cho biết, qua kiểm toán một dự án cho thấy tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định làm tăng vốn cho dự án.

"Một số chi phí trong tổng mức đầu tư lập cao so với thực tế và quy định, thiếu căn cứ, chưa chú trọng cắt giảm chi phí những hạng mục không cần thiết làm tăng tổng mức đầu tư không hợp lý nhằm chiếm dụng tiền của ngân sách nhà nước", bà Yến nói. Trong khi đó, theo bà Yến vì ngân sách nhà nước khó khăn nên mới cần huy động vốn theo hình thức này.

Bà Yến cũng cho biết, việc ký kết hợp đồng BT còn chưa phù hợp, không chặt chẽ, thiếu ràng buộc chế tài khi nhà đầu tư vi phạm về tiến độ, thời gian thực hiện dự án, chất lượng công trình…

"Trong trường hợp dự án BT đã được thanh toán bằng dự án giao đất khác trước khi hoàn thành dự án BT, nhà đầu tư sẽ không bị áp lực phải thực hiện dự án đúng theo tiến độ cam kết", bà Yến nói.

Ngoài ra, theo đại diện Kiểm toán Nhà nước, việc quản lý, thực hiện dự án được giao cho nhà đầu tư thực hiện từ khâu thẩm định, phê duyệt dự án, thiết kế dự toán, nhà đầu tư tự lựa chọn các đơn vị tư vấn thiết kế, thi công, giám sát dẫn đến không đảm bảo tính khách quan.

Cùng với đó, việc thực hiện công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ theo chức năng, nhiệm vụ được giao nên dẫn đến để xảy ra sai sót ở tất cả các khâu, gây thất thoát trong quá trình thi công thực hiện dự án, chất lượng dự án kém.

Bà Yến cho biết, theo kết quả kiểm toán, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 3.815,4 tỷ đồng đối với 21 dự án, tương đương 12,54% giá trị được kiểm toán (3.815,4 tỷ đồng/30.425 tỷ đồng).

Từ những bất cập nói trên, lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Tài chính để xây dựng khung lợi nhuận cho các dự án BT. Đồng thời bổ sung tiêu chí đánh giá năng lực quản lý đầu tư các dự án ngành giao thông vận tải vào quy định hiện hành trong quá lựa chọn nhà đầu tư dự án BT.

Đối với Bộ Tài chính, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị Bộ này chỉ đạo các đơn vị tham mưu nghiên cứu ban hành các hướng dẫn cụ thể về thời điểm nhà đầu tư phải góp vốn tối thiểu theo cam kết của hợp đồng nhằm đảm bảo hạn chế tối đa việc sử dụng vốn vay nhằm tiết kiệm chi phí lãi vay trong thời gian xây dựng.

Ngoài ra, cần bổ sung quy định cụ thể về xác định lợi nhuận của nhà đầu tư trong phương án tài chính đối với trường hợp chỉ định nhà đầu tư, trong đó khung tỷ suất lợi nhuận nhà đầu tư phù hợp với từng khu vực, đặc điểm dự án...

chọn
Toàn cảnh vị trí dự kiến xây cầu vượt sông Luộc nối Hải Dương - Thái Bình
Một cầu vượt sông Luộc dự kiến được xây dựng kết nối huyện Thanh Miện, Hải Dương và huyện Quỳnh Phụ, Thái Bình.