Một nửa doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam báo lỗ, thực tế là 'lỗ giả, lãi thật'

Kiểm toán Nhà nước nhận định số doanh nghiệp FDI báo lỗ hiện chiếm đến 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động tại Việt Nam. TP HCM và Bình Dương thu hút rất nhiều doanh nghiệp FDI nhưng 50-60% doanh nghiệp báo lỗ.

Một nửa doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam báo lỗ

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên cho biết hiện nay có tình trạng các doanh nghiệp FDI hoạt động ở Việt Nam lỗ giả nhưng lãi thật, tại Hội thảo Nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư FDI và vai trò của Kiểm toán Nhà nước vừa diễn ra.

Theo ông Tiên, các doanh nghiệp FDI đóng góp quan trọng vào nền kinh tế, tăng trưởng GDP và thu ngân sách Nhà nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt nhưng thực tế đã bộc lộ nhiều vấn đề tiêu cực.

Một nửa doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam báo lỗ, có tình trạng 'lỗ giả, lãi thật' - Ảnh 1.

Kiểm toán Nhà nước cho biết một nửa doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam báo lỗ, có tình trạng "lỗ giả, lãi thật". (Ảnh: Thanh Niên).

Cụ thể, hiện tượng doanh nghiệp FDI kê khai, báo lỗ khá phổ biến, chiếm đến 50% tổng số doanh nghiệp FDI đang hoạt động trên cả nước. 

Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước Đoàn Xuân Tiên nhấn mạnh việc khai báo lỗ của doanh nghiệp FDI có nhiều nguyên nhân, nhưng phải kể đến hành vi chuyển giá. Thậm chí có tình trạng nhiều nhà đầu tư tìm cách chuyển giao máy móc lạc hậu cho các nước nhận đầu tư, trong đó có Việt Nam. 

Hậu quả của việc này là giá trị thực của máy móc chuyển giao rất khó xác định, gây tổn hại môi trường, chất lượng sản phẩm thấp, chi phí sản xuất cao…

Lãnh đạo Kiểm toán Nhà nước dẫn chứng TPHCM có tới gần 60% trong số trên 3.500 doanh nghiệp FDI thường xuyên kê khai lỗ trong nhiều năm. Tỉnh Bình Dương, một trong những địa phương thu hút được nhiều dự án FDI, cũng có đến 50% doanh nghiệp báo cáo lỗ giai đoạn 2006-2011. 

Hàng năm, Kiểm toán Nhà nước đã phát hiện nhiều sai phạm của doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực môi trường, đất đai, hoạt động chuyển giá và đề nghị cơ quan quản lí khắc phục những sai sót, yếu kém.

Trong khi đó, hiện các doanh nghiệp FDI chiếm tới 20% GDP, khoảng 25% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và chiếm trên 40% giá trị sản xuất công nghiệp, trên 50% tổng kim ngạch xuất khẩu, gần 50% tổng kim ngạch nhập khẩu, chiếm khoảng 30% tổng thu.

Vì vậy, Kiểm toán Nhà nước cho rằng có trường hợp doanh nghiệp FDI gian lận đã gây thất thu cho ngân sách hàng chục nghìn tỉ đồng trong nhiều năm qua.

Điểm danh chiêu thức gian lận, chuyển giá của doanh nghiệp FDI?

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa (Đại học Kinh tế quốc dân) chỉ ra một loạt dấu hiệu nhận biết hành vi chuyển giá của các doanh nghiệp FDI như có tỉ suất lợi nhuận thấp hơn mức trung bình của ngành.

Hoặc các doanh nghiệp có lãi trong thời gian được miễn thuế nhưng sau đó báo lỗ khi hết thời hạn miễn thuế; chi cho các dịch vụ nội bộ chiếm tỉ trọng lớn và kéo dài qua nhiều năm; chi mua máy móc thiết bị, dây chuyền sản xuất, nguyên vật liệu... từ bên liên kết với tỉ trọng lớn trong tổng mua sắm từ các nguồn.

Một nửa doanh nghiệp FDI hoạt động tại Việt Nam báo lỗ, có tình trạng 'lỗ giả, lãi thật' - Ảnh 2.

Đến cuối năm 2012, tổng lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. (Ảnh: Phúc Minh).

Thời gian qua, điển hình mới nhất là trường hợp của Coca-Cola. Theo Cục thuế TP HCM, từ khi bắt đầu hoạt động ở Việt Nam năm 1992, Coca-Cola liên tục báo lỗ. Đến cuối năm 2012, tổng lỗ lũy kế của Coca-Cola Việt Nam lên đến 3.768 tỉ đồng, vượt quá số vốn đầu tư ban đầu. 

Trong khi đó, sản lượng thực tế của Coca-Cola vẫn tăng trưởng khoảng 20% mỗi năm và mở rộng nhà máy sản xuất. 

Hay trường hợp Metro Việt Nam, sau 12 năm hoạt động, doanh nghiệp FDI này đã 6 lần thay đổi giấy phép kinh doanh, nâng tổng vốn đầu tư lên hơn 301 triệu USD. Tuy nhiên, Metro Việt Nam liên tục kê khai lỗ với số lỗ lũy kế lên đến 1.657 tỉ đồng, và chỉ duy nhất năm 2010 có lãi 173 tỉ đồng. Mặc dù lỗ, Metro Việt Nam vẫn tiếp tục mở thêm 19 điểm bán lẻ trên toàn quốc. 

Một điều bất hợp lí là mặc dù thua lỗ liên tục và lỗ lớn nhưng doanh nghiệp FDI vẫn mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, trong khi các doanh nghiệp FDI báo lỗ thì hầu hết doanh nghiệp trong nước cùng ngành nghề đều có lãi.

Tẩy chay doanh nghiệp lỗ giả lãi thật

PGS.TS Nguyễn Thị Phương Hoa nêu đề xuất tăng cường trách nhiệm của kiểm toán độc lập trong kiểm toán báo cáo tài chính của doanh nghiệp FDI. 

Theo đó, kiểm toán hoạt động có dấu hiệu chuyển giá cần được thực hiện theo cả hai cách là kiểm toán riêng trong một cuộc kiểm toán hoặc kiểm toán kết hợp trong khi kiểm toán báo cáo tài chính. 

Kiểm toán phải trên tất cả các phương diện vì có khả năng chuyển giá ở giao dịch về hàng hoá cũng như giao dịch về dịch vụ, chuyển giá cả yếu tố đầu vào cũng như kết quả đầu ra của đơn vị.

Bà cũng đề xuất công khai kết quả kiểm toán hoạt động chuyển giá đối với những hành vi nghiêm trọng. Việc này sẽ tạo áp lực xã hội như tẩy chay sản phẩm, dịch vụ các doanh nghiệp thực hiện hành vi chuyển giá.

Chuyên gia dẫn chứng tại Anh, nghi án Starbuck chuyển giá, khai báo lỗ suốt 13 năm và trốn thuế. Khi công khai kết quả kiểm toán, người Anh đã tẩy chay hàng loạt cửa hàng cà phê Starbuck khiến hãng này đã phải tuyên bố xem xét lại việc nộp thuế 5-6 triệu bảng Anh trong năm 2012.

Về phía Kiểm toán Nhà nước, ông Đoàn Xuân Tiên nhận định kiểm toán nhà nước là một "vũ khí" quan trọng để phòng ngừa, hạn chế những mặt trái từ đầu tư FDI nhưng cũng chỉ là "mắt xích" rất nhỏ.

Ông Tiên cho rằng cần có giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả kiểm toán, trong đó tập trung vào việc thu hút vốn đầu tư FDI lành mạnh, làm trong sạch môi trường đầu tư, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt, tăng kim ngạch xuất khẩu, đồng thời bảo vệ môi trường.

chọn
Lãnh đạo Fecon: Luật mới không ảnh hưởng đến mảng BĐS của công ty, cam kết trả cổ tức 2022 vào quý IV năm nay
Giai đoạn đến 2029, Fecon cho biết đang nghiên cứu phát triển và triển khai đầu tư khoảng 11 dự án bất động sản với tổng giá trị gần 2 tỷ USD. Với các luật mới vừa được thông qua, ban lãnh đạo đánh giá không ảnh hưởng quá nhiều đến Fecon, các dự án của doanh nghiệp hiện khá là thuận lợi so với sự thay đổi của các luật.