Quy hoạch vùng Trung du miền núi Bắc Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/5. Theo đó, dự kiến đến năm 2030, vùng trung du và miền núi phía Bắc trở thành vùng có thu nhập trung bình cao, một số tỉnh nằm trong nhóm các tỉnh phát triển khá của cả nước, tiệm cận với ngưỡng thu nhập cao. Tỷ lệ đô thị hóa của vùng đạt khoảng 40%.
Về định hướng phát triển các tiểu vùng, tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành ba tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế, 3 vành đai phát triển và một khu vực động lực.
Ba tiểu vùng bao gồm tiểu vùng Tây Bắc với ba tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên. Tập trung phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp du lịch; tiểu vùng trung tâm bao gồm 6 tỉnh Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai, Tuyên Quang, Hà Giang, Lai Châu. Tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu tại Lào Cai và Hà Giang; công nghiệp chế biến, chế tạo, khai thác và chế biến sâu khoáng sản.
Tiểu vùng Đông Bắc bao gồm 5 tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, Bắc Giang, Lạng Sơn và Cao Bằng. Tập trung phát triển công nghiệp cơ khí chế tạo trình độ cao, điện tử, thiết bị điện, bán dẫn, năng lượng điện gió; phát triển kinh tế cửa khẩu, thương mại, dịch vụ đáp ứng nhu cầu giao thương, vận chuyển hàng hóa của cả nước.
5 hành lang kinh tế bao gồm hành lang kinh tế Lào Cai - Yên Bái - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với TP Côn Minh và vùng Tây Nam Trung Quốc.
Hành lang kinh tế Lạng Sơn - Bắc Giang - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với TP Nam Ninh vùng Đông Nam Trung Quốc.
Hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội gắn với tiểu vùng Tây Bắc, kết nối với Lào và các nước ASEAN; liên kết các đô thị và các trung tâm du lịch tiểu vùng Tây Bắc với vùng đồng bằng sông Hồng và tiểu vùng Bắc Trung Bộ.
Hành lang kinh tế Hà Giang - Tuyên Quang - Phú Thọ - Hà Nội kết nối tiểu vùng trung tâm với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng và vùng Tây Nam Trung Quốc.
Hành lang kinh tế Cao Bằng - Bắc Kạn - Thái Nguyên - Hà Nội kết nối tiểu vùng Đông Bắc với Thủ đô Hà Nội, các cảng cửa ngõ, vùng đồng bằng sông Hồng, với thành phố Trùng Khánh và vùng Đông Nam Trung Quốc.
Ba vành đai phát triển bao gồm vành đai biên giới (theo các quốc lộ 4, 4A, 4B, 4C, 4D, 4H) kết nối các tỉnh biên giới dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc, Việt Nam - Lào. Vành đai hỗ trợ trung chuyển hàng hóa (theo hành lang đường bộ bao gồm tuyến cao tốc đề xuất Sơn La - Yên Bái, quốc lộ 37) và vành đai đô thị - công nghiệp - dịch vụ (theo hành lang đường bộ bao gồm tuyến cao tốc CT 02 và vành đai 5 (đô thị Hà Nội) và hành lang đường sắt đi qua các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Giang).
Hệ thống đô thị của vùng đến năm 2030 gồm 5 đô thị loại I, 11 đô thị loại II và 5 đô thị loại III.
Về giao thông, vùng sẽ đẩy nhanh tiến độ, chuẩn bị và khởi công xây dựng các tuyến đường sắt tốc độ cao Lạng Sơn - Hà Nội, Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh; thực hiện đầu tư tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng); triển khai xây dựng tuyến cao tốc Sơn La - Điện Biên, cao tốc Bắc Kạn.
Nâng cấp cảng hàng không Điện Biên thành cảng hàng không quốc tế (cấp 4E) sau năm 2030 khi được điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc.
Ngày 4/5, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Hồng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, mục tiêu đến năm 2030, vùng trở thành vùng có công nghiệp hiện đại, tiệm cận mức thu nhập cao. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 55%. Diện tích sàn nhà ở bình quân đầu người khu vực đô thị đạt khoảng 32 - 33 m2.
Tổ chức các hoạt động kinh tế - xã hội của vùng thành hai tiểu vùng (phía bắc sông Hồng và phía Nam sông Hồng) với một vùng động lực quốc gia (bao gồm TP Hà Nội và các địa bàn cấp huyện dọc theo trục quốc lộ 5 và quốc lộ 18 qua các tỉnh Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, TP Hải Phòng và tỉnh Quảng Ninh).
4 cực tăng trưởng (gồm Thủ đô Hà Nội, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng) và 5 hành lang kinh tế (hai hành lang kết nối quốc tế và ba hành lang kết nối vùng).
Trong đó, 5 hành lang kinh tế bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng (Bắc Ninh - Hà Nội - Hà Nam - Ninh Bình) - Hình thành trên cơ sở cao tốc Bắc - Nam phía Đông, QL 1A, đường sắt Bắc - Nam và đường sắt tốc độ cao trong tương lai.
Hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh là trục kết nối chủ đạo của vùng động lực; hành lang kết nối liên vùng, quốc tế, kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với vùng trung du và miền núi phía Bắc với các trung tâm kinh tế, cảng biển lớn của cả nước.
Hành lang kinh tế Hà Nội - Thái Nguyên - Bắc Kạn - Cao Bằng là hành lang kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với tiểu vùng Đông Bắc và Trùng Khánh, Trung Quốc.
Hành lang kinh tế ven biển Quảng Ninh - Hải Phòng - Thái Bình - Nam Định - Ninh Bình là hành lang ven biển kết nối các khu vực phát triển kinh tế năng động như các khu kinh tế ven biển, các khu đô thị, du lịch, nông nghiệp.
Hành lang kinh tế Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội là hành lang kết nối vùng đồng bằng sông Hồng với tiểu vùng Tây Bắc và khu vực phía Bắc Lào.
Về giao thông, vùng sẽ phát triển một số trục kết nối đến các đầu mối vận tải lớn, các khu công nghiệp bao gồm tuyến đường vành đai công nghiệp Bắc Giang - Thái Nguyên - Vĩnh Phúc; tuyến đường kết nối từ đường tỉnh 359 (TP Hải Phòng) đi Quảng Yên (Quảng Ninh) qua cầu Bến Rừng, cầu và đường kết nối Uông Bí (Quảng Ninh) với Thủy Nguyên (Hải Phòng).
Cầu, hầm nối từ khu vực Tiền Phong với Lạch Huyện; đường kết nối từ Tây Yên Tử, huyện Sơn Động (Bắc Giang) đến đường tỉnh 327B tại xã Tân Dân, TP Hạ Long (Quảng Ninh); đường kết nối theo hướng đường tỉnh 295C từ TP Bắc Ninh đến TP Từ Sơn kết nối theo trục Hà Nội - Bắc Ninh - Bắc Giang.
Tuyến đường kết nối Thái Bình - cầu Nghìn kết nối từ TP Thái Bình sang Hải Phòng; các tuyến đường bộ kết nối Vĩnh Phúc với huyện Sóc Sơn, Mê Linh (Hà Nội).
Vùng cũng sẽ xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; xây dựng đường sắt vùng, đường sắt kết nối các khu kinh tế cửa khẩu với cảng biển cửa ngõ quốc tế khu vực Hải Phòng - Quảng Ninh, trong đó ưu tiên chuẩn bị và triển khai xây dựng mới các tuyến đường sắt tốc độ cao Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và Lạng Sơn - Hà Nội kết nối với Trung Quốc.
Nghiên cứu phát triển, thu hút đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng bao gồm đường sắt ven biển Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng - Quảng Ninh (bao gồm cả đoạn Nam Hải Phòng - Hạ Long), Hạ Long - Móng Cái và hoàn thành các tuyến đường sắt khu đầu mối TP Hà Nội.
Nâng cấp, mở rộng các cảng hàng không hiện hữu (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi). Nghiên cứu và chuẩn bị các điều kiện để sớm hình thành cảng hàng không quốc tế mới tại Tiên Lãng - Hải Phòng, dự bị cho Cảng hàng không quốc tế Nội Bài; nghiên cứu vị trí phù hợp để phát triển cảng hàng không thứ 2 hỗ trợ cảng hàng không quốc tế Nội Bài tại khu vực phía đông nam hoặc phía nam Thủ đô Hà Nội.
Cùng ngày 4/5, Quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng đã được Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định phê duyệt. Theo đó, đến năm 2030, Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là vùng phát triển nhanh, mạnh về kinh tế biển. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 48%; dự kiến phát triển được ít nhất một đô thị ngang tầm khu vực và quốc tế.
Vùng sẽ phát triển theo ba tiểu vùng và hai hành lang kinh tế bao gồm tiểu vùng Bắc Trung Bộ với 5 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình và Quảng Trị; tiểu vùng Trung Trung Bộ với 5 tỉnh, thành phố là Thừa Thiên Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi và Bình Định; Tiểu vùng Nam Trung Bộ gồm 4 tỉnh, thành phố là Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và Bình Thuận.
Hai hành lang kinh tế bao gồm phát triển hành lang kinh tế Bắc - Nam với hai hành lang trực thuộc là hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Đông và hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Tây.
Hành lang kinh tế Đông - Tây với các hành lang trục thuộc là hành lang kinh tế Cầu Treo - Vũng Áng; hành lang kinh tế Lao Bảo - Đông Hà - Đà Nẵng; hành lang kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn; hành lang kinh tế Bờ Y - Quảng Nam - Đà Nẵng; hành lang kinh tế Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; hành lang kinh tế kết nối khu vực Nam Tây Nguyên (Đắk Nông, Lâm Đồng) với khu vực duyên hải Nam Trung Bộ (Ninh Thuận, Bình Thuận).
Về giao thông, vùng sẽ hoàn thành xây dựng, mở rộng cao tốc Bắc - Nam phía Đông trên địa bàn vùng theo quy chuẩn; phát triển các cao tốc kết nối Đông - Tây, kết nối các cảng biển đặc biệt, cảng hàng không quốc tế với các địa phương vùng Tây Nguyên và Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, vương quốc Campuchia.
Tập trung đầu tư các cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột; cao tốc Hà Nội - Viêng Chăn (đoạn qua Nghệ An từ Vinh đến Thanh Thủy), cao tốc Cam Lộ - Lao Bảo; cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh, theo quy hoạch ngành quốc gia được phê duyệt. Nghiên cứu phát triển một số đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Tây, cao tốc Quảng Ngãi - Kon Tum.
Đầu tư xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ưu tiên đoạn qua địa bàn vùng thuộc đoạn tuyến Hà Nội - Vinh và Nha Trang - TP HCM; các tuyến đường sắt kết nối Đông - Tây trên địa bàn Vùng (Vũng Áng - Tân Ấp - Mụ Giạ, Tháp Chàm - Đà Lạt).
Nghiên cứu phát triển, thu hút đầu tư các tuyến đường sắt kết nối vùng, liên vùng phù hợp nhu cầu từng giai đoạn như tuyến Mỹ Thủy - Đông Hà - Lao Bảo, Đà Nẵng - Tây Nguyên; Phú Yên - Tây Nguyên; các tuyến đường sắt đô thị kết nối Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng; Đà Nẵng - Quảng Nam; Quảng Nam - Quảng Ngãi.
Nâng cấp, cải tạo và nâng cao hiệu quả khai thác của 9 cảng hàng không hiện có trong vùng; ưu tiên nâng cấp, phát triển cảng hàng không Chu Lai thành cảng hàng không trung chuyển quốc tế; đồng thời, tại cảng hàng không quốc tế Chu Lai hình thành trung tâm logistic trung chuyển hàng hóa quốc tế.
Đầu tư xây dựng cảng hàng không Phan Thiết, cảng hàng không Quảng Trị, nâng cấp sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) trở thành sân bay lưỡng dụng;
Nghiên cứu, khảo sát, đánh giá một số cảng hàng không, sân bay có tiềm năng tại Hà Tĩnh, Khánh Hòa, Lý Sơn (Quảng Ngãi) và Phú Quý (Bình Thuận).
Quy hoạch vùng Tây Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào ngày 4/5, mục tiêu năm 2030, vùng Tây Nguyên vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. Tỷ lệ đô thị hoá đạt từ 37% - 41%.
Vùng cũng sẽ phát triển theo ba tiểu vùng, 5 hành lang kinh tế. Theo đó, ba tiểu vùng bao gồm tiểu vùng Bắc Tây Nguyên (bao gồm tỉnh Gia Lai và tỉnh Kon Tum); tiểu vùng Trung Tây Nguyên (bao gồm toàn bộ địa giới hành chính tỉnh Đắk Lắk); tiểu vùng Nam Tây Nguyên (bao gồm tỉnh Lâm Đồng và tỉnh Đắk Nông).
5 hành lang kinh tế bao gồm hành lang kinh tế cao tốc Bắc - Nam phía Tây (Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước - Bình Dương) và đường Hồ Chí Minh; hành lang kinh tế Đông - Tây (hành lang kinh tế Bờ Y - Pleiku - Quy Nhơn); hành lang kinh tế Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa; hành lang Dầu Giây - Liên Khương - Nha Trang và Hành lang Bu Prăng - Gia Nghĩa - Bảo Lộc - Bình Thuận - Ninh Thuận.
Đến năm 2030, vùng Tây Nguyên có 3 đô thị loại I ,3 đô thị loại II, 6 đô thị loại III, 27 đô thị loại IV.
Với giao thông, đến năm 2030, nghiên cứu, đầu tư hoàn thành một số tuyến đường bộ cao tốc để thúc đẩy và phát triển các hành lang kinh tế kết nối Tây Nguyên với vùng Đông Nam Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Trung Trung Bộ và hành lang kinh tế Bắc - Nam phía Tây.
Hoàn thành cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (CT 24); Dầu Giây (tỉnh Đồng Nai) - Liên Khương (tỉnh Lâm Đồng) (CT 27); Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông) - Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) thuộc tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT 02).
Nghiên cứu đầu tư cao tốc Bắc - Nam phía Tây (CT 02) gồm các đoạn tuyến Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) - Pleiku (tỉnh Gia Lai) - Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) - Gia Nghĩa (tỉnh Đắk Nông); tuyến cao tốc Quy Nhơn - Pleiku - Lệ Thanh (CT 20) kết nối với cửa khẩu quốc tế Bờ Y (tỉnh Kon Tum) và bổ sung đầu tư tuyến Quảng Ngãi - Kon Tum giai đoạn trước năm 2030.
Đến năm 2030, tiếp tục đầu tư nâng cấp, cải tạo các tuyến quốc lộ gồm QL 14, QL 24, QL 40, QL 40B, QL 19, QL 25, QL 26, QL 27, QL 28, QL 29, QL 55, QL 20, Trường Sơn Đông khi có đủ điều kiện.
Khôi phục tuyến đường sắt Tháp Chàm - Đà Lạt phục vụ du lịch và từng bước nghiên cứu đầu tư xây dựng tuyến đường sắt kết nối các tỉnh khu vực Tây Nguyên (Đà Nẵng - Kon Tum - Gia Lai - Đắk Lắk - Đắk Nông - Bình Phước (Chơn Thành) theo Quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Dự kiến thực hiện mở rộng, nâng cấp Cảng hàng không Liên Khương lên cấp 4E; Cảng hàng không Pleiku và Cảng hàng không Buôn Ma Thuột cấp 4C.
Nghiên cứu xây dựng sân bay tiềm năng tại tỉnh Kon Tum, Đắk Nông khi đảm bảo các điều kiện theo quy định theo Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch vùng Đông Nam Bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 cũng được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 4/5. Mục tiêu đến năm 2030, Đông Nam Bộ trở thành vùng có công nghiệp phát triển, vượt qua ngưỡng thu nhập cao, đời sống vật chất, tinh thần của người dân dẫn đầu cả nước. Tỷ lệ đô thị hoá đạt khoảng 70 - 75%.
Vùng sẽ phát triển theo ba tiểu vùng, 6 hành lang kinh tế. Trong đó, ba tiểu vùng bao gồm tiểu vùng trung tâm với TP HCM, khu vực phía Nam tỉnh Bình Dương và Tây Nam tỉnh Đồng Nai; tiểu vùng ven biển, gồm khu vực Cần Giờ (TP HCM) và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu; tiểu vùng phía Bắc, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Phước và khu vực phía Bắc của các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương.
6 hành lang kinh tế bao gồm hành lang kinh tế Bắc - Nam trên địa bàn vùng Đông Nam Bộ (từ Đồng Nai đến TP HCM); hành lang kinh tế Mộc Bài - TP HCM - Biên Hòa - Vũng Tàu; vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ, logistics dọc theo vành đai 3, vành đai 4 TP HCM.
Hành lang kinh tế theo QL 13 từ TP HCM - Bình Dương - Bình Phước; hành lang kinh tế Tây Nguyên - Đông Nam Bộ; hành lang kinh tế Tây Ninh - Bình Dương.
Về giao thông, vùng sẽ xây dựng các tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, cao tốc Bắc - Nam phía Tây, Dầu Giây - Liên Khương, Biên Hòa - Vũng Tàu, TP HCM - Mộc Bài (nghiên cứu định hướng kết nối với tuyến cao tốc của phía Campuchia phù hợp với nhu cầu vận tải), Thành phố Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, Gò Dầu - Xa Mát.
Mở rộng cao tốc TP HCM - Long Thành - Dầu Giây, TP HCM - Trung Lương. Hoàn thành khép kín đường vành đai 3, vành đai 4 TP HCM. Nghiên cứu quy hoạch tuyến đường vành đai 5 TP HCM kết nối các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương, Bình Phước và kết nối liên vùng với các tỉnh Tây Nguyên.
Về đường sắt, xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam đoạn Nha Trang - TP HCM; các tuyến đường sắt kết nối cảng biển Biên Hòa - Vũng Tàu, tuyến kết nối liên vùng TP HCM - Cần Thơ, đường sắt nhẹ Thủ Thiêm - Long Thành kết nối với sân bay Long Thành, tuyến TP HCM - Lộc Ninh kết nối với Campuchia.
Xây dựng các tuyến đường sắt đô thị TP HCM và kéo dài đến các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai; nghiên cứu kéo dài đến Bà Rịa - Vũng Tàu khi điều kiện phù hợp. Nghiên cứu đầu tư tuyến đường sắt Mộc Bài (Tây Ninh) - Bàu Bàng (Bình Dương).
Xây dựng cảng hàng không quốc tế Long Thành giai đoạn 1, công suất 25 triệu hành khách/năm. Nâng cấp cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đạt công suất 50 triệu hành khách/năm, cảng hàng không Côn Đảo đạt công suất 2 triệu hành khách/năm.
Đưa cảng hàng không Biên Hòa vào khai thác lưỡng dụng, công suất 5 triệu hành khách/năm. Nghiên cứu xem xét, đầu tư xây dựng các sân bay lưỡng dụng, sân bay chuyên dùng tại các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Bà Rịa - Vũng Tàu, sân bay tiềm năng tại tỉnh Tây Ninh phù hợp với điều kiện và nhu cầu thực tế.
Cuối cùng là Quy hoạch vùng Đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào cuối tháng 2/2022.
Theo đó, quy hoạch sẽ phát triển vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030 trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp bền vững, năng động và hiệu quả cao của quốc gia, khu vực và thế giới trên cơ sở phát triển hệ thống các trung tâm đầu mối về nông nghiệp.
Vùng sẽ được phát triển theo 4 hành lang kinh tế, 4 khu vực động lực phát triển. Trong đó, 4 hành lang kinh tế bao gồm hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp từ Cần Thơ đến Long An với định hướng đẩy mạnh đô thị hóa, công nghiệp hóa dọc các cao tốc Bắc - Nam phía Tây đoạn Mỹ An (Đồng Tháp) - Đức Hòa (Long An).
Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đoạn Cần Thơ - Bến Lức (Long An) và khu vực dọc hành lang vận tải thủy nội địa TP HCM - Cần Thơ.
Hành lang dọc sông Tiền - sông Hậu là hành lang kinh tế, không gian văn hóa, hành lang đa dạng sinh học; định hướng phát triển cụm liên kết về lúa gạo, thủy sản và trái cây gắn với các đô thị sinh thái hai bên sông.
Hành lang kinh tế ven biển qua các tỉnh ven biển từ Long An, Cà Mau đến Kiên Giang sẽ tập trung phát triển năng lượng tái tạo, cụm liên kết về thủy sản, nghề biển, du lịch và đô thị biển đảo.
Hành lang biên giới từ Long An đến Kiên Giang sẽ phát triển kinh tế cửa khẩu gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh.
4 khu vực phát triển động lực bao gồm phát triển Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng đồng bằng sông Cửu Long; là trung tâm của vùng về dịch vụ, thương mại, du lịch, logistic...
Phát triển khu vực tứ giác trung tâm của vùng bao gồm các đô thị Cần Thơ, Long Xuyên, Cao Lãnh, Vĩnh Long.
Phát triển các trung tâm đầu mối về nông nghiệp gắn với hệ thống các đô thị loại I có vai trò trung tâm tổng hợp, trung tâm chuyên ngành của vùng, tiểu vùng. Phát triển Phú Quốc gắn kết với hệ thống đô thị ven biển, đô thị đảo.
Về giao thông, hệ thống đường bộ cao tốc đến năm 2030, tầm nhìn đến 2050 có tổng chiều dài khoảng 1.166 km bao gồm ba trục dọc kết nối các tỉnh, thành phố trong vùng với vùng Đông Nam Bộ và ba trục ngang.
Các trục dọc bao gồm tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông (đoạn TP HCM - Cần Thơ - Cà Mau), dài khoảng 245 km, quy mô 4 - 6 làn xe; tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Tây (đoạn Đức Hòa - Rạch Sỏi) dài khoảng 180 km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc TP HCM - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng dải khoảng 150 km, quy mô 4 làn xe.
Các trục ngang bao gồm tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng dài khoảng 191 km, quy mô 6 làn xe; tuyến cao tốc Hà Tiên (Kiên Giang) - Rạch Giá - Bạc Liêu dài khoảng 212 km, quy mô 4 làn xe; tuyến cao tốc Hồng Ngự (Đồng Tháp) - Trà Vinh dài khoảng 188 km, quy mô 4 làn xe.
Cùng với đó, mạng lưới đường sắt trong vùng đồng bằng sông Cửu Long giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm một tuyến đường sắt TP HCM - Cần Thơ chiều dài khoảng 174 km, khổ đường 1.435 mm.